Chi trả đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng
Theo Khoản 2, Điều 6 của Nghị định 176/2025/NĐ-CP, các chính sách trợ cấp hưu trí xã hội phải được chi trả đầy đủ, đúng thời hạn và đúng đối tượng. Việc lựa chọn tổ chức dịch vụ chi trả phải tuân theo quy định của pháp luật, ưu tiên các đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực an sinh xã hội và có mạng lưới giao dịch đến cấp xã, phường, đặc khu.
Đặc biệt, các tổ chức này cần có khả năng thực hiện chi trả tại nhà cho những đối tượng đặc thù như người cao tuổi sống cô đơn, người không có khả năng di chuyển, nhằm đảm bảo công bằng và tiếp cận dịch vụ cho mọi đối tượng thụ hưởng.
Ảnh minh họa: L.T/ Báo Thanh Niên
Thời gian và quy trình chi trả rõ ràng
Nghị định nêu rõ: trước ngày 25 hằng tháng, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã có trách nhiệm rút dự toán từ Kho bạc Nhà nước và chuyển khoản cho tổ chức dịch vụ chi trả, đồng thời chuyển danh sách đối tượng hưởng trợ cấp trong tháng tới. Trong suốt quá trình chi trả, UBND cấp xã cũng phải cử cán bộ giám sát trực tiếp việc thực hiện của tổ chức dịch vụ để đảm bảo đúng quy trình và không xảy ra sai sót.
Hợp đồng giữa UBND cấp xã và tổ chức dịch vụ chi trả phải ghi rõ phương thức chi trả (qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc chi trả tiền mặt), đối tượng, thời gian chi trả, chi phí thực hiện và các trách nhiệm cụ thể của mỗi bên.
Đến trước ngày 20 hằng tháng, tổ chức dịch vụ chi trả phải tổng hợp và báo cáo đầy đủ về:
Danh sách người đã nhận trợ cấp và số tiền chi trả
Danh sách chưa nhận tiền và số tiền còn tồn
Chứng từ ký nhận hoặc chuyển khoản
Các thông tin này sẽ được chuyển cho UBND cấp xã để tổng hợp và quyết toán kinh phí theo quy định.
Hơn 2 triệu người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 15/4/2025, cả nước có khoảng 2,06 triệu người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Ngoài ra, có 1,2 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công, và 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (trong đó có 464.000 người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng).
Một số địa phương đã chủ động nâng mức hỗ trợ và mở rộng chính sách. Cụ thể, 5 tỉnh, thành phố đã tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ, trong khi 32 tỉnh, thành đã bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng, như người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sống một mình, vào diện nhận hỗ trợ thường xuyên.
PV (T/h)