Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao
7 giờ trướcBài gốc
Ông L. bị suy tim, có nhiều năm hút thuốc lá. Sau khi đặt máy tạo nhịp, bác sĩ khuyến cáo ông L. phải bỏ thuốc lá để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Ảnh: Bích Nhàn
Nhiều bệnh nhân suy tim nhập viện cấp cứu liên quan đến thuốc lá
Riêng tại Khoa Nội tim mạch - lão học, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang chữa trị cho khoảng 90-100 bệnh nhân, vượt quá chỉ tiêu giường bệnh của khoa (80 giường). Đa phần bệnh nhân nằm viện chữa trị các bệnh về suy tim, nhồi máu cơ tim. Riêng bệnh nhân mắc bệnh mạch vành chiếm tỷ lệ 20% và ngày càng tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là bệnh nhân có có tiền sử hút thuốc lá lâu năm.
Bác sĩ Nguyễn Võ Chiến, Phó trưởng khoa Nội tim mạch - lão học, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, khi mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, bệnh nhân vẫn không thể từ bỏ thói quen hút thuốc sẽ dễ vào đợt cấp của bệnh hơn.
“Thực thế, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều ca bệnh bị suy tim nhưng không thể “cai thuốc” lá, hoặc thuốc lào. Do đó, tổn thương tim của bệnh nhân cũng phức tạp hơn, điều trị khó khăn hơn và đáp ứng điều trị thấp hơn so với những người không hút thuốc, đồng nghĩa với tăng số ngày điều trị lẫn chi phí chữa trị” - bác sĩ Chiến chia sẻ.
2 tuần trước, ông Phạm Văn Nguyệt, ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ đã phải nhập viện cấp cứu do các cơn đau thắt ngực với cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép ở vùng tim và huyết áp tăng cao (lên đến 180mm/Hg). Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán, ông bị mắc bệnh mạch vành kèm suy tim độ 4. Ông Nguyệt kể, ông đã có “thâm niên” hút thuốc lá khoảng 40 năm, từ khi ông mới 16 tuổi.
“Có thời điểm, tôi hút cả gói thuốc lá mỗi ngày. Vài năm nay, tôi đã lớn tuổi, sức khỏe kém hơn nên tôi hút ít hơn trước rất nhiều, chỉ còn khoảng 1/3 gói thuốc/ngày. Gia đình nhiều lần hết lòng khuyên bảo tôi bỏ thuốc lá nhưng tôi chưa dứt hẳn được. Nhưng sau đợt bệnh này, tôi sẽ cố gắng bỏ thuốc vì cảm giác bị bệnh rất đáng sợ” - ông Nguyệt tâm sự.
Cũng có thời gian hút thuốc lá kéo dài hơn 40 năm, mới đây, ông T.K.L., ngụ thành phố Biên Hòa đã phải nhập viện cấp cứu do đau ngực, khó thở, suy tim nặng.
Ông L. phát hiện bị suy tim từ hơn 10 năm nay và đã “cố gắng” bỏ thuốc nhiều lần nhưng vẫn bất thành. Ông L. từng phải nhập viện cấp cứu hai lần do suy tim cấp. Lần nhập viện này, sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị suy tim có phân suất tống máu giảm (chỉ có 20%), điện tâm đồ có hiện tượng hoạt động điện của tim không đồng bộ.
Bệnh nhân đã được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim 3 buồng, giúp hỗ trợ tim co bóp và hoạt động đồng bộ trở lại. Ngoài ra, các bác sĩ đã khuyến cáo, khi đã đặt máy tạo nhịp, ông L. cần phải ngưng hút thuốc để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nam giới hút thuốc lá tỷ lệ bị bệnh mạch vành cao
Tình trạng bệnh nhân bị bệnh về tim mạch nhưng vẫn hút thuốc lá không hề hiếm.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàng, Khoa Nội tim mạch - lão học, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, trong gần 3 năm đơn vị Can thiệp tim mạch của bệnh viện đi vào hoạt động đã điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân bị bệnh mạch vành cấp. Trong đó, có khoảng 60% là bệnh nhân nam. Qua quá trình khám, chữa bệnh, các bác sĩ đã khai thác bệnh sử của các bệnh nhân vào viện cho thấy, hầu hết bệnh nhân nam bị nhồi máu cơ tim, được can thiệp mạch vành đều từng hút thuốc hoặc đang hút thuốc lá.
“Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân trẻ sau khi được can thiệp mạch vành (đặt stent), sức khỏe ổn định nên chủ quan và tiếp tục hút thuốc lá. Theo thời gian, việc hút thuốc lá ở những người đã từng đặt stent sẽ tăng tỷ lệ tái hẹp trong stent cũng như tăng tỷ lệ tái phát nhồi máu cơ tim” - bác sĩ Hoàng cho hay.
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm, nam giới không hút thuốc lá chưa chắc đã bị bệnh mạch vành, ngược lại, những bệnh nhân bị mạch vành chữa trị tại bệnh viện thì chắc chắn có hút thuốc lá. Căn nguyên là chất nicotine trong khói thuốc đã gây phá hủy mạch máu, tạo điều kiện hình thành mảng xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, người có thói quen hút thuốc lá cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Khi phối hợp nhiều yếu tố nguy cơ, hút thuốc lá gây ra những ảnh hưởng rất lớn đối với hệ tim mạch.
Còn theo bác sĩ Chiến, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Ở những bệnh nhân có rối loạn nhịp nhanh hoặc chậm thì việc hút thuốc sẽ làm cho bệnh diễn biến dai dẳng hơn và khó đáp ứng với điều trị hơn, đồng thời, làm tăng các bệnh lý tại tim và các mạch máu khác.
Nguyên nhân của bệnh lý này là do tình trạng xơ vữa động mạch do lớp nội mạch bị phá hủy vì các chất độc trong thuốc lá làm cao huyết áp và nồng độ mỡ trong máu cao. Khi hút thuốc kết hợp với tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và tăng nồng độ mỡ máu thì sẽ gây những tác động cực kỳ xấu đến sức khỏe, cao hơn nhiều lần so với khi xảy ra những tình trạng này một cách riêng lẻ.
Bích Nhàn
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202412/nguoi-hut-thuoc-la-co-nguy-co-mac-benh-mach-vanh-cao-fdb3c68/