Tôi và Hạnh như bao đứa trẻ ở làng chài này cùng ở một nhà tập thể lớn. Đó là căn nhà cũ và rộng do người dân làng chài chung tay xây nên, để những người thân có nơi tránh nắng, tránh gió, người già ở lại bờ nuôi trẻ nhỏ, để người đánh cá vững chí ra khơi.
Bà Mận, ông Lâm, cụ Sáu, thầy Nam... chẳng ai trong số họ là người thân ruột thịt của tôi. Cũng như nhỏ Liên, thằng Phong… tôi còn không biết tụi nó mang họ gì. Vậy mà sớm, tối tôi đều gặp họ, sống chung một nhà với nhau.
Thường thì 2 tháng tàu của ba mẹ tôi sẽ về. Ngày ấy, tôi chưa hiểu rõ thời gian chờ đợi đau đáu là gì. Tôi hay hỏi thầy Nam: "Hôm nay là ngày thứ bao nhiêu rồi thưa thầy? Còn bao lâu nữa thì tới ngày ba mẹ con về ạ?". Tôi nghĩ là tôi đã hỏi thầy mỗi ngày. Không cần ông giáo về hưu trả lời tôi cũng biết là còn lâu lắm. Dù chỉ 1 ngày thôi cũng đủ lâu rồi…
Tôi thấy Hạnh chưa bao giờ để ý đến thời gian. Ngoài giờ đi học, Hạnh chỉ loanh quanh làm việc phụ giúp mọi người hay chơi đùa cùng các em nhỏ. Tôi nghĩ Hạnh chắc giận ba mẹ mình lắm, bởi có đứa nhỏ nào không trông chờ ba mẹ mình về cơ chứ.
Trong nhà tập thể, Hạnh là đứa trẻ dậy sớm nhất. Mỗi ngày Hạnh đều chạy ra biển từ lúc mặt trời còn chưa ló dạng. Tôi tò mò lắm nhưng chẳng thể chiến thắng cơn buồn ngủ để đi theo Hạnh, rình xem bạn nói gì với mặt trời khi bình minh chiếu rọi.
Năm học lớp 4, tôi đã hỏi thẳng Hạnh: "Mặt trời mọc có gì lạ lắm hả?". Hạnh không trả lời ngay, mắt nhìn về phía cửa sổ, như xa xăm vượt ngàn dặm, rồi khẽ trả lời: "Đoàn đánh cá luôn trở về vào buổi sáng. Nếu hôm nay ba mẹ về thì Hạnh sẽ gặp họ ngay lúc vừa cập bến. Hạnh muốn tranh thủ từng phút giây ba mẹ ở bên mình…".
Tôi ngộ ra, chẳng có đứa nào trong chúng tôi là không trông chờ ba mẹ về. Chỉ là mỗi người có cách trông chờ khác nhau. Vậy là từ đó, mỗi sáng tôi đều theo Hạnh chạy một mạch ra bãi đậu tàu, cười rít lên mỗi khi có tàu cập bãi. Thường thì chỉ có những thuyền thúng nhỏ, họ đi vào buổi tối hôm trước và trở về ngay trong sáng hôm sau để kịp phiên chợ sớm.
Rất lâu mới có một đoàn tàu to trở về.
Và rất lâu mới thấy ba mẹ chúng tôi trở về. Chờ đợi lâu là vậy, nhưng ba mẹ chỉ ở lại bờ vài ngày rồi khăn gói lên tàu, bắt đầu một chuyến ra khơi mới.
Tôi và Hạnh lại rong ruổi những ngày chạy đua cùng bình minh. Trong cuộc đua này, chúng tôi bất bại, không gió biển nào có thể cản bước, không thời gian nào làm chúng tôi run sợ... Chỉ cần ngày mai còn bình minh, chúng tôi vẫn còn chạy.
Và chúng tôi cùng nhau trưởng thành như thế.
Sau khi tốt nghiệp THPT, chúng tôi cùng đậu vào một trường đại học. Nhưng Hạnh chưa bao giờ rời khỏi làng chài, rời khỏi bình minh và những ánh sao đêm...
Tôi muốn ngắm nhìn thế giới, đi thật xa, bay thật cao, để rồi một ngày mang kiến thức và sự hiểu biết về xây dựng quê hương, để những đứa trẻ làng chài không phải lớn lên trong sự thiếu thốn như chúng tôi từng trải qua. Tôi yêu nơi này nhưng tôi tin rằng đi xa là cách duy nhất để tìm thấy con đường riêng và một ngày nào đó, trở về với điều gì đó ý nghĩa hơn.
Hạnh thì chọn làng chài, Hạnh yêu làng chài theo cách khác tôi. Hạnh biết dù chúng tôi đã lớn nhưng những đứa trẻ vẫn tiếp tục ra đời và người dân đánh cá chưa một ngày ngừng ra khơi. Hạnh ở đây để làm bình minh cho bọn trẻ hy vọng, làm vì sao bọn trẻ ước nguyện.
Hạnh không cần ngắm nhìn thế giới rộng lớn ngoài kia, vì thế giới của Hạnh chính là nơi đây. Hạnh là bến bờ vững chắc, để con thuyền đủ chí ra khơi. Tôi sẽ không thể vun đắp cho tương lai bọn trẻ nếu hiện tại không có Hạnh giữ cho chúng hạnh phúc.
Tôi biết ngay lúc này đây, nơi làng chài nhỏ bé, những đứa trẻ quây quần bên Hạnh, nghe kể về biển, về những cánh buồm và về một người bạn đang sống ở nơi xa nhưng trái tim vẫn mãi hướng về quê hương. Hạnh và tôi như hai cánh én, dù mỗi người một phương nhưng vẫn luôn kết nối qua tình bạn, qua những ước vọng. Chúng tôi không chọn được cuộc đời hoàn hảo, nhưng lại giúp nhau tìm thấy ý nghĩa của chính mình trong những lựa chọn ấy.
Minh Thọ