Nâng niu báu vật
14 năm kể từ ngày bắt đầu công việc sưu tầm các tờ báo xưa, đến nay gia tài của anh Hiệp đã có khoảng 1.000 tờ báo đặc biệt như thế. Trong đó, bộ sưu tập nhật báo Sài Gòn xưa đã lên đến hơn 100 đầu báo. Riêng Báo Sài Gòn Giải Phóng, anh còn lưu giữ nhiều ấn bản khác nhau, từ các bản nhật báo ấn hành vào tháng 10-1975 cho đến các số báo đặc biệt Xuân Canh Thân 1980, Xuân Đinh Mão 1987. Riêng số báo đặc biệt ngày 30-4-1976, anh vẫn giữ được vẹn nguyên cả tờ báo.
“Tôi may mắn vì nhà sưu tập cũ họ cũng giữ gìn rất cẩn thận như mình, nên vẫn còn đầy đủ”, anh Hiệp khoe. Anh cũng cho biết, bộ sưu tập này đã được Thông tấn xã Việt Nam số hóa lại và sẽ xuất bản thành cuốn sách kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Anh Huỳnh Minh Hiệp với tờ báo SGGP (số đặc biệt) ngày 30-4-1976
Cẩn thận lật giở từng tờ báo, anh Hiệp không giấu được niềm say sưa lẫn háo hức như mới ngày đầu bước vào con đường sưu tầm. Những tờ báo cũ đã nhòe chữ tưởng như không giá trị nhưng với anh lại là báu vật vô giá.
Nhớ lại cơ duyên trở thành người sưu tầm báo chí, đó là năm 2010 khi tham dự triển lãm Ngàn năm Thăng Long, gặp gỡ với các nhà sưu tầm báo chí tại Hà Nội, anh đã vô cùng thích thú, dù lúc này bản thân chỉ chuyên sưu tập ở lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc. Từ cơ duyên đó thôi thúc anh khi về TPHCM nhất định phải tìm lại những tờ báo từng có mặt trên mảnh đất này vào những thời khắc lịch sử.
Công tác tại Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam mang đến cho anh nhiều lợi thế trong suốt 19 năm có cơ hội đi khắp từ Nam chí Bắc, nhưng cũng có nhiều tờ báo dù cất công sưu liệu, có duyên gặp nhưng không sở hữu được. Anh mất nhiều lần đi tới đi lui thuyết phục chủ sở hữu tờ Gia Định Báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ ra mắt số đầu tiên vào ngày 15-4-1865 do ông Trương Vĩnh Ký sáng lập, ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Số báo anh Hiệp đang sở hữu cũng rất đặc biệt, xuất bản ngày 2-9-1890, được bảo quản nguyên vẹn.
Không giấu được tự hào, anh nói: “Ai sở hữu tờ báo này cũng không bao giờ muốn nhượng lại. Qua nhiều lần thuyết phục, vì thương tình tôi nên một nhà sưu tập ở Hà Nội mới chịu nhượng lại. Tôi thấy thật may mắn”.
Chữ duyên giúp anh sở hữu những tờ báo đặc biệt theo cách không thể ngờ. Như tờ Tiếng Dân, số 665 ra ngày 7-2-1934 được TS Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tặng. Đây là tờ báo cách mạng có giá trị lịch sử rất lớn do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm, kiêm chủ biên.
Năm 2023, ông Mai Sơn - người phóng tác bộ truyện dài bằng tranh Tề Thiên Đại Thánh (phụ bản của nhựt báo Buổi Sáng) trong một lần ghé quán cafe Lúa Sài Gòn tình cờ thấy một cuốn truyện được trưng bày đã liên hệ, đến tận nơi tặng các bản vẽ tay phác thảo cùng hai bản kẽm. Anh Hiệp giữ gìn như báu vật.
“Tiếng nói” của thời gian
Bộ sưu tập của anh Huỳnh Minh Hiệp sở hữu gần như đầy đủ những tờ báo đầu tiên ở vùng đất phương Nam. Từng tờ báo được anh nâng niu, bọc cẩn thận, phân loại theo từng hạng mục. Nhiều tờ báo đã có tuổi đời hơn trăm năm, chất liệu rất dễ rách nên phải hạn chế tiếp xúc bằng tay, thậm chí tránh cả ánh sáng.
Anh gần như thuộc làu những câu chuyện lịch sử gắn liền với từng tờ báo, lắng nghe “tiếng nói” của thời gian. Mỗi tờ báo là nhân chứng của thời đại mà chúng ra đời, ghi nhận và lưu giữ từng câu chuyện thời cuộc, mà trong đó có không ít những sự kiện làm thay đổi cả trật tự xã hội, lịch sử.
Tờ Việt Thanh số xuất bản ngày 23-7-1954 với những bài viết tường thuật về lễ ký kết Hiệp định Giơnevơ - sự kiện lịch sử diễn ra trước đó 2 ngày. Đó là Phụ nữ Tân văn - một trong những tờ báo dành cho nữ giới đầu tiên ở Sài Gòn, ra đời chỉ sau Nữ giới chung.
Lục Tỉnh Tân văn, một trong những tờ báo không Công giáo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ với tiêu đề được viết bằng cả chữ quốc ngữ lẫn chữ Hán. Tờ này anh Huỳnh Minh Hiệp giữ được ấn phẩm xuất bản năm 1938, trong đó có mục quảng cáo về ngân hàng đầu tiên của Việt Nam do ông Phó Hội trưởng Trần Trinh Trạch, thành lập 1927 với tên gọi Việt Nam Ngân hàng.
Với anh Hiệp, mỗi tờ báo giống như cầu nối với lịch sử, giữa ký ức của cả trăm năm. Cũng chính nhờ sự dày công sưu tầm mà sau nhiều năm đã có những cuộc hội ngộ vô cùng đặc biệt.
Như tờ Điện ảnh, số ra ngày 16-12-1962 có bức hình NSND Trà Giang khi đóng phim Chị Tư Hậu. Sau đúng 61 năm, anh tìm chủ nhân của nó để xin chữ ký. Hay một tờ quảng cáo sữa Foremost với tấm hình thời trẻ của NSND Kim Cương, 60 năm sau anh cũng được chủ nhân của nó ký tặng. Những cuộc hội ngộ bất ngờ nhưng ý nghĩa.
Vẫn miệt mài, rong ruổi theo dấu những tờ báo xưa, anh Hiệp còn đó trăn trở và cả sự đau đáu về một tờ báo mang tính lịch sử của gia đình. Đó là tờ Nhựt Tân Báo, do ông cố của anh (cụ Cao Triều Phát), từng làm Cố vấn Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ, lập ra.
“Tôi có nghe chú kể lại, tờ báo đó ông cố làm từ rất lâu, ra được vài năm thì bị đình bản. Bây giờ tìm lại khó lắm. Chỉ hy vọng sau này sẽ tìm ra”, anh tâm niệm. Nhưng điều anh ấp ủ còn có chuyện lớn hơn, đó là những tờ báo được kéo dài “sự sống” bằng việc mở rộng không gian trưng bày để tất cả mọi người, đặc biệt là người trẻ, chiêm ngưỡng và cùng nghe tiếng nói của lịch sử.
VĂN TUẤN