Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ, tính đến hết năm 2021 cả nước có 436.617 người hoạt động không chuyên trách tại xã, thôn, tổ dân phố. Thời gian qua, số lượng tăng thêm 7.418 người. Như vậy ước tính cả nước có hơn 444.000 người hoạt động không chuyên trách.
Theo quy định tại nghị định 29/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố bị dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ được hưởng trợ cấp nếu nghỉ việc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, với những người giữ chức danh do bầu cử, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hằng tháng hiện hưởng.
Riêng người có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Tương tự, với những người giữ chức danh không do bầu cử, mỗi tháng nghỉ trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp cũng được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hằng tháng hiện hưởng.
Với trường hợp nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp, số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước thời điểm nghỉ hưu.
Công chức TP.Thủ Đức (TP.HCM) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Theo tin tức trên Lao động, Bộ Nội vụ đang tham mưu để có thêm chính sách với đối tượng cán bộ không chuyên trách thôi việc, đề nghị UBND cấp tỉnh đề xuất chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 20/4/2025 để Bộ Nội vụ tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Như vậy, việc đề xuất chính sách hỗ trợ thuộc trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh.
Những người hoạt động không chuyên trách nhưng họ bám cơ sở, bám dân, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền. Có rất nhiều người làm việc tốt, được người dân tín nhiệm.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy buộc người hoạt động không chuyên trách phải thôi việc, đó là điều không tránh khỏi. Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ nêu rõ, chính sách sắp xếp tổ chức bộ máy phải có tính “cách mạng”, phải nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Việt Hương (t/h)