Người lao động 'nằm mơ' nhà ở xã hội

Người lao động 'nằm mơ' nhà ở xã hội
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 18/2, lãnh đạo TPHCM đã gặp gỡ, đối thoại với đảng viên công nhân, cán bộ công đoàn tiêu biểu.
Mơ về nhà ở xã hội
Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty CP Thương mại cơ khí Tân Thanh đề xuất công đoàn cấp trên cần tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ công đoàn bài bản, có đủ năng lực, trình độ để việc điều hành hoạt động của cơ sở được toàn diện hơn, tốt hơn. “Hiện cán bộ CĐCS hoạt động chưa bài bản, một bộ phận cán bộ công đoàn kiêm nhiệm mới ở mức tập huấn chuyên đề nên còn hạn chế”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng đề nghị Công đoàn cấp trên cùng nhà nước đẩy mạnh các giải pháp nhằm mang đến cuộc sống tốt hơn cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), đảm bảo đồng lương của họ được tốt hơn và có thể tích lũy. “Hiện thu nhập của đoàn viên, NLĐ chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt nên việc tích lũy rất khó, “nằm trong mơ” để có một căn nhà ở xã hội (NOXH)”, ông Hùng nhìn nhận và cho rằng TPHCM cần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động về NOXH để đoàn viên, NLĐ được thuê nhà với giá tốt nhất hoặc bán với giá ưu đã để họ ổn định, an tâm góp phần phát triển kinh tế thành phố.
Ông Củ Phát Nghiệp trao đổi tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Ngô Tùng.
Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyuen Việt Nam - nhìn nhận, hiện nay tại TPHCM đơn hàng của doanh nghiệp nhiều nhưng lao động không đủ vì các tỉnh, thành đều có khu công nghiệp và thu hút họ. Mặt khác, NLĐ nghĩ rằng làm ở quê sẽ no ấm, hạnh phúc hơn vì được ở gần gia đình, gần bố mẹ, vợ con. Trong khi đó, khi vào TPHCM thì phải lo nhà ở, khó dư dả. Theo ông Nghiệp, NOXH là nhu cầu lớn nhất của đoàn viên, NLĐ nói chung. Công nhân rất mong có NOXH sớm để an cư sinh sống, góp phần ổn định, phát triển đơn vị, phát triển thành phố.
“Nhiều cặp vợ chồng nói rằng họ rất muốn vào TPHCM để ở nhưng không đủ sống, xa gia đình, con cái; vào thành phố làm việc phải gửi con cái cho nội, ngoại ở quê. Xa gia đình họ nhớ nhung da diết, công việc cũng bị ảnh hưởng. Cho nên họ mong rằng nếu có NOXH họ rất sẵn sàng gắn bó, ổn định với công việc tại TPHCM bởi đây là nơi “đất lành chim đậu”, ông Nghiệp chia sẻ.
Nữ đảng viên, giáo viên Lê Phương Thảo.
Bà Lê Phương Thảo - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Thái Bình thuộc Công đoàn ngành giáo dục TPHCM - cho biết, những giáo viên, viên chức ngành giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT có nhu cầu rất lớn về NOXH. Theo bà, hiện TPHCM đã quan tâm rất nhiều và có chính sách dành cho NOXH, tuy nhiên để ngành có thể tiếp cận gần hơn với NOXH thì thành phố cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn.
Bà Thảo cũng mong lãnh đạo thành phố quan tâm định hướng để hoạt động Công đoàn, phong trào công nhân viên chức thành phố tiếp tục đạt nhiều kết quả. Để từ đó, giáo viên tiếp tục được chăm lo, bảo vệ quyền lợi, được phát triển tay nghề và giao lưu học hỏi, nhất là với các hiệp hội giáo dục khu vực trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ký những thỏa ước tốt hơn cho NLĐ
Trao đổi tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - ghi nhận, những thành quả chung của thành phố có sự đóng góp rất quan trọng của cả hệ thống Công đoàn và phong trào thi đua yêu nước của giai cấp công nhân, viên chức, NLĐ thành phố, của đội ngũ cán bộ Công đoàn, công nhân lao động và cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc trao quà đầu năm mới đến các cán bộ Công đoàn tiêu biểu.
Lãnh đạo Thành ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Công đoàn triển khai nhiệm vụ chính trị đảm bảo phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác tham mưu; đồng bộ với việc chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Công đoàn với khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, đồng bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho rằng thông qua đối thoại, ký kết thỏa ước lao động sẽ góp phần để doanh nghiệp tạo phúc lợi, điều kiện lao động tốt hơn cho NLĐ. Bên cạnh đó, cán bộ Công đoàn tiêu biểu cũng cần tiếp tục làm tốt hơn trong vai trò đại diện cho đoàn viên, NLĐ. Đồng thời, tổ chức đối thoại với chủ sử dụng lao động, nhất là những vấn đề tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc của NLĐ. “Chúng ta làm sao có thể ký kết được những thỏa ước lao động có nhiều nội dung mang lại tốt hơn luật quy định”, ông Phan Văn Anh lưu ý.
Lãnh đạo Tổng LĐLD cũng cho rằng, đảng viên công nhân lao động là những nòng cốt, tiên phong đi đầu trong nâng cao tay nghề, từ đó có thêm nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất giúp bản thân có được thu nhập tốt hơn.
Ngô Tùng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nguoi-lao-dong-nam-mo-nha-o-xa-hoi-post1718118.tpo