Người không dung nạp Lactose tập luyện thế nào?

Người không dung nạp Lactose tập luyện thế nào?
2 ngày trướcBài gốc
Nội dung
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh không dung nạp Lactose
2. Các bài tập cho người không dung nạp Lactose
2.1 Trẻ từ 3 đến 5 tuổi
2.2 Trẻ từ 6 đến 12 tuổi
2.3 Bài tập cho trẻ trên 12 tuổi
3. Những lưu ý dành cho người bị bệnh không dung nạp lactose khi tập luyện
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh không dung nạp Lactose
Bệnh không dung nạp Lactose được định nghĩa là khi người ăn hay uống các sản phẩm từ sữa nhưng không thể tiêu hóa hoàn toàn đường (loại lactose) trong sữa.
Hậu quả là bị tiêu chảy và đầy hơi, đau bụng sau khi ăn hoặc uống các sản phẩm từ sữa, lâu ngày có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sức khỏe giảm sút, bệnh nhân cảm thấy khó chịu, tự ti.
Việc tập luyện thường xuyên, đều đặn giúp người bệnh:
Giảm các triệu chứng lo âu, giúp người bệnh vui vẻ, tự tin hơn.
Giúp giảm triệu chứng tiêu chảy, đầy bụng chướng hơi giúp hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.
Giúp ăn ngủ tốt hơn, tăng cường sức đề kháng hệ miễn dịch cho cơ thể.
2. Các bài tập cho người không dung nạp Lactose
2.1 Trẻ từ 3 đến 5 tuổi
Ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng, vui nhộn như đi bộ, ném bóng, trốn tìm, tập thể dục nhịp điệu theo nhạc….
2.2 Trẻ từ 6 đến 12 tuổi
Tăng cường độ tập luyện với các bài tập như chạy bộ, bơi lội, chơi thể thao (bóng đá, cầu lông, bóng chuyền).
2.3 Bài tập cho trẻ trên 12 tuổi
- Yoga
Tư thế trái núi
Tác dụng: Giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, ăn ngon miệng hơn.
Cách thực hiện:
Đứng trên thảm tập, hai bàn chân song song nhau, hai tay xuôi dọc cơ thể. Hít một hơi thật sâu, từ từ nâng tay qua đầu và đan các ngón tay vào nhau.
Nâng gót chân và dồn trọng lực đứng trên ngón chân. Ưỡn nhẹ ngực về phía trước, hơi nâng mặt lên trên 1 chút.
Duỗi thẳng vai, cánh tay, ngực và giữ tư thế này trong vòng 30 giây – 1 phút.
Thở ra và trở về tư thế ban đầu. Lặp lại 5-7 lần.
Cách thực hiện tư thế trái núi hỗ trợ giảm triệu chứng cho người không dung nạp Lactose.
Tư thế chắn gió
Tác dụng: Giúp giảm đau bụng, đầy hơi.
Cách thực hiện:
Nằm ngửa, đưa đầu gối về phía ngực và ép bụng nhẹ .
Giữ 7-10 giây, lặp lại 5-7 lần.
Tư thế chắn gió.
Tư thế ngồi vặn mình
Tác dụng: Giúp giảm đầy bụng, tiêu chảy, hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.
Cách thực hiện:
Ngồi duỗi thẳng chân trước mặt, gập chân phải (đặt bàn chân ở bên ngoài đầu gối trái), đồng thời giữ thẳng lưng.
Thả cánh tay trái ra bên ngoài hoặc ôm đầu gối phải. Đặt cánh tay phải ra phía sau và xoay thân người.
Hít thở vài nhịp rồi đổi bên. Lặp lại 5-7 lần.
Người không dung nạp Lactose thực hiện tư thế vặn mình giúp giảm đầy bụng, khó tiêu.
- Dưỡng sinh
Tác dụng: Thư giãn giúp người không dung nạp Lactose vui vẻ, ăn ngủ tốt hơn.
Tư thế: Nằm hoặc ngồi dựa thoải mái trên một ghế dựa.
Cách thực hiện:
Ức chế ngũ quan: Che mắt, tập ở nơi yên tĩnh, nếu trời nóng, mặc quần áo mỏng hoặc để quạt nhẹ, trời lạnh, đắp mền mỏng, xa nơi đang nấu ăn, có tiếng ồn.
Tự nhủ thầm cho các cơ mềm ra, giãn ra từ từ, chắc chắn, từng nhóm cơ một, từ trên xuống dưới, toàn thân cảm thấy nặng và ấm.
Tập trung ý chí theo dõi hơi thở ra vào qua mũi tới phổi, khoảng 10 hơi thở, có thể đi vào giấc ngủ ngắn 15 – 30 phút.
Tập 2 lần/ngày.
- Xoa tam tiêu
Tác dụng: Thúc đẩy hệ tiêu hóa giúp tiêu hóa tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cơ thể cho người không dung nạp Lactose.
Tư thế: Ngồi thòng chân.
Cách thực hiện:
+ Xoa thượng tiêu: Hai bàn tay duỗi ra úp lên nhau và để trước ngực, hai cánh tay áp sát vào nách, xoa theo chiều kim đồng hồ 10-20 lần.
+ Xoa trung tiêu: Bàn tay phải nắm lại úp trên bụng, tay kia đè chụp lên. Xoa từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ 10-20 lần.
+ Xoa hạ tiêu: Xoa vùng dưới rốn, giống như xoa trung tiêu. Thở tự nhiên. Tập 2-3 lần/ngày.
Bên cạnh đó nên thực hiện vuốt bẹ sườn bằng cách dùng ngón tay trỏ phải vuốt bẹ sườn bên trái và ngược lại 10-20 lần.
- Các bài tập luyện khác
Đi bộ: Thực hiện đi bộ nhẹ nhàng ở công viên, hoặc đi bộ máy tập giúp thư giãn tinh thần, giảm đầy bụng chướng hơi, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Đi bộ 30-40 phút ngày 02 lần vào sáng sớm, chiều tối.
Đạp xe: Có thể đạp xe đạp tại chỗ hoặc đạp xe trên đường thư giãn tinh thần, tăng cường sức khỏe, giúp tiêu hóa tốt hơn.
- Bấm huyệt túc tam lý
Vị trí: Huyệt túc tam lý nằm ở mé ngoài phía trước cẳng chân, dưới mắt gối ngoài 3 tấc, phía ngoài xương mác khoảng 1 ngón tay đặt ngang, khe giữa xương chày và xương mác. Huyệt giúp tăng cường hệ miễn dịch sức đề kháng.
Cách thực hiện: Bấm huyệt ngày 03-04 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút.
Vị trí huyệt túc tam lý trên cơ thể.
3. Những lưu ý dành cho người bị bệnh không dung nạp lactose khi tập luyện
- Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng giúp cơ thể sản sinh ra các hormon endorphin, có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và mệt mỏi; tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, tránh tập đêm khuya gây mất ngủ thời gian 20 phút đến 40 phút một ngày.
Trong giai đoạn bệnh cấp tính đau bụng tiêu chảy, người mệt mỏi khó chịu không được tập luyện, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi bệnh ổn định bắt đầu tập, tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi tập.
- Cách tập không gây hại sức khỏe:
Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần, nên phối hợp nhiều bài tập đạt hiệu quả tốt nhất.
Tập trong môi trường thông thoáng sạch sẽ.
Khi triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt thì dừng ngay.
Đối với trẻ em, cần tạo môi trường vui vẻ, thoải mái để trẻ thích tham gia tập luyện, theo dõi sát quá trình tập luyện.
Kết hợp chế độ ăn, chế độ sinh hoạt hợp lý theo hướng dẫn của bác sỹ.
Mời bạn xem tiếp video:
Điều trị nôn, tiêu chảy cấp ở trẻ em - Những sai lầm cần tránh I SKDS
BS. Vũ Duy Thành
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nguoi-khong-dung-nap-lactose-tap-luyen-the-nao-169241231113341652.htm