Công nhân Afghanistan làm việc tại một nhà máy dệt ở Kabul, ngày 29/4/2025. (Ảnh: Tân Hoa xã)
“Chúng tôi vay tiền vào mùa đông, và khi mùa làm việc bắt đầu, chúng tôi dần trả nợ cho các chủ tiệm”, ông Habib Jan, một công nhân lò gạch 60 tuổi, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã.
Giống như hàng nghìn lao động khác trên khắp cả nước, ông Habib Jan làm việc mỗi ngày dưới cái nắng như thiêu tại các lò gạch ở khu vực đông bắc Kabul, cố gắng kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình 12 người. “Tôi dùng tiền lương để mua bột mì, dầu ăn và thuốc men”, ông nói, mắt nhìn xuống đôi giày rách tả tơi.
Đôi giày của một lao động tại một lò gạch ở Kabul, thủ đô Afghanistan, ngày 29/4/2025. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Mặc dù đã làm việc trong các lò gạch suốt 5 năm, đồng lương ít ỏi của Habib Jan không đủ giúp ông trang trải các nhu cầu thiết yếu của gia đình. “Có lúc cũng vừa đủ, có lúc không. Chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc chịu đựng, vì không ai trả lương xứng đáng cả”, ông chia sẻ, gương mặt và đầu phủ đầy bụi sau một ngày làm việc dài.
Tình trạng thất nghiệp lan rộng khắp Afghanistan, và theo lời tài xế xe tải Dil Agha, khủng hoảng việc làm ngày càng trầm trọng đang đẩy cuộc sống của người dân quốc gia Nam Á này vào khó khăn hơn nữa.
“Tôi sống bằng nghề lái xe để nuôi gia đình, nhưng tôi không đủ khả năng mua đồ tốt. Ngay cả chi tiêu hằng ngày cũng không thể tăng lên”, ông nói.
Ông Dil Agha đã lái xe chở gạch tại Kabul suốt 18 năm và là lao động chính trong gia đình. Câu chuyện của ông phản ánh thực trạng chung của nhiều lao động khác. “Vào mùa đông, tôi thường vay từ 20.000 đến 50.000 afghani (khoảng 290-430 USD) từ chủ lò, rồi trả lại sau khi hoàn tất công việc vào mùa xuân”, ông nói thêm, bày tỏ lo ngại trước việc cơ hội việc làm ngày càng ít đi.
Công nhân Afghanistan làm việc tại một nhà máy dệt ở Kabul, ngày 29/4/2025. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Sự sụp đổ của các ngành công nghiệp chủ chốt và thiếu cơ sở hạ tầng kinh tế đã khiến nhiều lao động Afghanistan chật vật mưu sinh.
Ông Mohammad Jan Nabizad, quản lý một nhà máy may mặc tại Kabul, cho biết nhà máy từng tuyển khoảng 1.200 công nhân, nhưng hiện chỉ còn 80 người làm việc. Ông lý giải việc cắt giảm nhân sự là do thiếu các hợp đồng kinh tế và nhu cầu thị trường.
Anh Shafiq Ullah, một công nhân ngành dệt trẻ tuổi tại Kabul, chia sẻ rằng sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh không thể học tiếp vì hoàn cảnh tài chính. “Chúng tôi từng làm việc cả ngày lẫn đêm ở đây. Khi đó có 17 người, giờ chỉ còn 10”, anh nói.
Quang cảnh tại một nhà máy dệt ở Kabul, ngày 29/4/2025. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Chuyên gia kinh tế Shakir Yaqubi đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình trạng thất nghiệp và đói nghèo, cho biết tỷ lệ người thất nghiệp đã tăng đến mức chưa từng có.
Ông Yaqubi nhấn mạnh rằng nếu tình hình không được cải thiện, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan sẽ trở nên mong manh và bất ổn hơn, và nền kinh tế có thể rơi vào trạng thái tồi tệ nhất.
Theo người phát ngôn Samiullah Ibrahim của Bộ Lao động và Các vấn đề Xã hội thuộc chính quyền lâm thời Afghanistan, hiện chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ thất nghiệp, dù một cuộc khảo sát toàn diện đang được lên kế hoạch.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 4 cho thấy, cứ 4 thanh niên Afghanistan thì có 1 người thất nghiệp, đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây.
HẢI YẾN Theo Tân Hoa xã