Người lao động được hưởng lương tối thiểu vùng theo nơi làm việc

Người lao động được hưởng lương tối thiểu vùng theo nơi làm việc
8 giờ trướcBài gốc
Các luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai (cũ, bìa phải) tư vấn pháp luật về lao động cho người dân xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (cũ) nay là xã Xuân Hòa. Ảnh: Đ.Phú.
Theo đó, LTT vùng mà người sử dụng lao động áp dụng để chi trả cho người lao động (NLĐ) căn cứ vào nơi làm việc sẽ có nhiều thay đổi so với trước đây.
Mức lương theo vùng của 95 đơn vị xã, phường
Mức LTT là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức LTT được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
Đồng thời, tại khoản 3, Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, mức LTT được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; tương quan giữa mức LTT và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, để phù hợp với giá tiêu dùng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ quy định mức LTT đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (gọi tắt là Nghị định 74, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) như sau: mức LTT đối với vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng (23,8 ngàn đồng/giờ); vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng (21,2 ngàn đồng/giờ); vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng (18,6 ngàn đồng/giờ); vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng (16,6 ngàn đồng/giờ).
Tỉnh Đồng Nai mới có 95 xã, phường. Mặc dù các xã, phường của 2 tỉnh: Bình Phước (cũ) và Đồng Nai (cũ) có nhiều nét tương đồng về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn còn nhiều xã chưa tương đồng với nhau, với phường và có sự chênh lệch điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, tại Phụ lục I Danh mục địa bàn cấp xã áp dụng mức LTT (Ban hành kèm theo Nghị định 128/2025/NĐ-CP ngày 11-6-2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ), NLĐ làm tại các phường Biên Hòa, Trấn Biên, Tam Hiệp, Long Bình, Trảng Dài, Hố Nai, Long Hưng, Bình Lộc, Bảo Vinh, Xuân Lập, Long Khánh, Hàng Gòn, Tân Triều, Phước Tân, Tam Phước, Phú Lý và các xã Đại Phước, Nhơn Trạch, Phước An, Phước Thái, Long Phước, Bình An, Long Thành, An Phước, An Viễn, Bình Minh, Trảng Bom, Bàu Hàm, Hưng Thịnh, Dầu Giây, Gia Kiệm, Thống Nhất, Xuân Đường, Xuân Đông, Xuân Định, Xuân Phú, Xuân Lộc, Xuân Hòa, Xuân Thành, Xuân Bắc, Trị An, Tân An sẽ được người sử dụng lao động trả lương theo mức tối thiểu vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng (23,8 ngàn đồng/giờ).
Các xã, phường thuộc vùng II với mức LTT 4,41 triệu đồng/tháng (21,2 ngàn đồng/giờ) gồm các phường Minh Hưng, Chơn Thành, Đồng Xoài, Bình Phước và các xã Xuân Quế, Cẩm Mỹ, Sông Ray, La Ngà, Định Quán, Phú Vinh, Phú Hòa, Tà Lài, Nam Cát Tiên, Tân Phú, Phú Lâm, Nha Bích, Tân Quan, Thuận Lợi, Đồng Tâm, Tân Lợi, Đồng Phú, Đak Lua, Thanh Sơn.
Các xã Thiện Hưng, Hưng Phước, Phú Nghĩa, Đa Kia, Phước Sơn, Nghĩa Trung, Bù Đăng, Thọ Sơn, Đak Nhau, Bom Bo, Bù Gia Mập, Đăk Ơ thuộc mức lương tối thiểu vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng (16,6 ngàn đồng/giờ). Các xã, phường còn lại được điều chỉnh bởi mức LTT vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng (18,6 ngàn đồng/giờ).
Trả lương theo nơi ở hay nơi làm việc?
Sau khi hợp nhất 2 tỉnh, vấn đề dịch chuyển lao động giữa các địa phương tất yếu xảy ra, nhất là lao động được dịch chuyển từ vùng có mức LTT vùng thấp, sang vùng có mức LTT cao hơn, hoặc ngược lại. Không ít NLĐ thắc mắc, pháp luật căn cứ vào nơi NLĐ ở (cư trú) để áp dụng LTT vùng hay tại nơi họ làm việc?
Chẳng hạn, nhà chị Điểu Thị Ly (dân tộc S’tiêng) ở xã Phú Riềng (vùng III) nhưng chị làm việc tại xã Thuận Lợi (vùng II). Nay chị muốn xin việc làm cho gần nhà, thì LTT vùng của chị có bị thay đổi không? Hay anh Phùng Văn Tính (dân tộc Hoa) ở xã Phú Trung (vùng III) nhưng làm việc cho một công ty ở xã Thống Nhất (vùng I). Để mở rộng sản xuất, công ty vừa mở thêm một chi nhánh tại xã Phú Trung (vùng III) nên khuyến khích anh về chi nhánh làm việc cho gần nhà. Tuy vậy, anh vẫn chần chừ chưa dám quyết, vì sợ công ty áp dụng mức LTT vùng tại nơi làm việc thì anh sẽ bị thiệt thòi.
Luật gia Nguyễn Xuân Thanh, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai, cho biết khi người sử dụng lao động thỏa thuận với NLĐ trả mức LTT vùng thấp hơn quy định thì thỏa thuận đó không chỉ bị vô hiệu mà còn bị xử phạt tiền từ 20-75 triệu đồng theo khoản 3, Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Giải đáp thắc mắc trên của NLĐ, luật sư Trần Văn Giáp (Đoàn Luật sư tỉnh) chia sẻ, mặc dù pháp luật về lao động quy định, người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức LTT quy định đối với địa bàn đó (điểm a, khoản 3, Điều 3 Nghị định 74). Tuy nhiên, pháp luật cho phép giữa NLĐ và người sử dụng lao động thỏa thuận về tiền lương, tiền công và không được thỏa thuận theo hướng bất lợi cho NLĐ, tức là thỏa thuận trả lương thấp hơn mức LTT vùng được áp dụng tại nơi mà NLĐ làm việc. Do đó, chị Ly và anh Tính vẫn có quyền thỏa thuận với công ty áp dụng mức LTT vùng cao hơn, hoặc bằng nơi anh, chị đã làm việc trước đó.
Đoàn Phú
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202507/nguoi-lao-dong-duoc-huong-luong-toi-thieu-vung-theo-noi-lam-viec-127205d/