Người khai sáng vương triều Hậu Lê

Người khai sáng vương triều Hậu Lê
2 giờ trướcBài gốc
Chương trình sân khấu hóa tái hiện cuộc đời, sự nghiệp vua Lê Thái Tổ tại Lễ hội Lam Kinh năm 2023.
Lê Lợi sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước trải qua nhiều biến động chính trị sâu sắc, vận mệnh đất nước đứng trước nhiều thử thách. Vào đầu thế kỷ XV, nước Đại Việt bị phong kiến phương Bắc đô hộ, Nhà Minh tổ chức thi hành nhiều chính sách nhằm đồng hóa người Việt, khiến Đại Việt lại rơi vào đêm trường đô hộ của phong kiến phương Bắc.
Không cam chịu bị áp bức, bóc lột, ngọn lửa yêu nước của người dân Đại Việt bùng cháy và lan rộng khắp cả nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở khắp mọi miền, từ đồng bằng đến rừng núi. Song, dưới sự đàn áp của kẻ thù, các phong trào hầu hết đều thất bại. Vào năm Bính Thân (1416), trên vùng đất Lam Sơn, tại Lũng Nhai (nay là xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) đã diễn ra hội thề lịch sử giữa Phụ đạo lộ Khả Lam Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín, nguyện chung sức đồng lòng chống giặc Minh, gìn giữ quê hương. Từ đây, Lam Sơn trở thành nơi quy tụ các anh hùng, hào kiệt và những người yêu nước từ khắp nơi tìm về cùng mưu đồ sự nghiệp cứu nước.
Trải qua một thời gian tích cực chuẩn bị, tháng Giêng năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi quyết định dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân). Ông xưng là Bình Định vương, truyền hịch kêu gọi Nhân dân đứng lên giết giặc, cứu nước. Nghĩa quân Lam Sơn bước vào cuộc chiến đấu kiên cường với quân thù dù tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch, song với tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, Lê lợi đã trực tiếp chỉ đạo nghĩa quân tiến hành nhiều biện pháp phù hợp, huy động mọi lực lượng yêu nước tham gia khởi nghĩa. Điều này đã tạo nên khối đoàn kết toàn dân, sức mạnh tổng hợp để đánh thắng giặc Minh.
Với dấu mốc là Hội thề Đông Quan, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trải qua 10 năm chiến đấu ngoan cường đã giành toàn thắng vào năm 1428. Thắng lợi ấy đã chấm dứt ách đô hộ của giặc Minh, khôi phục lại nền độc lập cho dân tộc. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên, đặt nền móng vững chắc để đưa quốc gia Đại Việt bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ bậc nhất.
Sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng: “Vua nổi dậy, nghĩa binh đến đâu, người Minh đều thua chạy, có phải là vì quân nhiều hay ít, mạnh hay yếu mà không địch nổi đâu? Là vì đức của vua hợp với trời nên trời giúp cho, đẹp lòng người nên người theo về, không những là người nước vui lòng theo phục, mà cả đến bọn phản nghịch cũng tôn kính như thế, cho nên không muốn chống nữa mà đều về hàng. Thế thì việc nhân nghĩa của vua so với Thang Vũ có phần sáng tỏ; xem việc này càng thấy rõ rệt. Còn như nói điểm được nước, há nên lấy lời sấm vĩ mà xét ư?”
Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt và chỉ dụ rằng: “Từ sau ngày chiếu thư ban ra, phàm quân dân có dâng thư nói việc gì, phải theo đúng niên hiệu, quốc hiệu, đô hiệu như trong chiếu thư; ai trái thế thì xử trượng hay biếm. Những tờ khế về việc mua bán, đổi chác, vay mượn, mà không theo đúng như trong chiếu thư thì không có giá trị”.
Cùng với đó, vua đã kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống quan chế, quan chức, pháp luật... Vua Lê Thái Tổ đã lấy pháp luật làm gốc để dựng nước và trị nước. “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến Nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ có phạm pháp”. Đồng thời, vua Lê Thái Tổ luôn quan niệm rằng, muốn “trị quốc, bình thiên hạ” thì bậc thiên tử phải luôn biết răn mình và nghe lời nói phải. Người đứng đầu thiên hạ càng phải biết lựa chọn và trọng dụng người tài là yếu tố quyết định. Nhà vua đã hạ lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu, từ tam phẩm trở lên phải tiến cử người hiền tài.
Để phát triển đất nước, vua Lê Thái Tổ đã chú trọng triển khai những biện pháp về phục hồi kinh tế, sản xuất nông nghiệp, ban bố ruộng đất bằng chính sách quân điền. Điều này đã tạo nên một cơ sở kinh tế vững chắc cho quốc gia Đại Việt. Ngoài ra, vua cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân tài. Năm 1428, lên ngôi vua, năm sau (niên hiệu Thuận Thiên thứ 2, 1429), Lê Lợi đã cho mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431, thi khoa Hoành từ. Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách. Điều này đã tạo nên một cơ sở kinh tế vững chắc cho quốc gia Đại Việt. Về văn hóa - xã hội, vua xuống chiếu rằng, các thuế như tô ruộng, vàng bạc, đầm phá, bãi dâu ở trong nước đều tha cho 2 năm không thu. Các lộ, những người già từ 70 tuổi trở lên được miễn sai dịch; những người con hiếu thảo, đàn bà góa giữ tiết, thì các quan ở lộ tâu lên để khen thưởng. Các nhà quân dân, trong một hộ mà 3 người sung quân thì miễn 1 người...
Nói về công lao to lớn của vua Lê Thái Tổ, Đại Việt sử ký toàn thư viết: Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp.
Sau khi vua băng hà, vua được rước về an táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, miếu hiệu là Thái Tổ, tôn hiệu là Thống Thiên Khải Vận Thánh Đức Thần Công Duệ Văn Anh Vũ Khoan Minh Dũng Trí Hoằng Nghĩa Chí Minh Đại Hiếu Cao Hoàng đế. Cũng từ đó, Lam Sơn dựng điện để muôn đời thờ phụng, cũng là nguồn cội để muôn dân đất Việt hướng về ngưỡng vọng, tri ân.
Bài và ảnh: Quỳnh Chi
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/nguoi-khai-sang-vuong-trieu-hau-le-225630.htm