Ở tuổi 70, ông Điểu Đơi là người duy nhất tại thôn Bom Bo còn làm nghề chế tác nỏ. Với ông, nỏ không chỉ là công cụ săn bắn mà còn là biểu tượng của sức mạnh, của trí tuệ người S’tiêng. Từng chiếc nỏ được ông làm ra như một tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với những ký ức. Ông Điểu Đơi cho biết: “Được ông cha truyền lại nên mình biết làm nỏ khi còn nhỏ. Làm nỏ là niềm tự hào, là phần hồn của dân tộc S’tiêng chúng tôi. Nỏ rất cần thiết, từng giúp dân làng đi săn, bảo vệ buôn làng. Mỗi chiếc nỏ đều mang một câu chuyện về lòng dũng cảm, sự gắn bó của người con núi rừng”.
Để làm ra một cây nỏ không hề đơn giản, từ việc chọn nguyên liệu đến từng chi tiết nhỏ. Phải mất nhiều ngày mới hoàn thành một sản phẩm. Ông Điểu Đơi chia sẻ: “Ngày xưa nỏ là vật bất ly thân, luôn được đồng bào đeo bên mình khi vào rừng. Làm được chiếc nỏ dùng săn bắn thú rừng là một công đoạn dài. Để nỏ được chắc chắn, người làm phải chọn được thân cây lâu năm, sau đó bào cho thẳng mới chắc, lại có độ dẻo. Thân nỏ, cánh nỏ, dây, mũi tên… mọi thứ đều phải làm tỉ mỉ”.
Ông Điểu Đơi hằng ngày vẫn “giữ lửa” nghề chế tác nỏ
Ngày nay, do cuộc sống có nhiều thay đổi nên nỏ không còn được dùng phổ biến, người trẻ không mặn mà học nghề. Nỏ hiện chỉ được thấy qua các lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc và nơi trưng bày làm sản phẩm du lịch là chủ yếu. Với ông Điểu Đơi, điều ông lo lắng nhất là một ngày khi ông không còn nữa, nghề này có thể sẽ bị thất truyền. Ông Điểu Đơi tâm sự: “Nghề này không ai học rồi sẽ mất thôi. Mình chỉ mong có người kế thừa, để nghề làm nỏ của người S’tiêng không mất đi. Chỉ mong con cháu sẽ không quên văn hóa, giá trị truyền thống độc đáo của ông cha để lại”.
Anh Điểu Bình ở thôn 5, xã Bom Bo chia sẻ: “Hiện chỉ có già làng, người lớn tuổi mới biết làm nỏ, còn mình thì chủ yếu đi làm kiếm thu nhập để lo cuộc sống gia đình. Nỏ làm rất khó, kỳ công, giờ lại không còn ai sử dụng nên mình cũng ngại học và không biết làm nỏ ngày xưa”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bù Đăng cho biết: "Việc bảo tồn nghề làm nỏ là một trong những vấn đề chúng tôi quan tâm. Qua khảo sát số người biết làm nỏ xưa ở huyện Bù Đăng còn rất ít. Hiện chúng tôi tiếp tục liên kết các điểm du lịch nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm lưu niệm của đồng bào S’tiêng địa phương. Thứ nhất là để họ tiếp tục tăng thu nhập, thứ hai là mời họ dạy cho những người trẻ, làm sao lưu giữ lại nghề, nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Nỏ được trưng bày tại quầy bán hàng lưu niệm ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng
Mỗi cây nỏ là một phần của văn hóa, là tinh hoa của cộng đồng. Hiện ông Điểu Đơi vẫn cần mẫn làm từng chiếc nỏ, như lưu giữ một phần linh hồn của người S’tiêng. Trong dòng chảy không ngừng của cuộc sống, hy vọng những giá trị truyền thống như nghề làm nỏ xưa sẽ không bao giờ bị lãng quên, để thế hệ sau mãi tự hào về cội nguồn của dân tộc mình.
Trung Quang