Người lính thép mang trái tim quả cảm

Người lính thép mang trái tim quả cảm
4 giờ trướcBài gốc
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Mầu với tấm dù - chiến lợi phẩm mang về từ mặt trận phía Nam.
"Tôi cũng như những quân nhân tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược khác. Chúng tôi đã sống và chiến đấu không phải vì tấm huân, huy chương hay để lấy danh hiệu dũng sĩ, mà vì một Việt Nam thống nhất." - Câu chuyện về “Một thời hoa lửa” của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Mầu dành cho chúng tôi được khai mở bằng sự khiêm tốn như vậy. Nhưng tôi nhận thấy khí chất hào hùng của người lính năm xưa được khơi lên trong ánh mắt tự hào của một cựu chiến binh đã xấp xỉ tuổi “bát tuần”.
Ông nói ôn tồn: Đất nước có chiến tranh, nam nhi có mấy ai ở nhà, tất cả đều mang chí hướng ra mặt trận. Thế hệ của chúng tôi là như thế.
Bên ấm trà, không khí như quánh đặc lại mùi khói đạn bom, bởi từng câu chuyện xưa như thức lại những trận đánh đầy cam go ác liệt. Nhấp ngụm trà như để hồi tưởng lại chính xác, ông Mầu tiếp tục câu chuyện: Tôi có 7 anh chị em, 2 gái, 5 trai. Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhà tôi có 4 anh em trai lên đường. Người anh trai trên tôi nằm lại chiến trường không trở về. Còn tôi mang trên mình đầy thương tích.
Ông chỉ cho tôi xem những vết sẹo đen đúa ở nách, tay, chân và ở mông. Ông nói vô tư: Đó là chiến tích của một thời trai trẻ, là những trận đánh đối địch, là những tấm huân, huy chương và danh hiệu dũng sĩ tôi đang đeo trên ngực áo mình. Chợt từ đôi mắt của người cựu chiến binh già lăn dài giọt nước trong veo: Nhiều đồng đội tôi đã ngã xuống ngay trong trận đánh, còn tôi được may mắn trở về.
Ngược dòng thời gian, năm 1965, tròn 17 tuổi ông Mầu nhập ngũ. Sau khi tham gia đợt huấn luyện 1 tháng, làm quen với một số vũ khí, đạn dược, ông và đồng đội được đưa vào đơn vị rèn luyện để bổ sung quân cho mặt trận miền Nam. 6 tháng ở đơn vị rèn luyện đi B mới thật sự là một thao trường, ngày nào cũng đeo trên lưng 20kg đất; súng AK, đạn dược và lỉnh kỉnh bi đông nước, cơm khô tập hành quân qua các địa hình khác nhau, vừa rèn luyện tinh thần dẻo dai, vừa học tập chính trị. Ngày nào mồ hôi cũng ướt đầm lưng áo, nhưng không thấm vào đâu khi chính thức được bổ sung vào đoàn quân Nam tiến. Với ông, cuộc chiến đấu thực sự bắt đầu.
Hơn 120 ngày hành quân dưới tán rừng rậm rì dày đặc muỗi, vắt. Măng rừng, rau dại ăn thay bữa. 3 lần bị sốt rét quật xuống phải nằm lại các trạm y tế tiền phương. Chỉ cần có sức ngồi dậy húp nổi lưng cháo là có lệnh bổ sung ngay vào đoàn quân hướng về nơi đạn lửa. Cứ dọc theo các dòng sông Sê Băng Hiêng; Nậm Bạc, qua cao nguyên Balaven; Đắc Tà Oọc… dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào mà đi. Chưa kể những trận bom thù bất chợt rơi vào đội hình. - ông kể
Sốt rét ác tính và bom thù làm nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên dọc đường hành quân. Nhưng dưới những tán rừng, trên con đường mòn vẫn “nô nức” bước chân bao gái, trai quả cảm, qua các vùng đất Đắk Nớ, Đăk Chanh, Prong Mí, Prong Mẹt để tập kết bên dòng sông Xê Ka Máng. Sau ít ngày nghỉ ngơi, ông được bổ sung vào Sư đoàn quân tiên phong, trực tiếp chiến đấu tại Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31.
- Ông có nhớ mình trực tiếp cùng đơn vị đánh bao nhiêu trận không? -Tôi hỏi.
- Đánh nhiều lắm. Lính mà, nhớ sao nổi. - Ông trả lời.
Nhìn mảnh dù - chiến lợi phẩm ông mang về từ chiến trường miền Nam. Phải mất ít phút trầm tư, tĩnh trí để nhớ lại những ký ức đạn bom, ông trở lại với câu chuyện bằng cách nói chậm rãi: Hơn 50 năm trôi qua rồi, dù khi trái gió trở trời vết thương trên cơ thể vẫn nhức nhối và tuổi cao, sức khỏe hạn chế nên tôi không nhớ được logic về thời gian của từng trận đánh. Nhưng chi tiết của trận đánh thì tôi nhớ, có thể nói là cực kỳ khủng khiếp... trực diện với bom đạn mà anh.
Chiêu ngụm chè để nén cơn xúc động, ông tiếp tục câu chuyện: Phải rồi, đó là trận đơn vị đánh trực diện với Mỹ, Ngụy tại Hương An - Bà Rén (Quảng Nam). Trận địa của đơn vị tan nát vì địch dùng máy bay đánh bom dọn bãi, rồi pháo hạng nặng dội cấp tập như mắt sàng, sau đến xe tăng kéo theo bộ binh tràn vào. Tất cả chúng tôi phải ép người xuống mặt đất, đợi địch đến gần mới khai hỏa. Trận đó ngoài diệt địch bằng súng AK, tôi còn sử dụng Đại liên, súng máy phòng không 12,7mm và hỗ trợ đồng đội bắn B40. Trận đánh kéo dài từ sáng sớm đến tối, xác địch, xác xe tăng ngổn ngang. Đơn vị tôi cũng mất một nửa quân số.
Có lẽ lâu lắm rồi ông mới có chút rảnh để ngồi kể lại câu chuyện sinh - tử đời mình trước hòn tên, mũi đạn. Nên tôi nhận ra ở khóe mắt ông ánh lên một niềm kiêu hãnh của người chiến thắng. Ông tiếp tục: Tôi chủ yếu chiến đấu ở Quảng Nam. Anh có biết không, chốt Đồn Chùa, vị trí đơn vị chốt đánh máy bay Mỹ theo chiến thuật “Công đồn diệt viện”. Đó là điểm chốt bộ đội ta hy sinh rất nhiều nên thường xuyên phải bổ sung quân. Lần đó, tôi cùng 1 chiến sĩ khác lên làm nhiệm vụ đánh máy bay Mỹ. Đánh thông đêm thì được lệnh rút lại tuyến sau. Vừa rời trận địa về đến căn cứ thì địch cho máy bay đánh bom cấp tập, san phẳng chốt Đồn Chùa.
Có trận chiến nào không tàn khốc bởi đạn bom. Cũng ở đó, bộ đội ta thể hiện được bản lĩnh dũng cảm và sự mưu lược. Ông Mầu tự hào: Đánh trận Núi Tịnh, tôi được giao làm Đại đội trưởng. Chốt núi Tịnh quân địch bố phòng nghiêm ngặt, song Đại đội tổ chức công phá hiệu quả, toàn bộ lực lượng địch bị tiêu diệt. Thừa thắng, Đại đội đánh hạ tiếp bốt Gò Đá thành công. Điểm lại quân số, Đại đội không có cán bộ, chiến sĩ bị thương vong.
Tinh thần lạc quan được nhân lên, Đại đội do ông Mầu chỉ huy đánh tiếp các căn cứ địch tại động Mông Đa Hàm; ấp Lạc Sơn. Trận nào cũng giành chiến thắng, được Sư đoàn khen thưởng.
Trải qua nhiều trận mạc, tôi luyện trong đạn bom thù làm ý chí người lính như ông Mầu trở lên sắt đá, song trong lồng ngực vẫn mang trái tim hồng đập nhịp “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Tháng 3-1968, ông được kết nạp vào Đảng và tiếp tục cùng đồng đội đi vào các trận đánh.
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Mầu (thứ 2 từ phải vào) trò chuyện cùng các cựu chiến binh phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên).
Đại đội tôi chỉ huy luôn được trên lựa chọn đánh thọc sâu. Ông Mầu nhớ lại: Năm 1972, Đại đội phối hợp với các đơn vị khác cùng Tiểu đoàn đánh bốt Núi Kiến (Quế Sơn, Đà Nẵng). Đối với tôi thì đó là trận đánh khủng khiếp nhất. Chúng tôi phải hành quân vượt qua khu đầm lầy; vượt tiếp 7 hàng rào kẽm gai bùng nhùng mới tiếp cận được vị trí để đánh địch. Bộ đội mở màn bằng phát đạn B41 làm gẫy cờ địch. Ngay lập tức trong bốt đạn bắn ra như vãi chấu. Chúng tôi vẫn trườn lên để ném lựu đạn vào trong bốt.
Ta quyết đánh, địch quyết giữ. Trong khi Đại đội không có chi viện, còn bên địch cho máy bay chà xát mặt đất, dùng đại liên bắn xuống bất cứ chỗ nào nghi có bộ đội nằm ém. Chúng tôi lợi dụng các hốc đá trú ẩn, đánh trả. Đánh từ 3 giờ sáng đến 12 giờ trưa, Đại đội còn 7 người, trong khi đó tôi bị thương ở nách, tay phải, lưng và cẳng chân phải. 1 đồng chí bị thương ở bụng phải dùng bát úp vào mới băng bó để ruột không lòi ra ngoài. 1 đồng chí bị thương vào cằm. Song chúng tôi vẫn lợi dụng vào các hốc đá, bám trụ. Địch cứ nhoi đầu ra khỏi bốt là tôi nảy cò, làm chúng khiếp sợ không dám lò mặt ra ngoài.
Chợt trên đầu máy bay trực thăng địch bay xà rất thấp, dùng loa gọi tôi và các chiến sĩ còn lại ra chiêu hàng. Tôi phát hiện trong Đại đội có 1 chiến sĩ bị địch bắt đã khai ra tên tôi và tên đơn vị. Trong hoàn cảnh đói, khát, sức khỏe cạn kiệt và có người bị thương, một chiến sĩ ấp úng:
- Anh Mầu, ra chiêu hàng để được sống?
- Nếu đồng chí nào ra chiêu hàng, tôi lập tức xử bắn. - Tôi quả quyết. Rồi huấn thị chiến sĩ: Chúng ta sẽ chiến đấu, chỉ dành lại 1 quả lựu đạn cuối cùng cho mình để kéo theo kẻ địch.
Gọi loa chiêu hồi chán, mấy cái máy bay phành phạch lao đi. Bọn lính trong bốt cũng không dám ra. Đợi trời tối hẳn, chúng tôi cũng cáng nhau rút ra ngoài. Về đến hậu cứ, tôi lả đi trong vòng tay đồng đội… Tôi tiếp tục phục vụ trong quân đội đến tháng 9-1975 thì trở về với gia đình. Khi đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi. Người thân hân hoan chào đón tôi trong nước mắt. Ai cũng nhắc: 10 năm biền biệt không một lá thư. Rồi đài địch nói “bộ đội Mầu đã chết tại trận đánh bốt Núi Kiến”.
Tất cả đã đi vào hoài niệm. Những Huân, Huy chương trên ngực áo, những giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ, Ngụy, xe cơ giới thành kỷ niệm thời trai buổi đất nước có chiến tranh. Vâng! Tất cả những ký ức hào hùng của một thời đạn lửa được khép lại để mở ra một tương lai tươi đẹp cùng khúc hát khải hoàn trọn vẹn.
Cao Nguyên
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/nguoi-linh-thep-mang-trai-tim-qua-cam-80a1da4/