Người Hà Nội hối hả đi chợ sớm, chợ 'vừa bán đã hết hàng' trước giờ bão Wipha đổ bộ

Người Hà Nội hối hả đi chợ sớm, chợ 'vừa bán đã hết hàng' trước giờ bão Wipha đổ bộ
5 giờ trướcBài gốc
9h sáng, nhiều tiểu thương đã "sạch hàng"
Theo ghi nhận của PV Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam tại một số chợ như: chợ Vĩnh Tuy, chợ 8/3 (phường Vĩnh Tuy, TP. Hà Nội), chợ Ngô Sĩ Liên (phường Văn Miếu, TP. Hà Nội), chợ Ngọc Hà (phường Ngọc Hà, TP. Hà Nội)… sáng 22/7, nhiều tiểu thương nghỉ bán hàng để tránh bão, tuy nhiên, hàng hóa tại chợ vẫn đầy đủ.
Từ 8h, tại các sạp thịt lợn, nhiều người xếp hàng chờ mua. Giá thịt lợn, thịt bò và các loại gia cầm hầu như vẫn giữ mức ổn định, không tăng giá. Đến 8h30, nhiều sạp thịt lợn đã hết, chỉ còn lại thịt mỡ.
Tại các sạp thịt lợn, nhiều người xếp hàng chờ mua
“Hai hôm nay, lượng khách mua hàng đông hơn ngày thường do lo sợ mưa bão đang đến gần. Mỗi người cũng đều mua số lượng nhiều hơn vì sợ bão đến không đi chợ được nên tôi bán cũng nhanh hơn mọi ngày, hết hàng sớm hơn. Còn giá thịt thì vẫn ổn định như mọi ngày”, chị Hương, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ 8/3 cho hay.
Đến 8h30, nhiều sạp thịt lợn đã hết, chỉ còn lại thịt mỡ
Đối với mặt hàng rau xanh, do ảnh hưởng của thời tiết nên lượng rau đổ về các chợ không nhiều và mấy hôm nay giá rau xanh, củ quả đã tăng nhẹ. Theo đó, cà chua 20.000 đồng/kg; khoai tây 17.000 đồng/kg; cải bắp 15.000 đồng/kg; rau ngót 12.000 – 15.000 đồng/mớ; mùng tơi 10.000 đồng/mớ; dưa chuột 20.000 đồng/kg; bí xanh, bí đỏ 18.000 – 20.000 đồng/kg…
Do ảnh hưởng của thời tiết, rau xanh tăng giá nhẹ
“Do mấy hôm nay mưa bão, nguồn cung ít hơn, nên giá rau tôi nhập vào tăng nhẹ nên bán ra cũng phải tăng. Mỗi loại rau đều tăng từ 2.000 – 4.000 đồng/kg”, chị Huyền, tiểu thương bán rau củ quả ở chợ Vĩnh Tuy cho biết.
Đến 9h, nhiều quầy đã dọn hàng và nghỉ bán
Các quầy thịt gà, giò chả, cá… cũng đắt hàng, đến 9h nhiều quầy đã dọn hàng và nghỉ bán.
“Sợ mưa nên tôi nhập hàng ít hơn so với ngày thường, định tranh thủ bán 1 lúc buổi sáng rồi về tránh bão. Nay chỉ có tôm nhập vào giá tăng nên bán ra cũng phải tăng giá còn các loại cá như cá trắm, chép, cá quả… vẫn giữ giá như mọi ngày. Mọi người cũng sợ mưa nên nay từ sáng đã đông khách, tôi bán 1 lúc đã hết hàng. Ngày mai nếu mưa to, tôi sẽ nghỉ bán”, tiểu thương bán cá ở chợ ngõ 622 Minh Khai cho biết.
Chưa đến 9h, đã hết sạch cá, tôm
Rút kinh nghiệm chiều hôm qua 21/7 đi làm về mới đi chợ nên không mua được thịt lợn, chị Vũ Thu Thảo (ở phường Văn Miếu) cho biết, sáng nay chị tranh thủ đi chợ từ sớm để mua thực phẩm và đồ dùng thiết yếu sẵn sàng chống bão Wipha.
Sáng 22/7, nhiều tiểu thương nghỉ bán, tránh bão
“Rau muống hôm nay tôi mua 12.000 đồng/mớ, trong khi ngày thường chỉ 10.000 đồng. Chắc do ảnh hưởng của mưa bão, giá rau xanh tăng hơn, số lượng người đi bán cũng không nhiều nên sớm ra chợ vẫn rất đắt hàng. Nãy tôi mua thịt mà phải chờ mãi mới tới lượt, nhưng cũng bị hết thịt ba chỉ và sườn, không mua được”, chị Thảo nói.
Anh Huy Phương (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, tại chợ truyền thống khu vực Mỹ Đình, hàng hóa, thực phẩm vẫn đầy đủ, đa dạng. Giá cả không biến động nhiều.
Hàng hóa tại các siêu thị được bổ sung liên tục, không lo thiếu hàng
Không chỉ các chợ dân sinh, nhiều siêu cũng rơi vào tình trạng "quá tải nhẹ" khi người đi mua thực phẩm trước bão. Từ chiều qua 21/7, người dân tới mua sắm đông hơn, khu vực rau xanh và thực phẩm tươi sống của nhiều siêu thị gần như không còn gì sau 20h.
Quầy rau xanh chỉ còn lác đác 1 vài mớ rau héo vào chiều tối 21/7
Chị Trần Thu Thủy (phường Vĩnh Tuy) cho biết, tối qua tại siêu thị Winmart Minh Khai, người dân tới mua hàng rất đông. Trên kệ rau chỉ còn lại rất ít, chủ yếu là rau héo, thịt lợn hết sạch, người dân xếp hàng chờ thanh toán.
Kệ thịt trống trơn tại siêu thị Winmart chiều tối 21/7
Song đến sáng nay 22/7, tại nhiều siêu thị trên địa bàn, hàng hóa đầy đủ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực phẩm, rau xanh cho người dân.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, chiều tối qua, lượng khách tới mua hàng cũng tăng lên. Tuy nhiên, sáng nay thì siêu thị rất vắng khách trong khi đó hàng hóa đầy ắp.
“Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, các siêu thị Co.opmart khu vực miền Bắc đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó để vừa đảm bảo an toàn hệ thống, vừa duy trì tốt nguồn cung hàng hóa cho người dân. Theo đó, sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng lương thực thiết yếu với giá cả ổn định, nhất là các điểm bán ở miền Bắc, giúp người dân an tâm chống bão, không lo khan hàng sốt giá. Đặc biệt, người dân không đi chợ, hay siêu thị được chỉ cần gọi điện hoặc đi chợ online, siêu thị sẽ giao hàng tới tận nhà”, bà Dung cho biết.
Hàng hóa đầy đủ tại siêu thị Winmart Vinhomes Gardenia sáng 22/7
Nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai bất thường, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố trong năm 2025.
Theo đó, Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu trong 7 ngày. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương, thành phố sẽ triển khai hỗ trợ khẩn cấp.
Dự kiến, các loại hàng hóa được chuẩn bị bao gồm: lương thực (gạo, mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô), nước sạch đóng chai, thực phẩm chế biến, sữa hộp, nến thắp sáng và các vật dụng thiết yếu khác. Tổng khối lượng hàng hóa đủ phục vụ cho khoảng 250.000 người trong 7 ngày, với tổng kinh phí tạm tính là 122,7 tỷ đồng.
Nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đủ hàng và cam kết bình ổn giá
Ngoài các mặt hàng phục vụ cứu trợ khẩn cấp, phương án cũng hướng tới việc dự trữ các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: áo mưa, ủng cao su, đèn pin, pin, bạt che mưa, chất đốt, vật liệu xây dựng, thuốc y tế… nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân vùng bị ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Cục TTTN) cũng vừa có văn bản khẩn số 1819/TTTN-VP gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 WIPHA. Theo đó, các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định thị trường và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong mọi tình huống.
Xử lý hành vi lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá
Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục TTTN yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên bám sát diễn biến và tình hình thị trường tại cơ sở. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trước, trong và sau mùa mưa bão. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra thiên tai, các địa phương cần chủ động xử lý các hành vi lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, hoặc tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng.
Song song với đó, công tác cung ứng hàng hóa cũng cần được chú trọng. Các Sở Công Thương được đề nghị khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Kế hoạch này phải xác định rõ danh mục, số lượng, phương thức bảo quản, vận chuyển và phân phối các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, nước sạch, vật liệu xây dựng và xăng dầu, nhằm bảo đảm khả năng cung ứng kịp thời trong trường hợp thiên tai gây chia cắt địa bàn. Không những thế, việc phối hợp với các doanh nghiệp đăng ký dự trữ hàng hóa cùng với chính quyền cấp xã, phường để vận hành mạng lưới phân phối cũng cần được tăng cường. Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình cung cầu, giá cả và hệ thống phân phối, qua đó đảm bảo thông tin điều hành thị trường được thông suốt và chính xác.
Tú Quỳnh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/thi-truong/tieu-dung/nguoi-ha-noi-hoi-ha-di-cho-som-cho-vua-ban-da-het-hang-truoc-gio-bao-wipha-do-bo-post1216656.vov