Người hùng không súng trong Nội chiến Mỹ

Người hùng không súng trong Nội chiến Mỹ
2 ngày trướcBài gốc
Tranh vẽ tái hiện quân đội của Liên bang miền Bắc trong Nội chiến Mỹ. Ảnh minh họa: W.K.
Nội chiến Mỹ là một trong những cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt nhất trong lịch sử đất nước này. Ít nhất có 620.000 người thiệt mạng, “xấp xỉ 2,5% dân số nước Mỹ vào thời điểm đó”. Tổng số thương vong nhiều hơn tất cả cuộc chiến khác của quốc gia này cộng lại.
Mùa đông năm 1862, lực lượng dưới trướng Robert E.Lee, Đại tướng thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam, đang chiếm ưu thế trên một số mặt trận then chốt. Trong đó có thắng lợi trận Fredericksburg, một cuộc xung đột nặng nề, đẫm máu diễn ra tại bang Virginia.
Đây là một trong những đợt tấn công mang tính quyết định, nhưng nó gây thiệt hại nặng nề nhất đối với Liên bang miền Bắc. Khi Tổng thống Abraham Lincoln hay tin về số thương vong sau trận Fredericksburg, cứ mười binh sĩ thì có một người tử trận, ông đã bật khóc: “Nếu có nơi nào đó tồi tệ hơn địa ngục thì tôi xin ở đó”.
Thật ra ban đầu, Chiến dịch Fredericksburg của Liên bang miền Bắc hứa hẹn nhiều triển vọng nhưng nó nhanh chóng tiêu tan vì các vấn đề trì hoãn và sai lầm do quan liêu.
Ngày 13 tháng 12 năm 1862, lực lượng Liên bang miền Bắc bất ngờ tấn công Liên minh ở Marye, một ngọn đồi lớn và dốc, nhìn xuống là có thể thấy mị trấn Fredericksburg. Quân miền Nam cố thủ sau bức tường thành chạy dọc theo quả đồi, nấp trong những chiến hào khuất tầm mắt của quân miền Bắc.
Khi quân Liên bang bắt đầu tiến đánh, họ bị phe Liên minh núp sau chiến lũy phục kích dữ dội. Sáng ngày 14 tháng 12 cùng năm, 12.000 binh sĩ miền Bắc rơi vào tay kẻ địch. Một số ít thì mắc kẹt trong tầm bắn 50 thước của quân thù.
Những người nằm lại trên chiến trường vẫn sống sót, nhưng họ phải chịu đau đớn vì thương tích và đói khát. Suốt cả đêm dài, cả hai phe buộc phải nghe tiếng khóc ai oán, rên rỉ của những người còn sống, từ giờ này sang giờ khác. Các nhân chứng mô tả rằng tiếng khóc ấy rất “quái dị, kinh khủng, không tài nào chịu được”.
Giây phút lắng nghe tiếng khóc của những người đàn ông “đang nằm lay lắt trên một sườn đồi cách xa nhà vạn dặm đã làm rung động trái tim binh sĩ của cả hai bên”.
Richard Rowland Kirkland, một trung sĩ bộ binh 19 tuổi thuộc Liên minh miền Nam vì không chịu nổi tiếng khóc than của các binh sĩ thêm nữa, nên sáng ngày 14 tháng 12, anh đã hỏi chỉ huy xem có thể hạ thấp chiến lũy và tiếp tế nước cho những người lính bị thương kia không. Vị trung sĩ trẻ tha thiết trình bày với cấp trên của mình: “Cả ngày lẫn đêm tôi đều nghe thấy họ khóc lóc cầu xin nước uống. Nước! Nước! Tôi không thể chịu thêm nữa. Tôi đến để xin ngài cho phép tôi mang nước cho họ.”
Ban đầu, vị chỉ huy từ chối đề nghị của Kirkland vì việc này quá nguy hiểm. Trước sự kinh ngạc của quân sĩ hai bên, Kirkland đeo vài bi đông quanh cổ và trèo qua bức tường để mang nước đến cho những người đang chịu khát. Nghĩ rằng Kirkland có mưu đồ xấu, phe Liên bang ngay lập tức nổ súng nhưng sau khi nhìn thấy hành động của anh, loạt đạn đã nhanh chóng chấm dứt.
Trung sĩ Kirkland tiến đến chỗ từng người lính, cố gắng xoa dịu nỗi đau của họ bằng tất cả những gì mình có. Anh đặt chiếc áo khoác cạnh người này, để nước bên đôi môi khát khô của người khác.
Trong khoảng hơn một tiếng, anh đã trèo qua trèo lại quanh bức tường nhiều lần, mang theo những chiếc bi đông đầy nước hơn cho kẻ thù của mình. Tiếng khóc vui mừng của họ: “Nước, nước, lạy Chúa nước đây rồi” vang vọng khắp chiến trường. Hành động tràn đầy yêu thương và nhân ái đó đã tạm dừng cuộc chiến liên miên dù chỉ trong phút chốc.
Trung sĩ Kirkland chính là vị anh hùng vị tha, dám đánh cược mạng sống của mình để cứu kẻ địch. Dù mới một ngày trước đó, anh đã quyết sống chết với họ. Dĩ nhiên, đấy chỉ là một ví dụ cho lòng vị tha.
Trong thời đại ngày nay, liều mạng vì một thành viên trong nhóm đã khó chứ chưa nói đến là kẻ thù. Nhưng bạn luôn có nhiều cơ hội để ưu tiên nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của bản thân, giống như Richard Kirkland. Khi khám phá tinh thần chủ đạo của một đội ngũ thành công, bạn sẽ tìm thấy những trái tim vị tha, biết quan tâm đến mọi người.
Michel G.Rogers/ Bách Việt Books & NXB Dân trí
Nguồn Znews : https://znews.vn/nguoi-hung-khong-sung-trong-noi-chien-my-post1570851.html