Người lao động nước ngoài có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên tại Việt Nam được gia nhập công đoàn

Người lao động nước ngoài có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên tại Việt Nam được gia nhập công đoàn
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với Luật hiện hành. Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số điểm mới cơ bản. Theo đó, người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ công đoàn) của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
Theo dự thảo Luật quy định: Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở; Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các đại biểu bấm nút thông qua luật.
Liên quan đến việc có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện gia nhập công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Khoản 5 Điều 4 quy định “Cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn”, bao gồm cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.
Đối với người lao động là công dân nước ngoài khi gia nhập Công đoàn thì không được ứng cử, nhận đề cử làm cán bộ công đoàn và chỉ hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
Tại Khoản 7 Điều 10 cũng quy định cấm “Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân”. Khoản 3 Điều 5 quy định “Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Từ những phân tích trên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các điều kiện tự nguyện, tán thành tôn chỉ, mục đích của Công đoàn hay thời gian cư trú tại Việt Nam sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam và do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn cụ thể. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Xác định và phân định rõ “Công đoàn Việt Nam” với “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, quy định rõ 4 cấp công đoàn. Đồng thời, khẳng định “Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động”; Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn;
Cùng với đó bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn và Chính phủ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
Tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ;
Bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ hai năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, định kỳ hai năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn nhằm thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 2 là “Duy trì nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Kể từ khi có Luật Công đoàn năm 1957, kinh phí công đoàn được thực hiện liên tục, việc duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn nhằm chăm lo cho người lao động là chủ yếu và bảo đảm hoạt động của Công đoàn, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa;
Mặt khác, kinh phí công đoàn được sử dụng phần lớn tại cơ sở (hiện nay là 75%) để chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Doanh nghiệp có càng đông công nhân lao động thì càng cần nhiều kinh phí để chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động.
Do vậy tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp ít hay nhiều công nhân lao động. Bên cạnh đó, kinh phí công đoàn được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp;
Việc duy trì kinh phí công đoàn cũng là nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua Công đoàn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mức kinh phí công đoàn 2%.
“Việc quy định như dự thảo Luật không đồng nghĩa với việc mọi chế độ, định mức cụ thể, chi tiết nào cũng phải có sự thống nhất của Chính phủ, Công đoàn vẫn có quyền chủ động của mình trên cơ sở các nguyên tắc do Công đoàn và Chính phủ thống nhất xác lập (như hiện nay). Đây cũng là phương án lựa chọn của Chính phủ”, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết.
Nhĩ Anh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/nguoi-lao-dong-nuoc-ngoai-co-hop-dong-lao-dong-tu-12-thang-tro-len-tai-viet-nam-duoc-gia-nhap-cong-doan.htm