Hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả vừa bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá mới đây, điển hình như vụ sản xuất, kinh doanh gần 600 loại sữa bột giả ở Hà Nội và các địa phương lân cận; vụ sản xuất thuốc giả quy mô lớn ở Thanh Hóa; đường dây sản xuất mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả ở Phú Thọ… đã cho thấy một thực trạng khiến dư luận đặc biệt lo lắng: Không ít hàng giả, nhất là những mặt hàng thiết yếu đang “tung hoành” trên thị trường, hằng ngày, hằng giờ len lỏi vào từng gia đình, từng bữa ăn của người dân.
Hàng giả gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển của giống nòi. Cùng với đó, hàng giả với mẫu mã tinh vi như thật nhưng giá cả hết sức “cạnh tranh” cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ đúng pháp luật điêu đứng, thậm chí phá sản, qua đó âm thầm tàn phá nền kinh tế đất nước.
Xưởng sản xuất mì chính giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam vừa bị phát hiện. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả nói chung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thuốc giả… nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo, như chỉ trong ngày 17-4-2025, Thủ tướng đã có 2 công điện: Công điện số 40/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả; Công điện số 41/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Mới đây, ngày 2-5-2025, Thủ tướng tiếp tục có Công điện số 55/CĐ-TTg về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, các địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc, vụ án đã được phát hiện, khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối tại các kênh bán lẻ, đại lý, sàn thương mại điện tử…; rà soát các vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung…
Sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ cho thấy công tác chống hàng giả luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn biến rất phức tạp với quy mô lớn hơn, mức độ nghiêm trọng hơn. Hàng giả không chỉ dừng lại ở những mặt hàng gia dụng bình thường như giầy dép, túi xách, quần áo, đồ điện tử… mà còn “lan” sang thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm… làm người dân bất an. Vì sao vậy?
Không thể không nói đến các nguyên nhân như hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn tình trạng vừa chồng chéo, vừa tạo “lỗ hổng”, trong khi công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường còn lỏng lẻo, dẫn tới bị các “gian thương” lợi dụng.
Cùng với đó là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn nhẹ so với lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán gian lận; một bộ phận người dân ham rẻ nên vô tình tiếp tay cho hàng giả…
Nhưng đó không phải nguyên nhân căn cốt. Nguyên nhân sâu xa, căn cốt của tình trạng này là do… “người giả”!
Đó là tình trạng một bộ phận người kinh doanh thiếu đạo đức, đặt đồng tiền lên trên tất cả, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp sự an nguy, tính mạng của cộng đồng, sự phát triển của giống nòi, tương lai của dân tộc…, từ đó tìm mọi cách sản xuất, buôn bán, kinh doanh mọi loại hàng giả, miễn là mang lại lợi ích cho bản thân.
Thực tế cho thấy, cho dù có được hệ thống pháp luật đầy đủ nhưng nếu chủ thể cố tình lợi dụng thì cũng rất khó để ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm nói chung, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả nói riêng.
Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực để “không dám”, “không thể” vi phạm thì gốc rễ của việc chống hàng giả là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục từ nhà trường, gia đình và ngoài xã hội nhằm xây dựng được những công dân, doanh nhân có đạo đức, có ý thức vì cộng đồng, có trách nhiệm với xã hội, tự giác doanh chấp hành nghiêm pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
VIỆT PHÚ