Đây không chỉ là biểu hiện của tinh thần đổi mới, mà còn là một trong những trách nhiệm cốt lõi của người đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Một nhà lãnh đạo nếu sống trong cảnh thiếu thốn, không nắm bắt được phương pháp làm giàu hợp pháp, khó có thể trở thành hình mẫu truyền cảm hứng để cấp dưới noi theo và học hỏi.
Thi đua làm giàu lần đầu tiên được định hướng rõ ràng ở tầm quốc gia
Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, sau gần bốn thập kỷ kể từ thời kỳ đổi mới, đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước chính thức gửi thông điệp tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc cần thiết phải “thi đua làm giàu”.
Ông Lâm khẳng định, dấu ấn lớn nhất của phong trào này chính là sự ra đời của Nghị quyết 68 một chính sách định hình chiến lược phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân: “Nghị quyết 68 thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc xem kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột then chốt của nền kinh tế quốc gia. Đây là bước ngoặt mang tính chiến lược, mở ra cánh cửa mới cho các doanh nghiệp và doanh nhân tham gia mạnh mẽ vào hành trình làm giàu, tương tự như cách mà chính sách khoán 10 từng khơi dậy tiềm năng to lớn của người nông dân bằng việc trao quyền làm chủ đồng ruộng”.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
Tinh thần này không chỉ dừng lại ở việc làm giàu cho cá nhân, mà còn là yếu tố quan trọng để tạo bước nhảy vọt cho khu vực kinh tế tư nhân nơi sản sinh ra những người chủ giàu có nhờ vào ý tưởng và hành động phù hợp với định hướng lớn của đất nước.
Trong mọi giai đoạn cách mạng hay phong trào lớn, đảng viên luôn phải đóng vai trò tiên phong. Tư duy này không thay đổi khi áp dụng vào phong trào làm giàu. “Mỗi đảng viên cần là người thực hành trước, làm tốt trước để lan tỏa tới người thân, cấp dưới, đồng nghiệp. Họ giống như một toa tàu kéo theo cả đoàn đi tới mục tiêu làm giàu chính đáng, dựa trên năng lực thật sự và sự tuân thủ pháp luật”, ông Lâm nhấn mạnh.
Cũng từ góc nhìn đó, ông nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp cần thực sự là cánh chim đầu đàn, tạo ra công ăn việc làm, dẫn dắt đội ngũ và khơi nguồn cảm hứng làm giàu trong nội bộ. Điều quan trọng là xác định rõ ranh giới giữa đúng và sai. Người đảng viên, doanh nhân cần hành động trong khuôn khổ pháp lý, “làm những gì pháp luật cho phép hoặc không cấm”, để bảo vệ thành quả và tránh những hệ lụy không đáng có.
Nhưng để phong trào không chỉ dừng ở lời hiệu triệu mà trở thành hành động thực tiễn, Nhà nước cần cụ thể hóa nó bằng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để những người có khát vọng và năng lực làm giàu có thể phát huy.
Làm giàu để phụng sự, không chỉ để tích lũy
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm lãnh đạo phải là người tiên phong trong công cuộc làm giàu. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khu vực dân doanh những thương nhân, doanh nhân và các thành phần kinh tế tư nhân.
Ông Huân cho rằng, một đất nước muốn giàu mạnh, thì người dân và doanh nghiệp của quốc gia đó phải giàu trước tiên: “Khi thu nhập của từng cá nhân, từng doanh nghiệp được cải thiện, họ sẽ đóng góp trực tiếp vào GDP quốc gia. Đồng thời, họ cũng trở thành nhân tố chủ lực trong các hoạt động xã hội – từ tạo việc làm, góp quỹ an sinh, đến giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước”.
Theo ông Huân, sự gia tăng về quy mô của tầng lớp trung lưu và người giàu trong nước sẽ tạo ra một chu kỳ tiêu dùng tích cực, củng cố thị trường nội địa, từ đó làm cho nền kinh tế phát triển ổn định và ít lệ thuộc vào xuất khẩu.
Người đứng đầu một doanh nghiệp giàu có là minh chứng cho năng lực quản trị hiệu quả, khả năng chi tiêu hợp lý và tư duy tích lũy. Khi họ có nguồn lực, họ sẽ đầu tư mở rộng, khởi xướng các chuỗi giá trị mới, từ đó đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Nguyễn Quang Huân, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam
Phần lớn doanh nhân Việt hiện nay có tinh thần cống hiến cao, nhiều người xem việc làm giàu là một sứ mệnh chứ không đơn thuần là lợi ích cá nhân. Dù vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp hoạt động theo kiểu “chụp giật”, khai thác tài nguyên thiếu bền vững, nhưng xu hướng này đang dần được hạn chế.
Càng ngày, doanh nghiệp và doanh nhân đóng góp nhiều hơn cho các quỹ vì cộng đồng, chương trình xóa đói giảm nghèo. Truyền thống đó không mới – từ thời doanh nhân Bạch Thái Bưởi, hay ông Trịnh Văn Bô – chủ hiệu vải Trịnh Phúc Lợi số 48 Hàng Ngang, người đã hiến tới 5.147 lượng vàng (khoảng 2 triệu đồng Đông Dương) cho Chính phủ. Ngày nay, tinh thần ấy vẫn được tiếp nối.
Nhiều doanh nhân hiện đại không đặt nặng chuyện để lại của cải cho con cháu. Họ hiểu rằng, nếu là người giỏi, con cháu họ cũng phải biết tự lập, tự xây dựng cuộc sống, không thể dựa mãi vào thành công của thế hệ trước. Đó là tinh thần tự trọng của người làm kinh tế chân chính.
Doanh nhân Việt sẽ có nhiều cơ hội để “gượng dậy”
Để duy trì được tinh thần này một cách rộng khắp, ông Huân cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội cho cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ, startup chưa có nhiều kinh nghiệm, nhất là trong khối doanh nhân không phải đảng viên.
“Đã là doanh nhân, ai cũng có bản năng muốn vươn lên. Nhưng nếu gặp quá nhiều rào cản về pháp lý, nguồn lực hạn chế, hoặc từng thất bại vài lần thì sẽ rất dễ mất niềm tin và bỏ cuộc”, ông Huân thẳng thắn nhìn nhận.
Từ đó, ông kỳ vọng rằng với Nghị quyết 68 cùng những thay đổi trong tư duy quản lý như không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy sáng tạo công nghệ, cải cách Luật Phá sản... doanh nhân Việt sẽ có nhiều cơ hội để “gượng dậy”, làm lại từ nơi từng vấp ngã và tiếp tục hành trình làm giàu một cách vững vàng hơn.
Vân Hồng/VOV.VN