Những ngày cận kề 30-4 năm nay, ông Tạ Xuân Tựu và ông Đinh Văn Tỵ cùng nhớ lại ký ức về ngày vui đại thắng 50 năm trước.
“Vẹn nguyên ký ức, in sâu đáy lòng...”
Hơn 50 năm trước, chàng thanh niên Tạ Xuân Tựu rời quê hương Phổ Yên, lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 21 tuổi. Là lính công binh thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 219, Quân đoàn 2, ông cùng đồng đội trải qua chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, từng “nằm gai nếm mật” giữa mưa bom bão đạn.
Tại Quảng Trị, giữa chiến trường ác liệt, ông và đồng đội đã thực hiện tốt việc mở đường chiến thuật dưới làn đạn pháo, rà phá bom mìn để xe quân ta tiến công an toàn. Có trận ác liệt đến mức, đơn vị ông bị địch phát hiện, pháo địch câu như mưa. Trận đó, nhiều đồng đội ông hy sinh. Cũng có khi, đồng đội sốt rét nằm la liệt, chỉ có ông cùng chính trị viên lết ra được, ép ngực vào rễ cây mà trốn. Sức ép pháo khiến ông điếc một tuần, họp giao ban phải viết giấy.
Những kỷ niệm chiến trường không chỉ là những giây phút cận kề cái chết mà còn có niềm tự hào. Ông Tựu vẫn nhớ mãi ngày 4/3/1974, khi được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường Thừa Thiên – Huế, giữa tiếng pháo vọng xa. “Tôi như có thêm sức mạnh. Trở thành người đảng viên, tôi thấy trách nhiệm với Tổ quốc còn lớn hơn cả mạng sống của mình.”
Trái ngược với sự lặng lẽ, trầm ngâm của ông Tựu, ông Đinh Văn Tỵ mang nét hóm hỉnh, tếu táo của người lính từng quen sống giữa cái chết. Năm 1973, dù là con trai một, được miễn nghĩa vụ, ông vẫn xung phong nhập ngũ với khát vọng cống hiến của tuổi trẻ vì độc lập tự do của dân tộc.
Gia nhập Lữ đoàn 299, Quân đoàn 1, sau thời gian huấn luyện, ông Tỵ trở thành người vừa biết lái xe vừa có kỹ thuật giỏi sửa chữa xe mô tô. “Mắt nhìn, tai nghe, tay làm, tôi hiểu xe bị thương chỗ nào, sửa được chỗ đó. Đồng đội vẫn trêu tôi yêu xe như yêu con, hiểu xe còn hơn hiểu vợ...” – ông cười hóm hỉnh.
Cuối năm 1974, ông Tỵ là tiểu đội phó tiểu đội xe con của Lữ đoàn 299, lên đường hành quân xuyên rừng núi Trường Sơn sang chiến trường Lào. Có lúc, xe bị mìn chết máy giữa đường, ông chui xuống sửa suốt đêm. Có lần khác, xe thông tin bị cháy, một mình ông hì hục phục hồi từng chi tiết để đơn vị kịp thời vào chiến trường phục vụ chiến đấu.
Đến cuối tháng 3-1975, ông Tỵ cùng đơn vị hành quân truy kích địch, từ Huế - Đà Nẵng - Phan Rang - Phan Thiết - Đồng Nai. Trận nào cũng có đồng đội ngã xuống, nhưng ý chí giải phóng miền Nam luôn thôi thúc từng bước chân ông và những người lính quả cảm.
Ký ức ngày đất nước "nở hoa" thống nhất
Sau những ngày hành quân qua bao miền đất, giờ đây, ký ức trong ông Tỵ lại ùa về, rõ nét như mới hôm qua, ngày đại thắng cách đây 50 năm trước. Ông hồi tưởng: Ngày 30/4/1975, tôi cùng đơn vị từ Bình Dương tiến về Sài Gòn, nghe tin giải phóng, cả đơn vị dừng xe reo hò nhìn hai bên đường, cờ vẫy như hội, người dân mời nước, tiếp tế lương thực cho bộ đội trong không khí tự do, hân hoan.
Còn ông Tựu, sáng 30/4/1975, ông cùng đơn vị bảo vệ cầu Đồng Nai, một trọng điểm chiến thuật quan trọng của ta. Khi loa phát thanh vang lên giọng nói của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ai nấy òa khóc. Có người bắn chỉ thiên, hô lớn “Sống rồi! Sống rồi! Giải phóng rồi!”. Tiếng reo vang dội dưới trời xanh tự do… Ông Tựu rưng rưng nhớ lại.
Niềm vui của các cựu chiến binh phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) khi ôn lại chuyện chiến trường và ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những ngày hòa bình đầu tiên in đậm trong ký ức ông Tựu là người dân hai bên đường cầm cờ đỏ sao vàng, vẫy tay, khóc cười, ôm lấy người lính. “Tôi cảm thấy chưa bao giờ trái tim mình đập mạnh đến thế”, ông nói.
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 2 của ông Tựu được phong tặng danh hiệu Tiểu đoàn Anh hùng, còn ông với những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 3.
Giữ mãi niềm tin
50 năm trôi qua, mỗi lần gặp nhau, hai người lính công binh vẫn kể mãi những ngày tháng cũ. Không chỉ là ký ức, đó là những bài học, là niềm tin, là sức mạnh để thế hệ sau biết trân quý hòa bình. “Tôi tự hào vì mình đã góp một viên gạch nhỏ dựng nên ngày 30-4 lịch sử” - ông Tỵ nói. Còn ông Tựu thì rưng rưng: “Tôi không bao giờ quên hình ảnh đồng đội nằm lại chiến trường...”
Giờ đây, trong ký ức hai cựu chiến binh, mỗi địa danh Quảng Trị, Đồng Nai… đều mang bóng hình đồng đội. Không ít người đã ngã xuống ngay trước thềm chiến thắng. Cũng vì thế, ngày vui ấy không chỉ là niềm hạnh phúc cá nhân, mà là kết tinh máu xương của hàng triệu người lính, hàng triệu gia đình. “Giải phóng miền Nam không chỉ là ngày độc lập dân tộc, mà là ngày nhân dân ta lấy lại quyền sống, quyền làm người”, ông Tỵ xúc động.
Sau chiến thắng, ông Tựu tiếp tục phục vụ trong ngành địa chính cho đến năm 2009 thì nghỉ hưu. Còn ông Tỵ chuyển ngành về công ty du lịch, sau đó làm tổ trưởng tổ dân phố hàng chục năm. Giờ đây, mỗi năm đến ngày 30-4, hai ông lại gặp nhau, kể lại những câu chuyện xưa về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, chuyện về những ngày sống chết có nhau và ngày đất nước nở hoa độc lập.
Những ngày cận kề 30-4 năm nay, trong tiếng ve gọi hè râm ran, tôi nghe âm thanh rộn vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” mà không khỏi trào dâng tự hào, biết ơn những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Thế hệ trẻ chúng tôi càng hiểu, để có được non sông Việt Nam nối liền một dải hôm nay, đằng sau đó là máu xương, nước mắt của biết bao những người lính. Bởi vậy, niềm vui ngày 30-4 không chỉ là niềm vui của một chiến thắng, mà còn là niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất, rằng tất cả sự hy sinh ấy đã được đáp đền bằng một đất nước độc lập, tự do.
Duy Phương