Người Hà Nội đốt vàng mã cúng Táo quân khắp vỉa hè phố cổ

Người Hà Nội đốt vàng mã cúng Táo quân khắp vỉa hè phố cổ
3 giờ trướcBài gốc
Trưa 22/1, sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, rất nhiều gia đình ở phố cổ Hà Nội mang vàng mã ra trước cửa nhà để hóa.
Dọc các con phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bông... dày đặc các lò đốt vàng mã, khói bay nghi ngút khắp khu phố.
Xung quanh các con phố, ngõ ngách tại Hà Nội, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân đốt vàng mã, lò đốt được đặt ngay dưới lòng đường, sát xe cộ.
Hình ảnh trước một cửa hàng kinh doanh nằm trên phố Mã Mây. Theo chia sẻ của chủ hộ, do xe máy để tràn vỉa hè, anh phải mang lò xuống lề đường để hóa vàng. "Sống ở phố cổ nên nhà chật, tôi phải đốt vàng mã phía ngoài cửa. Tôi sẽ quan sát và cẩn thận để không gây ra cháy nổ và ảnh hưởng tới người đi đường", người này nói.
"Đây là phong tục từ xa xưa, việc đốt vàng mã này cũng chỉ hy vọng năm cũ sắp qua năm mới cận kề gia đình làm ăn thuận lợi, may mắn", người dân sinh sống trên phố Phủ Doãn chia sẻ.
Nhiều người hóa vàng ngay trước mặt tiền cửa hàng của gia đình.
Anh Long (ở phố Hàng Giấy) ngồi trước cửa nhà để đốt vàng mã sau khi hoàn tất việc cúng bái. "Thay vì dùng thau, chậu nông dễ bén lửa, tôi mua một chiếc lồng máy giặt hỏng với giá rẻ để làm thùng hóa vàng", anh chia sẻ.
Du khách nước ngoài bất ngờ khi chứng kiến nhiều gia đình phố cổ đốt vàng mã tiễn ông Công ông Táo về trời.
"Tôi thấy khá thú vị khi ở đây gia đình nào cũng đốt tiền giấy. Tôi đoán đây là một ngày quan trọng trong văn hóa của người Việt", anh Johan (du khách đến từ Canada) bày tỏ.
Nhiều người dân rải vàng mã ra giữa lòng đường để đốt khi xe cộ đi lại nườm nượp.
Trước đó, Công an Hà Nội đưa ra quy tắc an toàn phòng cháy, chữa cháy khi người dân thắp hương, đốt vàng mã trong dịp 23 tháng Chạp và những ngày Tết Nguyên đán.
Theo đó, người dân không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn; không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy..., luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan. Đốt vàng mã trong các dụng cụ làm bằng vật liệu không cháy như thùng kim loại (sắt, inox), lư đồng, bê tông, nhà xây bằng gạch... có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh.
Cơ quan chức năng cũng hướng dẫn người dân khi đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi không còn tàn lửa, bố trí bình chữa cháy hoặc xô chứa nước, đốt xong để nguội hẳn mới đổ tro.
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nguoi-ha-noi-dot-vang-ma-cung-tao-quan-khap-via-he-pho-co-ar922037.html