Ông Trương Văn Chính và bà Đào Thị San cùng kèm cặp, uốn nắn cho các con cháu trong lớp học.
Năm nay đã 74 tuổi nhưng ông Trương Văn Chính vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông thoăn thoắt rảo bước, cùng bà Đào Thị San (vợ ông) chăm lo vườn tược, làm công việc nhẹ nhàng trong gia đình. Hằng ngày, hai ông bà luôn thuận hòa, vui vẻ bên nhau, những lúc rảnh, ông bà lại nghĩ cần làm việc gì đó giúp ích cho xã hội, giữ gìn bản sắc dân tộc...
Ông Chính tâm sự: Tôi khá thành thục tiếng nói, chữ viết của dân tộc Sán Dìu. Khi thấy chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc mình đang dần có nguy cơ mai một, tôi đã nghĩ phải gìn giữ và bảo tồn tiếng nói của dân tộc mình. Bởi thế tôi đã mở lớp dạy miễn phí tiếng nói, chữ viết dân tộc Sán Dìu cho lớp con, cháu. Tôi mong muốn thế hệ trẻ lưu giữ, bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình.
Khi ông Chính có ý định mở lớp dạy tiếng, chữ viết dân tộc Sán Dìu, vợ và các con luôn đồng tình ủng hộ cao. Mặc dù là dân tộc Kinh, nhưng bà San cùng chung sống với nhà chồng khá lâu; bà thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với 90 hộ dân, trên 340 nhân khẩu ở xóm Lát Đá, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), trong đó có 95% người dân là dân tộc Sán Dìu, cộng với tích cực tìm tòi, nên bà cũng nắm khá vững được tiếng nói, chữ viết của người Sán Dìu. Bà đã cùng chồng tập hợp, động viên các gia đình trong xóm đưa con đến “lớp học”. Và, lớp học được hình thành, với mấy bộ bàn ghế tự đóng.
Ông Trương Văn Chính trong giờ dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Sán Dìu.
Khi ông nhà bỗng nhiên trở thành “thầy giáo”, bà San đã động viên ông đến Sơn Dương (Tuyên Quang) gặp người quen để xin giáo trình. Thời gian đầu, ông đã không tránh khỏi những ngượng ngiụ, gập gợi. Hằng ngày, ông bà cùng nghiên cứu tài liệu, tìm ra những phương pháp thích hợp để con trẻ dễ hiểu, dễ nhớ. Lúc đầu, lớp học mới có vài cháu, sau đông dần đến trên 10 cháu và có thời điểm đông nhất 25 cháu theo học. Hội Khuyến học xã quan tâm, xin được bảng từ và 5 bộ bàn ghế dài, với 25 chỗ ngồi thoải mái cho các cháu ngồi học.
Lớp học được duy trì nền nếp vào chiều Chủ nhật hằng tuần, dịp hè được tăng cường thêm thời gian. Vào các giờ ông Chính “lên lớp”, bà San luôn song hành cùng ông kèm cặp, uốn nắn từng nét chữ, câu phát âm cho chuẩn. Sau thời gian tham gia học tập, các thành viên trong lớp đã nghe và nói được các từ thông dụng. Khi các cháu nghe và nói thành thạo, ông bà dự định sẽ cùng một số thành viên khác sẽ dạy các cháu tập điệu hát Soọng Cô và một số điệu múa, bài hát của người dân tộc Sán Dìu...
Ông Trương Văn Chính và bà Đào Thị San cùng nghiên cứu tài liệu, giáo trình để dạy cho các con, cháu tiếng nói, chữ viết của dân tộc Sán Dìu.
Bà Nghiêm Thị Lương, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Sơn nhận xét: Không chỉ truyền dạy kiến thức thông qua tiếng nói, chữ viết của dân tộc Sán Dìu, ông Chính, bà San đã truyền dạy để con cháu hiểu hơn về cội nguồn, công nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ và những phẩm chất đạo đức, sự lễ phép với người lớn tuổi, người thân và hàng xóm. Việc tổ chức lớp học đã góp phần giáo dục đạo đức, lòng hiếu thuận đối với thế hệ trẻ; đồng thời, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc và làm phong phú nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ông Chính quan niệm: Chữ Hán Nôm được coi như một di sản văn hóa quý báu của dân tộc Sán Dìu. Do đó, vợ chồng tôi quyết tâm truyền dạy tiếng nói và chữ viết cho lớp con, cháu. Đây cũng là tâm huyết của vợ chồng tôi, góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để thế hệ con cháu hiểu hơn về mạch nguồn văn hóa trong cộng đồng người dân tộc Sán Dìu...
Thảo Nguyên