Người gầy có cần giảm mỡ?

Người gầy có cần giảm mỡ?
13 giờ trướcBài gốc
Hiện tượng này không chỉ phổ biến mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Vậy người gầy có cần giảm mỡ không? Câu trả lời là có, nhưng không phải theo cách thông thường mà theo cách khoa học, phù hợp với cơ thể.
Ảnh minh họa/ Nguồn Internet
Gầy nhưng vẫn béo
Gầy nhưng béo là những người tuy có cân nặng bình thường hoặc thấp, thậm chí nhìn gầy gò, nhưng lại có tỷ lệ mỡ cơ thể cao, đặc biệt là mỡ nội tạng, loại mỡ nguy hiểm bao quanh các cơ quan quan trọng như gan, tim, ruột…
Hiện tượng này có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là với nhóm người: Ít vận động hoặc không tập luyện thường xuyên; Chế độ ăn uống nghèo nàn dinh dưỡng, ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột xấu, thức ăn nhanh; Thức khuya, làm việc căng thẳng, ngủ không đủ giấc.
Nói cách khác, gầy không đồng nghĩa với khỏe mạnh. Bạn có thể không béo phì bên ngoài nhưng vẫn đang mang trong người những nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn.
Mỡ nội tạng, “kẻ giết người thầm lặng” trong cơ thể gầy
Mỡ nội tạng khác với lớp mỡ dưới da. Nó không hiện rõ ra bên ngoài, nên khó nhận biết. Tuy nhiên, khi vượt quá ngưỡng cho phép, loại mỡ này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe: Tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2 do rối loạn chuyển hóa đường; Gây cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ; Gan nhiễm mỡ không do rượu – tình trạng rất phổ biến hiện nay ở cả người trẻ; Suy giảm chức năng tim mạch và nội tiết tố; Làm yếu hệ miễn dịch, nhanh lão hóa.
Vì vậy, nếu bạn thuộc tuýp người “gầy nhưng yếu”, ít vận động, ăn uống thiếu khoa học, bạn hoàn toàn có thể nằm trong nhóm có nguy cơ cao dù không hề thừa cân.
Giảm mỡ không có nghĩa là giảm cân
Một trong những hiểu lầm phổ biến là “giảm mỡ” đồng nghĩa với “giảm cân”. Thật ra, đối với người gầy, giảm mỡ phải đi kèm với tăng cơ và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Nếu bạn chỉ tập trung vào giảm ký, cơ thể bạn có thể càng yếu hơn, mất cơ bắp và suy giảm đề kháng. Điều cần làm là: Loại bỏ mỡ dư thừa (đặc biệt là mỡ nội tạng); Tăng cơ bắp để cơ thể khỏe, săn chắc và có sức đề kháng tốt hơn; Giữ cân nặng ở mức hợp lý nhưng tỷ lệ cơ – mỡ phải đạt chuẩn.
Làm sao để người gầy giảm mỡ đúng cách và hiệu quả?
Ăn đủ chất, đừng kiêng khem quá mức
Người gầy không nên ăn kiêng theo kiểu cực đoan. Thay vào đó, hãy ăn uống đủ chất, đặc biệt chú trọng:
Protein: Có nhiều trong trứng, thịt nạc, cá, sữa, đậu phụ. Protein giúp cải thiện cơ bắp và tăng trao đổi chất.
Chất béo tốt: Từ quả bơ, hạt hạnh nhân, cá hồi, dầu oliu – giúp ổn định nội tiết và đốt mỡ.
Tinh bột chậm: Như gạo lứt, khoai lang, yến mạch – cung cấp năng lượng bền vững, không gây tăng mỡ.
Rau xanh và trái cây ít đường: Giúp giải độc, cung cấp chất xơ và vitamin thiết yếu.
Tập luyện đúng cách
Chỉ tập cardio (như chạy bộ, nhảy dây) sẽ khiến người gầy dễ bị sụt cơ, mệt mỏi. Hãy kết hợp tập kháng lực (weight training) từ 3–4 buổi/tuần để tăng cơ; Cardio nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, đạp xe khoảng 20–30 phút để hỗ trợ tim mạch và đốt mỡ.
Lưu ý, tập trung vào kỹ thuật, không cần nâng nặng quá sức.
Ngủ đủ, kiểm soát stress
Thức khuya và căng thẳng là “kẻ thù” của sức khỏe và vóc dáng. Thiếu ngủ làm rối loạn hormone, gây tích mỡ nội tạng, mất cơ và dễ thèm ăn vặt. Hãy ngủ đủ 7–8 tiếng mỗi đêm và giảm áp lực tinh thần bằng thiền, hít thở sâu, hoặc dành thời gian thư giãn.
Trương Hiền
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/nguoi-gay-co-can-giam-mo-post1543044.html