Giữ hồn tượng gỗ Tây Nguyên
Sau nhiều lần lỗi hẹn, trong một buổi chiều phố núi lất phất mưa phùn, chúng tôi tìm đến xưởng đục của nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Nam, nằm khiêm nhường tại số 1 đường Cao Bằng (phường Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Giữa không gian yên tĩnh, âm thanh nhịp nhàng của dùi đục vang lên cốc cách như bản hòa tấu mộc mạc. Những đôi tay thoăn thoắt, tỉ mỉ khắc chạm từng thớ gỗ, thổi vào đó linh hồn của núi rừng Tây Nguyên.
Trong xưởng nhỏ, hàng trăm pho tượng gỗ với đủ kích cỡ, biểu cảm như hiện hữu một thế giới riêng nơi văn hóa, con người và tâm linh Tây Nguyên giao hòa trong từng đường nét. Người xem như lạc vào miền ký ức bản địa, nơi gỗ biết kể chuyện, nơi nghệ thuật âm thầm cất tiếng.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Nam chia sẻ: Anh sinh ra tại Thanh Hóa, sau đó theo gia đình chuyển vào Gia Lai sinh sống. Hơn 20 năm gắn bó với vùng đất này, văn hóa Tây Nguyên dần thấm vào anh một cách tự nhiên, lặng lẽ nhưng sâu sắc.
Tượng gỗ mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Anh Nguyễn Xuân Nam từng theo học tại Trường cao đẳng Công nghệ – Kinh tế và Chế biến lâm sản, nơi đào tạo các ngành nghề gắn liền với gỗ như mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng và chạm khắc. Sau khi tốt nghiệp, anh làm "thợ đục" ở nhiều vị trí khác nhau trong ngành, tích lũy kinh nghiệm qua từng vết đục, từng tấm gỗ.
Bước ngoặt đến khi anh quyết định theo học chuyên ngành Mỹ thuật tại Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai (nay là Trường cao đẳng Gia Lai). Chính tại đây, anh mới nhận ra ranh giới rõ rệt giữa chạm khắc gỗ mang tính thủ công và điêu khắc gỗ mang tinh thần nghệ thuật. “Sự khác biệt không chỉ ở kỹ thuật, mà nằm ở chiều sâu tư duy và cảm xúc gửi gắm vào tác phẩm,” anh chia sẻ.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp, anh mở phòng tranh, một không gian nhỏ chuyên trưng bày tranh bút lửa và các tác phẩm điêu khắc do chính anh sáng tạo. Không dừng lại ở đó, anh còn mở lớp luyện thi mỹ thuật và kiến trúc, như một cách truyền ngọn lửa đam mê và cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ yêu nghệ thuật.
Mỗi pho tượng mang nét mặt với các cung bậc cảm xúc khác nhau.
Anh Nam kể, những lần rong ruổi cùng cộng đồng Jrai, Bahnar đã mở ra cho anh cánh cửa bước vào một thế giới văn hóa vừa hoang dã, vừa huyền bí. Ở đó, bản sắc Tây Nguyên không chỉ hiện lên qua cồng chiêng, nhà rông, mà còn sống động trong từng nghi lễ, từng nếp sống hằng ngày của người bản địa.
Từ những ấn tượng sâu đậm ấy, anh bắt đầu lặng lẽ sưu tầm sách, nghiên cứu các tài liệu về văn hóa Tây Nguyên. Mỗi khi địa phương tổ chức sự kiện lễ hội hay hoạt động văn hóa, anh đều có mặt, chăm chú lắng nghe các già làng, nghệ nhân kể chuyện về phong tục, biểu tượng, tín ngưỡng.
Không chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ, anh ghi chép cẩn thận từng họa tiết, hoa văn, từng mảng khối ẩn chứa "hồn cốt" Tây Nguyên để không chỉ lưu giữ, mà còn để hiểu đúng, cảm đúng và chuyển hóa thành những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở của núi rừng.
Đưa "hồn cốt" Tây Nguyên vươn xa
Năm 2024 ghi dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình nghệ thuật của Nguyễn Nam, khi anh trở thành một trong ba tác giả trẻ được vinh danh tại Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 29.
Tác phẩm “Nét Tây Nguyên 2” – một tổ hợp chạm khắc bằng gỗ, nổi bật với hình tượng mặt nạ truyền thống đã chinh phục hội đồng nghệ thuật bởi chiều sâu cảm xúc và tinh thần bản địa thấm đẫm trong từng đường nét.
Những cột gỗ trong tác phẩm không chỉ là khối hình trang trí, mà như đang thì thầm kể lại câu chuyện của núi rừng, nơi văn hóa Tây Nguyên được khắc họa bằng tất cả sự thấu hiểu, tình yêu và trải nghiệm mà anh đã gom góp suốt nhiều năm hòa mình vào đời sống cộng đồng.
Anh Nam là một trong ba tác giả trẻ được trao giải tại Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 29.
“Trước đây, mình quen với việc ngồi chờ khách đến đặt hàng. Còn bây giờ, phải chủ động hơn giới thiệu sản phẩm, kết nối qua mạng xã hội", anh Nguyễn Nam chia sẻ.
Việc chuyển hoạt động của phòng tranh sang nền tảng online không chỉ thay đổi cách làm nghề, mà còn mở rộng cánh cửa thị trường, đặc biệt với dòng tượng gỗ decor – các tác phẩm nhỏ gọn, cao từ 90 đến 120 cm, mang đậm tinh thần dân gian Tây Nguyên.
Anh Nam phấn khởi cho biết: “Tượng của mình không để trưng cho đẹp đơn thuần, mà để gợi cảm xúc về một vùng đất mộc mạc, hoang hoải nhưng đậm đà bản sắc.
Từ đầu năm 2025 đến nay, anh đã bán gần 300 bức tượng và mặt nạ gỗ ra thị trường. Nhiều khu du lịch, quán cà phê còn đặt mua cả nhóm tượng để tạo dấu ấn văn hóa cho không gian. “Mỗi tác phẩm được hiện diện ở đâu đó, là thêm một lần Tây Nguyên được kể lại bằng tiếng nói của chính mình", anh nói.
Từ đầu năm 2025 đến nay, anh bán ra thị trường gần 300 bức tượng và mặt nạ gỗ.
Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Hồ Việt – Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum) cho biết: “Tôi đã đặt Nguyễn Nam thực hiện gần 100 bức tượng gỗ dân gian để tạo điểm nhấn cho Khu du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi, xã Đăk Hà, tỉnh Quảng Ngãi và đón hơn 30.000 lượt khách mỗi năm".
Theo họa sĩ Hồ Việt, điều ông ấn tượng nhất ở Nam là sự nghiêm túc trong nghiên cứu ngôn ngữ tạo hình truyền thống của đồng bào, đặc biệt là cách xử lý mảng khối và kỹ thuật chế tác. “Dù dùng công cụ hiện đại thay cho rìu và đục thô sơ như ngày trước, Nam vẫn giữ được cái thần, cái khí của tượng gỗ bản địa – đó mới là điều đáng quý", ông nhận xét.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Đoàn thể và các hội – Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai (trước đây), nhận xét: “Nguyễn Nam là người rất cầu thị, luôn nỗ lực học hỏi và nghiên cứu sâu về hệ thống tượng gỗ dân gian Tây Nguyên.
Các tác phẩm của anh không chỉ góp phần gìn giữ mà còn lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, vượt ra ngoài phạm vi tỉnh, vươn đến cả thị trường nước ngoài".
Bà Hương bày tỏ kỳ vọng: “Tôi mong Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, gìn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp bản sắc của tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời kết nối với các nghệ nhân để mở rộng cơ hội việc làm tại địa phương".
Hồ Hải Nam