Người lao động chưa mặn mà với học nghề khi thất nghiệp

Người lao động chưa mặn mà với học nghề khi thất nghiệp
5 giờ trướcBài gốc
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong quý 1/2025, cả nước đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 124.000 người lao động, phần lớn trong số họ thuộc nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ, dễ bị đào thải khỏi thị trường lao động…
Còn theo số liệu từ Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và Lao động, trong quý 1/2025, cả nước ghi nhận 144.889 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 29.600 người so với quý 4/2024 và 24.200 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý này, có 123.835 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 406.098 lượt người được tư vấn, 31.894 người được giới thiệu việc làm và 3.636 người được hỗ trợ học nghề.
Doanh nghiệp và người lao động kết nối tại phiên giao dịch việc làm
Phần lớn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 59,2%; số có trình độ đại học trở lên chiếm 18,7%; trình độ cao đẳng 7,6%; trung cấp 6%; và 8,5% người nộp hồ sơ đề nghị hưởng có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp.
Kết quả này cho thấy một số nhóm lao động vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp, dẫn đến thất nghiệp, đặc biệt ở nhóm lao động không có chuyên môn kỹ thuật, nhóm dễ bị đào thải nhất khỏi thị trường lao động.
Đáng chú ý, tỷ lệ người lao động đăng ký học nghề sau khi thất nghiệp vẫn còn rất thấp so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, những năm qua, do tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, lao động việc làm vẫn là vấn đề nóng, nên số người lao động nộp hồ sơ và hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng lên hàng năm, nhưng số người lao động thất nghiệp lựa chọn học nghề thì lại không nhiều.
Thất nghiệp ở tuổi ngoài 40, từng có 10 năm làm ở một công ty về du lịch, sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định sẽ đăng ký lớp học nghề nấu ăn. Vốn có năng khiếu, lại được đào tạo bài bản thêm, sau khóa học, chị Hương đã quyết định bán hàng ăn online với cơm văn phòng và mang về nguồn thu nhập khá ổn định hàng tháng.
Chị Hương cho biết, trước khi quyết định học nghề, chị đã khá băn khoăn giữa việc dành thời gian để đi học hay tiếp tục tìm kiếm việc làm để có tiền ngay. Tuy nhiên ở tuổi ngoài 40, tìm việc làm mới không hề dễ dàng. “Tôi quyết định học nghề để có nhiều cơ hội hơn, chủ động trong cơ hội việc làm hơn”.
Khác với chị Hương, nhiều người đến các Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp song chưa mấy mặn mà với việc học nghề bởi tâm lý nóng lòng muốn sớm quay lại thị trường lao động ngay.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội), cho biết, đa số lao động thất nghiệp là lao động chính của gia đình, khi mất việc làm, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng. Do đó, người lao động cần có khoản tiền bù đắp thiếu hụt về tài chính mà không chú trọng quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề. Bên cạnh đó, nhu cầu học nghề của người lao động cũng khá đa dạng, không tập trung cùng thời điểm, cùng địa điểm, khiến việc tổ chức lớp học dành cho nhóm lao động đặc thù này gặp khó khăn.
Đặc biệt, mức hỗ trợ đào tạo nghề hiện hành còn thấp, tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng ưu tiên người có trình độ sơ cấp, nên chưa khuyến khích được lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề. Vấn đề “đầu ra” cho một số ngành nghề còn hạn chế nên khó thu hút người lao động...
Bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều tổ chức tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp để thu hút các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, qua đó giúp cho người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề đào tạo. Đặc biệt, Trung tâm luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chỉ mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, mong muốn của người học, bảo đảm đa số học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, với những giải pháp tích cực, tỷ lệ lao động đăng ký học nghề so với số lượng lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp còn thấp, nhưng đã tăng hơn so với trước. Nhiều người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã tìm được việc làm, thậm chí, có nhiều người sau hoàn thành các khóa đào tạo nghề đã bắt nhịp với nền kinh tế số, mở cửa hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, nhiều người lao động đã khởi nghiệp thành công, có mức thu nhập cao hơn công việc họ làm trước khi thất nghiệp.
Để thúc đẩy lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề, hiện nay, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang đề xuất quy định người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có đề nghị hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề trước thời điểm chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hỗ trợ. Nội dung hỗ trợ sẽ bao gồm học phí đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tiền ăn cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Thời gian hỗ trợ tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo khóa học, thời gian học nhưng tổng thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng.
Nguyễn Trang/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-lao-dong-chua-man-ma-voi-hoc-nghe-khi-that-nghiep-post1199665.vov