Thanh niên khuyết tật tìm cơ hội việc làm trong một phiên tuyển dụng
Những rào cản vô hình
Tốt nghiệp ĐH Vinh, Đậu Thị Hải Hà (sinh năm 1996, quê Nghệ An) vất vả với hành trình xin việc vì bị khuyết tật cả chân và tay. Sau nhiều lần bị các doanh nghiệp từ chối, cô cũng xin được vào vị trí nhân viên văn phòng. Hải Hà cho biết, điều khó khăn nhất với cô khi đi làm là việc hòa nhập. Cô luôn cảm thấy tự ti, mặc cảm. Cách đây không lâu, Hải Hà là người đầu tiên bị sa thải khi công ty gặp khó khăn. Cô đã tìm hiểu và nghiên cứu về thị trường lao động, đặc biệt là công việc dành cho người khuyết tật. Cô quyết định học thiết kế web vì nhận thấy công việc này phù hợp với mình.
Số thanh niên khuyết tật được học đại học, linh hoạt trong việc học nghề để tìm cơ hội việc làm như Hải Hà không nhiều. Phần lớn trong số họ đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ hội học nghề và tìm kiếm việc làm. Điển hình là Trương Trung Anh (thị trấn Văn Điển, Hà Nội). Bị khuyết tật vận động, ở tuổi 26, Trung Anh cảm thấy mình là người vô dụng khi cả ngày "quanh ra, quẩn vào", làm vài việc vặt trong nhà. Trung Anh thường mày mò trên các trang mạng xã hội để tìm việc nhưng đều bị từ chối với lý do sức khỏe của cậu không đáp ứng được công việc.
Gần đây, cậu xin học nghề làm con giống bằng giấy. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của Trung Anh nhưng tiền công thấp khiến Trung Anh cảm thấy nản vì không nhìn thấy tương lai ở công việc này. Khao khát có việc làm để có thể nuôi sống bản thân, Trung Anh cũng từng học nghề may và máy tính nhưng cậu không thể bước qua được rào cản tâm lý của bản thân, sợ mình không hoàn thành được công việc, sợ ảnh hưởng đến tiến độ công việc của tập thể…
Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật
"Tỷ lệ người khuyết tật được đi học, có trình độ chuyên môn, có đóng góp cho xã hội không nhiều. Bên cạnh rào cản từ xã hội, rào cản tâm lý từ chính người khuyết tật là một vấn đề mà các cơ sở đào tạo cần quan tâm để có cách tiếp cận phù hợp. Bản thân người khuyết tật cần nỗ lực hơn, chủ động học hỏi, nâng cao trình độ để có thể hòa nhập, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động".
Anh Trần Thành Trung (Công ty TNHH TDT digital)
Anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art), nơi có 95% lao động là người khuyết tật, cho biết, với vấn đề tìm việc làm của người khuyết tật, yếu tố gia đình là quan trọng nhất. "Nhiều gia đình nghĩ con khuyết tật sẽ không làm được gì nên bỏ mặc. Một số gia đình có điều kiện kinh tế thì nuông chiều con quá. Điều cần nhất là cha mẹ cần rèn cho con cách sống tự lập, phối hợp với trường dạy nghề để định hướng nghề cho con. Người khuyết tật hoàn toàn có thể làm việc, miễn đó là công việc phù hợp với khả năng của họ".
Điều mà anh Lê Việt Cường trăn trở, đó là làm sao khuyến khích và phát triển nghề phù hợp với trình độ, khả năng của người khuyết tật. "Hiện nay, nhiều trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Do đó, chỉ khi trường dạy nghề thay đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu thị trường thì cánh cửa việc làm mới mở rộng hơn với người khuyết tật".
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc làm với người khuyết tật, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI), cho rằng cần xóa bỏ quan niệm người khuyết tật ít có đóng góp cho xã hội. "Tôi mong thanh niên khuyết tật có cơ hội việc làm, công việc có hợp đồng và có bảo hiểm. Tôi mong các cha mẹ nhìn nhận, hiểu đúng về năng lực cũng như khả năng làm việc của con. Thanh thiếu niên khuyết tật cần tự trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức để có thể sẵn sàng tham gia thị trường lao động", bà Thủy nói.
Chia sẻ về những hoạt động nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật để họ có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, bà Nguyễn Thanh Thủy cho biết: "Chúng tôi đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Song song với đào tạo nghề là tập huấn cho học viên các kỹ năng mềm cần thiết trong quá trình làm việc. Ví dụ, kỹ năng tuân thủ kỷ luật của công ty, tương tác với khách hàng, với lãnh đạo, với đồng nghiệp, biết bảo vệ bản thân khỏi sự xâm hại, quấy rối tình dục nơi làm việc, kỹ năng quản lý tài chính…".
N.Minh