Người khá giả nhưng vẫn tìm cách mua nhà ở xã hội; Doanh nghiệp khó đủ đường khi làm nhà giá rẻ

Người khá giả nhưng vẫn tìm cách mua nhà ở xã hội; Doanh nghiệp khó đủ đường khi làm nhà giá rẻ
6 giờ trướcBài gốc
Sau đây là phần tổng hợp các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần.
4 tháng đầu năm 2025, TP.HCM thu hơn 95.000 tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản
Chi cục Thống kê TP.HCM vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2025, ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các hoạt động thương mại, dịch vụ và đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn Thành phố ước đạt 95.176 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 4 tháng, kinh doanh bất động sản trên địa bàn Thành phố ước đạt 95.176 tỷ đồng, chiếm khoảng 21,4%Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kinh doanh bất động sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng khi chiếm khoảng 21,4%. Đây cũng là ngành có đóng góp lớn nhất trong nhóm “dịch vụ khác”, chiếm 57,5% doanh thu nhóm này.
Cùng với bất động sản, thương mại và dịch vụ tiêu dùng nói chung cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Chi cục thống kê TP.HCM đánh giá sức mua trên địa bàn dự kiến sôi động, tăng cao trong tháng 4 khi các chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước được triển khai với quy mô lớn, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và du khách.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 205.378 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Phần lớn các nhóm mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ.
Cũng trong mốc thời gian trên, doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 58.077 tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ. Trong đó, lưu trú tăng 34,2% và dịch vụ ăn uống tăng 43,6%. Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng tới 38,2% so với cùng kỳ, ước đạt 15.770 tỷ đồng.
TP.HCM gỡ vướng, cấp sổ hồng cho hơn 63.800 căn hộ
Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 8/5, trả lời câu hỏi của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn về tiến độ tháo gỡ vướng mắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) của hơn 81.000 căn hộ, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cho biết đã tháo gỡ, cấp sổ hồng cho hơn 63.800 căn hộ, đạt tỷ lệ 78,7%.
TP.HCM đã tiến hành gỡ vướng, cấp sổ cho hơn 63.800 căn hộ, đạt tỷ lệ 78,7%. Ảnh: Lê Toàn
Hơn 17.200 căn còn lại còn vướng mắc tập trung vào các dự án đang bị thanh tra, điều tra và một số dự án đang xác định lại nghĩa vụ tài chính bổ sung do có điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch.
Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cho biết thêm, trong quá trình tháo gỡ vướng mắc, Thành phố đã xác định 6 nhóm vướng mắc chính, đồng thời thực hiện phân nhóm và phân loại gồm: Nhóm chờ thuế; Nhóm dự án chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận; Nhóm Bất động sản mới; Nhóm dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; Nhóm dự án có vướng mắc khác; Nhóm dự án đang thanh tra, điều tra.
Đối với nhóm chờ thuế có 8.159 hồ sơ, Thành phố đã hoàn tất việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ các hồ sơ.
Đối với nhóm dự án chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận có 30.061 hồ sơ, theo quy định của pháp luật, sau khi hoàn tất việc đầu tư, xây dựng và nghiệm thu công trình tại các dự án phát triển nhà ở, Chủ đầu tư hoặc người mua nhà nộp hồ sơ để giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận tại Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố.
Do đó, đối với nhóm này, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố khẩn trương tiếp nhận và giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với các hồ sơ do người mua nhà tại dự án nộp.
Đối với nhóm bất động sản mới có 8.918 căn hộ, trên cơ sở nội dung quy định của Luật Đất đai năm 2024 đã quy định cấp giấy chứng nhận cho người mua các căn Officetel, Shophouse tại các dự án phát triển nhà ở thương mại đã được tháo gỡ, tỷ lệ 100%.
Đối với nhóm nghĩa vụ tài chính bổ sung có 19.958 căn hộ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tháo gỡ 6.977 căn, đạt tỷ lệ 41%. Sở sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ cần thiết đối với 23/39 dự án còn lại.
Đối với nhóm vướng mắc khác có 3.125 căn, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tháo gỡ 3.113 căn, đạt tỷ lệ 99,6%. Sở sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ cần thiết đối với số lượng còn lại.
Riêng với nhóm thanh tra, điều tra có 8.235 căn hộ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tháo gỡ 3.952 căn, đạt tỷ lệ 55%.
Hà Nội: Khu tập thể Vĩnh Hồ có thể được xây các tòa nhà cao 40 tầng
Quận Đống Đa (TP Hà Nội) vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến về đồ án Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ và phụ cận tỷ lệ 1/500 trên địa bàn phường Thịnh Quang, Trung Liệt.
Tập thể Vĩnh Hồ gồm 36 tòa nhà nằm trên 2 phường Thịnh Quang (27 tòa) và Trung Liệt (9 tòa) với tổng số 1.938 căn hộ, dân số hơn 14.000. Phạm vi nghiên cứu đồ án trên 22ha, bao gồm cả 1.300 căn hộ liền kề. Các tòa nhà chủ yếu được xây dựng từ 40-50 năm trước.
Quận Đống Đa đã phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, lập quy hoạch với định hướng xây dựng lại 36 tòa nhà thành các tòa nhà cao 40 tầng để tái định cư tại chỗ cho người dân và dành một phần diện tích để nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ thương mại, không có chức năng ở.
Việc đền bù hỗ trợ cho cư dân được thực hiện theo quy định hiện hành, tầng 1 hệ số đền bù K là 2, từ tầng 2 trở lên hệ số K là 1,5. Diện tích trung bình các căn hộ sau khi cải tạo là 70m2.
Cùng với xây dựng lại các tòa nhà, đồ án cũng đặt ra nhiệm vụ cải tạo mở rộng các tuyến đường, tăng khả năng kết nối giao thông nội khu và các khu vực. Khu vực cải tạo cũng có tuyến đường sắt đô thị số 2A đang vận hành, 2 nhà ga (ga Láng và ga Yên Lãng). Các tòa nhà cao tầng có tầng hầm đỗ xe cho cư dân tòa nhà cũng như các công trình lân cận.
Quận Đống Đa có số lượng chung cư cũ lớn nhất thành phố với 12 khu, 517 nhà, chiếm 18,6% diện tích đất tự nhiên, là nơi sinh sống của 57.700 dân (chiếm 15,6% dân số toàn quận). Dự kiến trong năm 2025, quận lấy ý kiến vào các đồ án quy hoạch với 7 khu gồm Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam, 30-32 Hào Nam, Vĩnh Hồ và khu Nam Đồng.
Nhiều người đứng tên sổ đỏ nhưng vẫn bất chấp nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, đại diện CTCP BIC Việt Nam - đơn vị sắp mở bán dự án nhà ở xã hội Rice City Long Châu (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, hiện doanh nghiệp đang tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% số hồ sơ gửi đến đáp ứng đủ điều kiện để hưởng chính sách.
Các dịch vụ làm hồ sơ nhà ở xã hội đang mọc lên như "nấm sau mưa". Ảnh: Thanh Vũ
“Phần lớn các trường hợp còn lại không nắm rõ quy định, không chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và không thực sự có nhu cầu về nhà ở”, đại diện chủ đầu tư CTCP BIC Việt Nam tiết lộ.
Phía doanh nghiệp cho biết, hiện nhiều người nhận thấy lợi thế khi mua nhà ở xã hội, khi giá bán chỉ bằng 1/3 so với nhà ở thương mại. Do đó, không ít cá nhân tìm mọi cách, trong đó có việc nhờ người thân đứng tên hồ sơ để hợp thức hóa điều kiện đăng ký, dù không thực sự có nhu cầu về chỗ ở.
Thậm chí, một số trường hợp dù biết rõ bản thân không đủ điều kiện nhưng vẫn đi xin xác nhận, tìm cách kết nối với “cò mồi”, môi giới để làm sai lệch hồ sơ, nhằm trục lợi từ chính sách nhân văn của Nhà nước. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo áp lực lớn cho chính quyền và chủ đầu tư trong việc xét duyệt hồ sơ.
“Người dân cần chủ động tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật hiện hành để chuẩn bị hồ sơ đúng và đầy đủ, đảm bảo quyền lợi được mua, thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Đồng thời, cần liên hệ trực tiếp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư dự án để được hướng dẫn chi tiết, tránh thông qua môi giới trung gian gây rủi ro pháp lý, vi phạm pháp luật và làm méo mó chính sách hỗ trợ nhà ở cho người yếu thế, người thực sự khó khăn”, đại diện BIC Việt Nam nhấn mạnh.
Cạnh tranh suất mua nhà ở xã hội vốn đã khó, nhưng nếu có tiêu cực xảy ra, cơ hội an cư của những người thực sự cần mua sẽ càng khó hơn. Khi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội, phóng viên Báo Đầu tư chứng kiến những người đi ô tô, đã sở hữu nhà, thậm chí làm giám đốc doanh nghiệp nhưng vẫn lên mạng hỏi cách mua nhà ở xã hội. Có người còn “vô tư” hỏi về lợi suất khi “đầu tư” phân khúc này.
Hải Phòng: 6 dự án nhà ở xã hội mở bán từ 14 - 20 triệu đồng/m2
Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, hiện, Hải Phòng có 6 dự án đủ điều kiện mở bán và đã được duyệt giá bán. Trong 6 dự án nhà ở xã hội, có 2 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Đó là nhà ở xã hội thuộc dự án khu đô thị mới Hoàng Huy New City, TP Thủy Nguyên. Dự án có quy mô 149 căn, đã mở bán 100% với giá bán 14,125 triệu đồng/m2, không có giá cho thuê. Hiện dự án này đã xét duyệt 149 trường hợp.
Cùng với đó là dự án nhà ở xã hội tại số 39 Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền. Dự án đã mở bán 171/216 căn với giá bán 19,314 triệu đồng/m2, giá cho thuê 78.200 đồng/m2/tháng. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025. Dự án đã xét duyệt 152 trường hợp đủ điều kiện mua nhà.
Với 4 dự án còn lại dự kiến được hoàn thành vào trong năm 2026, gồm: khu nhà ở xã hội số 384 Lê Thánh Tông và khu nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên thuộc quận Ngô Quyền; nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ và dự án xây dựng chung cư cho người thu nhập thấp tại khu dân cư An Đồng thuộc quận An Dương.
Trong đó, khu nhà ở xã hội số 384 Lê Thánh Tông hiện đã mở bán 837/1294 căn, giá bán 18,857 triệu đồng/m2, giá cho thuê 74.000 đồng/m2/tháng. Dự án đã xét duyệt cho 815 trường hợp.
Khu nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên đã mở bán 1.506/4.448 căn với giá bán 17,229 triệu đồngm2. Ảnh Quỳnh Nga
Tiếp đó là khu nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên đã mở bán 1.506/4.448 căn với giá bán 17,229 triệu đồng/m2, giá cho thuê 59.000 đồng/m2/tháng. Đã xét duyệt 579 trường hợp mua nhà.
Nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ, quận An Dương (tên thương mại: Dự án nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ) mở bán 1.770/2.538 căn với giá bán 16,090 triệu đồng/m2, giá cho thuê 84.400 đồng/m2/tháng. Dự án này cũng đã xét duyệt 676 trường hợp mua nhà.
Còn với dự án xây dựng chung cư cho người thu nhập thấp tại khu dân cư An Đồng hiện đã mở bán 636/775 căn. Giá bán được duyệt bán là 18,830 triệu đồng/m2, giá cho thuê từ 80.000 - 105.000 đồng/m2/tháng. Dự án này đã xét duyệt 3034 trường hợp mua nhà.
Bình Định quy định điều kiện để người ngoại tỉnh được mua, thuê nhà ở xã hội
UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định quy định đối tượng, điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Quy định có hiệu lực bắt đầu từ ngày 12/5/2025.
Theo đó, các đối tượng được được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội gồm đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Điều 76 của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15.
Một dự án nhà ở xã hội tại TP. Quy Nhơn đang nhận được sự quan tâm của nhiều người mua.
Cùng với đó, đối tượng quy định tại khoản 11, Điều 76 của Luật Nhà ở được thuê nhà ở xã hội.
Ngoài ra, đối tượng quy định tại khoản 12, Điều 76, Luật Nhà ở được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (bố trí cho cá nhân là công nhân của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp đó thuê lại).
Theo UBND tỉnh Bình Định, các trường hợp trên được thuê nhà ở xã hội không phải xác minh điều kiện về nhà ở và thu nhập (quy định tại khoản 1, Điều 78 của Luật Nhà ở).
Đáng chú ý, trong quy định này, UBND tỉnh Bình Định nêu rõ, đối với các đối tượng đang có nơi đăng ký thường trú ngoài tỉnh Bình Định phải đảm bảo các điều kiện là “đang làm việc tại tỉnh Bình Định” và “thời gian làm việc tại tỉnh Bình Định từ 1 năm trở lên (chứng minh bằng Hợp đồng lao động hoặc các văn bản, tài liệu hợp pháp khác)”.
Được biết, vào giữa tháng 12/2024, liên quan đến chủ trương về bán nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh này với nội dung thống nhất chủ trương là “không xét duyệt các đối tượng không sinh sống và không làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Định”.
“Đồng thời, đối với các đối tượng đến từ địa phương khác ngoài tỉnh Bình Định chỉ được xem xét khi đang làm việc tại tỉnh Bình Định và có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên hoặc tài liệu khác chứng minh làm việc tại tỉnh Bình Định”, người đứng đầu tỉnh Bình Định yêu cầu.
Doanh nghiệp khó đủ đường khi làm nhà giá rẻ
Thị trường bất động sản phía Nam đang mất cân đối trầm trọng về dòng sản phẩm. Hầu hết dự án được mở bán đều có giá cao, thuộc dòng cao cấp, còn nhà ở giá rẻ thì thiếu vắng. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp dành tâm huyết phát triển dòng sản phẩm này để phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân, song cũng vấp phải không ít khó khăn.
Năm 2024, Công ty cổ phần Địa ốc P. (xin không nêu tên) quyết định dành quỹ đất 6.000 m2 xây dựng dự án chung cư 31 tầng với hơn 700 căn hộ tại TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và xác định sẽ giảm mức lợi nhuận tại dự án này so với các dự án khác, khi dự kiến giá bán khoảng 30 triệu đồng/m2.
Sau khi dự án được cấp giấy phép xây dựng và tỉnh Bình Dương cho biết sẽ sớm xác định tiền sử dụng đất để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, Công ty lập tức triển khai xây dựng, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Tháng 4/2025, Công ty nhận được thông báo tiền sử dụng đất của tỉnh Bình Dương và “ngã ngửa”, vì với mức tiền sử dụng đất như vậy, cộng thêm các chi phí xây dựng…, giá nhà phải là 32 triệu đồng/m2 và doanh nghiệp sẽ chịu lỗ ở dự án này
Chọn tập trung phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025 - 2027, Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh cũng gặp nhiều thách thức. Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh cho biết, 9 năm trước, doanh nghiệp mua quỹ đất tại Thủ Dầu Một (Bình Dương), tới nay, vốn đầu tư cộng với lãi vay ngân hàng để sở hữu lô đất này đã lên tới 1.000 tỷ đồng.
“Nguồn gốc quỹ đất này là đất khu công nghiệp được phê duyệt tách ra làm khu nhà ở và đã được duyệt quy hoạch 1/500. Nếu tính theo đất khu công nghiệp, thì giá trị khu đất là hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng nếu áp dụng giá đất làm nhà thương mại hiện nay, con số có thể lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Với số vốn đầu tư ban đầu, cộng thêm các chi phí, thì giá nhà bán ra khá cao so với khu vực, không thể làm được dự án nhà ở giá rẻ, dù doanh nghiệp rất mong muốn”, bà Oanh giải thích.
Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trần Anh chia sẻ, năm 2019, Công ty xây dựng 900 căn nhà ở giá rẻ để bán cho người lao động tại huyện Đức Hòa (Long An). Theo quy định, nhà giá rẻ vẫn là nhà ở thương mại, nên phải đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy... như nhà ở thương mại.
“Chi phí đầu tư như nhà ở thương mại, nhưng bán theo mức giá của nhà giá rẻ, khiến chúng tôi lỗ nặng tại dự án này. Từ đây, Công ty không dám làm nhà giá rẻ, dù người dân ở khu vực Long An rất cần”, ông Vinh nói.
Thanh Vũ
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/batdongsan/nguoi-kha-gia-nhung-van-tim-cach-mua-nha-o-xa-hoi-doanh-nghiep-kho-du-duong-khi-lam-nha-gia-re-d281358.html