Người lính pháo binh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Người lính pháo binh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
11 giờ trướcBài gốc
CCB Trần Đình Hoàn chăm sóc vườn cây ăn quả.
Năm nay, ông đã bước sang tuổi 76, mái đầu bạc trắng nhưng vẫn còn minh mẫn, ông chậm rãi kể cho chúng tôi về những tháng ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 18/9/1965, ông cùng 19 thanh niên lên đường nhập ngũ, sau 3 tháng huấn luyện ở Hòa Bình, được biên chế vào đại đội bắn tỉa và tiếp tục huấn luyện ở trường bắn Miếu Môn. Đầu tháng 6/1966, ông được biên chế vào Trung đoàn 32 và nhận lệnh vào chiến trường. Lên tầu hỏa ở ga Thường Tín vào đến Thanh Hóa, thì bắt đầu hành quân bộ theo đường Trường Sơn.
Những ngày hành quân, là những ngày gian khổ, mỗi chiến sĩ được trang bị một khẩu AK, 4 băng đạn, quân tư trang và 7 ngày gạo đựng trong ruột tượng khoác chéo vai. Rừng Trường Sơn rậm rạp, dây leo chằng chịt, cả đoàn quân cứ lặng lẽ đi theo người giao liên dẫn đường, dốc lên thẳng đứng, cằm người đi sau chạm gót chân người đi trước, gai cào rách áo, đá tai mèo cứa chảy máu tay. Sợ nhất là muỗi rừng và sốt rét, đêm ngủ võng, mắc màn, nhưng cũng không tránh được muỗi đốt, chỉ sau hơn chục ngày nhiều chiến sĩ đã bị sốt rét.
Vào đến đất Quảng Bình, thì bị địch ném bom, phải chuyển sang hành quân đêm. Chập tối tranh thủ đào bếp Hoàng Cầm nấu ăn xong là lên đường, nhiều khi mưa dai dẳng cả tuần không nấu được cơm, phải chia nhau từng miếng lương khô. Cũng có khi vừa đào xong bếp Hoàng Cầm, chưa kịp nấu thì nhận lệnh cấp trên đơn vị nằm trong tọa độ của B52, vậy là phải hành quân gấp.
Cũng theo lời ông kể: Sau hơn 5 tháng, đơn vị ông vào đến Tây Ninh - Bình Long. Ông có sức khỏe tốt, nên biên chế vào đại đội súng cối có nhiệm vụ phối hợp đánh tập kích vào tuyến phòng thủ, gây khó khăn cho địch trong việc bảo vệ các khu đô thị xung quanh Sài Gòn và làm tan rã âm mưu lập ấp chiến lược của địch.
Ông Hoàn nhớ lại: Cả đại đội khi đó chỉ có một khẩu cối 82mm và một khẩu DKZ, trận đầu tiên đánh vào bốt Cần Lê ở Bình Long. 11 giờ đêm quân ta khai hỏa, sau mấy phút bắn cấp tập, thì phải rút lui. Liên tiếp sau đó, ban ngày ngụy trang dấu pháo, đào hầm tránh địch càn quét, đêm đến bắn vào đồn, gây cho địch hoang mang. Năm 1969, tôi được giao nhiệm vụ Trung đội phó, đơn vị được trang bị thêm cối 120mm và mở rộng phạm vi hoạt động ra Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ban ngày, cử bộ đội đi trinh sát, đánh dấu tọa độ, đêm bắn vào đồn, gây thiệt hại lớn cho địch. Để đối phó, địch mở các cuộc càn lớn, với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép cùng bộ binh, đơn vị phải hiệp đồng cùng các đơn vị bộ đội địa phương tổ chức đánh lui quân địch.
Đầu năm 1975, đơn vị ông được trang bị thêm pháo 155mm và nhận lệnh ra thị xã Xuân Lộc, cách Sài Gòn khoảng 80 km chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại đây, địch tập trung lực lượng xây dựng Xuân Lộc thành “cánh cửa thép” để bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn. Những trận đánh diễn ra hết sức ác liệt, ngoài pháo binh, bộ binh ta có sự yểm trợ của xe tăng.
Địch rất mạnh, chúng bố trí quân trong những rừng cao su, với sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, liên tiếp phản công. Một lần đơn vị ông bị lữ đoàn dù địch bao vây, mất liên lạc, vũ khí, lương thực cạn kiệt, cả đơn vị hy sinh chỉ còn mấy chục người.
Sau hơn một tuần, quân ta vào giải vây, lúc này mọi người gần như kiệt sức, ôm nhau mừng rơi nước mắt. Ngày 28/4, đơn vị ông tiến vào Hố Nai, Biên Hòa, ngày 30/4, khi còn cách Sài Gòn khoảng 30 km, thì được tin quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập. Sau đó, đơn vị ông đóng quân ở khu vực cầu Thị Nghè. Cuối năm 1975, ông được về phép và cưới vợ. Ông Hoàn bảo: 19 thanh niên trong xã nhập ngũ cùng ngày, thì chỉ còn ông và 4 người khác trở về.
Trở lại đơn vị, ông được phong quân hàm Thiếu úy, Chính trị viên đại đội. Năm 1978, đơn vị ông vào Châu Đốc, An Giang chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, cuối năm 1979, lại được lệnh lên tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc.
Năm 1982, ông phục viên, năm 1983, ông đưa gia đình lên lập nghiệp ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn và có 20 năm làm Tiểu khu trưởng. Giờ đây, sức khỏe yếu, nhưng hằng ngày ông vẫn giúp con cháu những việc nhỏ trong nhà, chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Bài, ảnh: Ngọc Thuấn
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc/nguoi-linh-phao-binh-trong-chien-dich-ho-chi-minh-4plhTixNg.html