Ông Nguyễn Đình Phúc đã "biến" những cánh đồng hoang thành những vườn cây ăn quả có giá trị cao.
Giáo dân Nguyễn Đình Phúc (SN 1957) được bà con giáo xứ Nghĩa Yên (thị trấn Đức Thọ) gọi với cái tên trìu mến: người “thổi hồn” cho những cánh đồng hoang. Ông Phúc là người khởi xướng và truyền cảm hứng đổi mới sản xuất nông nghiệp cho bà con nơi đây. Ông Phúc cho biết: "Tôi sinh ra, lớn lên trên ruộng vườn nên rất đam mê làm nông nghiệp. Vì thế, tôi đặt niềm tin là mình gắn bó với đất đai, chắc một ngày đất đai sẽ mang lại cho mình những kết quả tốt đẹp".
Ông Phúc đã có hơn 20 năm gắn bó với ruộng đồng quê hương để biến những bãi bồi hoang hóa ngoài đê La Giang thành những vườn cây ăn quả, sản xuất theo quy trình hữu cơ. "Năm 2006, tôi đi xuất khẩu lao động ở Australia. Trong 2 năm ở đây, tôi chủ yếu làm nông nghiệp nên đã học hỏi được những tiến bộ khoa học hiện đại trong sản xuất của nông dân nước bạn. Sau khi về nước, tôi đầu tư mua máy móc như máy cày bừa liên hợp, máy làm cỏ... để phục vụ sản nông nghiệp. Tôi áp dụng theo mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân Australia nhằm nâng cao hiệu quả trên một diện tích canh tác", ông Phúc chia sẻ.
Những cây ổi lê Đài Loan xanh tốt hứa hẹn sẽ cho những quả ngọt đầu mùa.
Cách đây hàng chục năm, nhiều diện tích bãi bồi vùng ngoài đê La Giang ở thị trấn Đức Thọ bị bỏ hoang do sản xuất không hiệu quả. Ông Phúc đã mạnh dạn nhận hơn 2 ha để cải tạo và trồng cây ăn quả. Từ những bãi bồi, hố bom, lau lách hoang hóa chỗ cao chỗ thấp ngày nào giờ đã biến thành những vườn cây ăn quả như táo ngọt, ổi, lê Đài Loan bạt ngàn xanh mát, hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Những bãi bồi ngoài đê La Giang trước đây bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm giờ đây đã biến thành những vườn táo xanh mướt, trĩu quả
Qua nhiều mùa vụ vừa làm, vừa tích lũy, đúc rút kinh nghiệm, thành quả mà ông Phúc giành được là hơn 4 ha cây ăn quả các loại, mang về thu nhập cho gia đình ông từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Ông Phúc cho biết thêm: "Nông nghiệp chính là cuộc sống của tôi, cũng là trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng. Vì tôi thấy mình có nghĩa vụ đồng hành cùng với bà con nông dân, góp vào sự phát triển chung của quê hương".
Ngoài việc chăm sóc vườn cây ăn quả rộng hàng nghìn m , ông Phúc còn truyền đạt kinh nghiệm mà mình học hỏi được cho bà con nông dân tại địa phương
Khi đã trông thấy hiệu quả, hơn ai hết, ông Phúc hiểu rõ tầm quan trọng của việc cải tạo, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa một cách bền vững. Trên cơ sở thành quả của những mùa vụ đầu tiên, ông đã khuyến khích bà con tích cực tham gia vào các dự án trồng trọt. Mục đích không chỉ để nâng cao hiệu quả kinh tế, mà thông qua đó, gắn kết cộng đồng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng phát triển sản xuất.
“Hạnh phúc chỉ thật sự trọn vẹn khi có thể giúp đỡ cộng đồng vượt qua những khó khăn, cùng chia sẽ niềm vui với nhau, khi đó mới là hạnh phúc” - đó là tâm niệm của giáo dân Nguyễn Đình Phúc. Nói đi đôi với làm, ông Phúc đã cho một số người dân mượn đất, đồng thời cung cấp giống cây trồng và tận tình hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con.
Anh Nguyễn Trung Tính là người được ông Phúc cho mượn đất, hướng dẫn kỹ thuật để trồng táo.
Anh Nguyễn Trung Tính ở tổ dân phố Đại Thành - thị trấn Đức Thọ là một trong những người được ông Phúc giúp đỡ hết sức tận tình. Anh Tính cho biết: “Sau một thời gian đi làm ăn xa, tôi trở về quê hương. Được sự giúp đỡ tận tình của ông Phúc, tạo điều kiện cho tôi mượn đất và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch, đến nay, gia đình tôi đã trồng được vườn táo với 500 gốc, mỗi năm cho thu nhập từ 180-200 triệu đồng. Giờ đây, cuộc sống của gia đình tôi đã được ấm no. Tấm gương miệt mài lao động của ông Phúc đã truyền cảm hứng đổi mới trong sản xuất nông nghiệp cho chúng tôi”.
Ông Nguyễn Chí Thanh - công chức nông nghiệp - môi trường đô thị (thị trấn Đức Thọ) cho biết: Ông Phúc đã góp phần không nhỏ để thị trấn Đức Thọ thực hiện có hiệu quả đề án tích tụ ruộng đất. Là một nông dân, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ, gia đình ông Phúc là hộ có đời sống khá giả nhưng ông vẫn đam mê làm nông nghiệp sạch. Ông Phúc đã cổ vũ bà con giáo dân nơi đây phát triển kinh tế, sống tốt đời đẹp đạo.
Đức Phú