Các thành viên của Rider Union kêu gọi ban hành luật quản lý nền tảng trong cuộc biểu tình trước văn phòng Tổng thống ở Seoul. Ảnh: Korea Times
Park Min-seung, 54 tuổi, làm việc 6 đêm/ tuần tại một trung tâm hậu cần của Coupang, từ 6 giờ tối đến 4 giờ sáng. Ông trở về nhà lúc 4:50 sáng, nghỉ ngơi khoảng hai tiếng rồi lại ra ngoài lúc 7 giờ sáng để làm việc tại một cửa hàng tạp hóa cho đến 10:30 sáng.
Từ 11 giờ, ông bắt đầu công việc thứ ba là giao hàng tận nhà trong một khu chung cư gần đó. Lịch trình mệt mỏi của ông kết thúc vào khoảng 1 giờ chiều, rồi tranh thủ nghỉ thêm vài giờ trước khi bắt đầu lại chu kỳ làm việc.
Là một người cha có hai con, ông Park làm việc khoảng 73 giờ mỗi tuần, một con số chưa phản ánh đúng mức độ nặng nhọc của ca đêm, vì luật lao động Hàn Quốc tính giờ làm việc ban đêm cao hơn 1,3 lần do rủi ro sức khỏe. "Lúc đầu tôi rất mệt, nhưng giờ cơ thể đã quen dần," ông chia sẻ.
Dù khối lượng công việc lớn, mức lương của ông gần như không theo kịp tốc độ lạm phát. Công việc chính tại Coupang (công ty giao hàng) là hợp đồng cố định, nhưng mức lương theo giờ chỉ tăng vỏn vẹn 100 won trong năm nay, hiện chỉ nhỉnh hơn 40 won so với mức lương tối thiểu.
"Giá bánh mì, mì ăn liền tăng vọt, trong khi tiền lương gần như không đổi," ông nói. Song ông cho biết không còn lựa chọn nào khác: "Tôi phải làm thêm nhiều việc để chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu," đồng thời kêu gọi chính phủ xem xét kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Lợi nhuận nền tảng tăng vọt, thu nhập người lao động giảm
Trong bối cảnh Hàn Quốc đang chật vật với kinh tế trì trệ và giá cả leo thang, số lượng “N-jobber”, những người làm nhiều việc cùng lúc, đã đạt mức cao kỷ lục.
Theo số liệu chính phủ, quý 2 năm ngoái có tới 676.000 người thuộc nhóm này. Một số là lao động toàn thời gian tìm kiếm thu nhập phụ, nhưng đa phần là người làm bán thời gian hoặc tự kinh doanh chuyển sang làm việc tự do để sinh tồn.
Dù các nền tảng lớn báo cáo doanh thu hàng tỷ đô la, nhiều người giao hàng lại phản ánh thu nhập giảm sút. Kim Gwang-yeon, 55 tuổi, vốn là chủ cửa hàng thịt, bắt đầu làm nhân viên giao hàng đầu năm nay khi gần đến hạn trả nợ khoản vay kinh doanh nhỏ từ gói hỗ trợ Covid-19.
“Tôi nhận ra mức hoa hồng nền tảng thu quá cao,” ông nói. “Nền tảng lấy phần trăm từ cả nhà hàng và người giao hàng. Sau khi trừ bảo hiểm và hoa hồng, tôi chỉ nhận được khoảng 2.500 won trong tổng 3.000 won phí giao hàng.”
Ứng dụng Baedal Minjok gần đây thống nhất giá giao hàng thành mức cố định 2.500 won, thay thế cho mức giá trước đây là 2.200 won cho dịch vụ giao trọn gói và 3.000 won cho giao hàng tại một địa điểm.
Người giao hàng phản đối động thái này, xem đây như một hình thức cắt giảm thu nhập thực tế. Vì nền tảng và người lao động tự do nằm ngoài phạm vi luật lao động, họ thường chịu thiệt thòi trước những quyết định trả lương đơn phương từ công ty.
Kwon Soo-yong, 55 tuổi, là một N-jobber điển hình. Ông đã làm ba công việc trong hai năm qua. Dù làm gia sư riêng trong nhiều thập kỷ, ông không được hưởng chế độ bảo vệ lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội do hợp đồng không chính thức.
Ông làm việc bảy ngày mỗi tuần: giao hàng vào sáng sớm, dạy kèm buổi chiều và tối, và giao đồ ăn cuối tuần. Với ba con, trong đó có một học sinh chuẩn bị thi đại học, ông chia sẻ đang rất vất vả để nuôi sống gia đình.
Cần cải thiện bảo vệ pháp lý và bồi thường
Việc đóng cửa các doanh nghiệp nhỏ tăng mạnh khi kinh tế khó khăn. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, số lao động tự do giảm 6.000 người vào tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, trong khi đơn xin trợ cấp đóng cửa doanh nghiệp gần đạt hạn ngạch 30.000 hồ sơ trong năm.
Các chuyên gia cho rằng chính phủ và doanh nghiệp cần hành động để bảo vệ người lao động tự do và N-jobber. Oh Min-kyu, thành viên Liên minh Công nhân Nền tảng Hàn Quốc, kêu gọi áp dụng luật bắt buộc chế độ nghỉ phép có lương và nghỉ ốm cho người lao động nền tảng và tự do.
Ông cũng đề xuất mở rộng quyền tiếp cận các chương trình bảo hiểm công, vì nhiều người lao động phải tự chi trả toàn bộ chi phí y tế và hưu trí.
Ông Ryu Hyun-cheol, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Môi trường Làm việc, nhấn mạnh cần mở rộng định nghĩa người sử dụng lao động theo luật, bao gồm cả “đơn vị tiếp nhận dịch vụ lao động” nhằm tăng cường kiểm soát và bảo vệ sức khỏe.
Ông cũng khuyến nghị các nền tảng và khách hàng nên đóng góp tài chính để bảo vệ sức khỏe cho những người làm nhiều công việc hoặc công việc không ổn định.
Theo Korea Times
N.THANH