Người lớn mắc sốt xuất huyết có bị biến chứng nguy hiểm không?

Người lớn mắc sốt xuất huyết có bị biến chứng nguy hiểm không?
3 giờ trướcBài gốc
Anh Đậu Đình H. (31 tuổi), trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, trong khi đang đi làm bất ngờ cảm thấy ớn lạnh, sau đó người nóng toát mồ hôi. Những ngày tiếp theo, anh mệt mỏi hơn, xuất hiện tình trạng sốt cao liên tục, đau nhức cơ thể, xuất huyết dưới da, đau đầu, buồn nôn và không ăn uống được. Lo lắng, anh đến Bệnh viện Đa khoa TP Vinh kiểm tra và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, buộc phải nhập viện theo dõi.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy Hct 54,5%, TC 109G/l, men gan tăng cao (GOT/GPT: 86.6/52.2 U/L). Nhờ được điều trị kịp thời, anh H. đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm của bệnh.
Chia sẻ về tình trạng của mình, anh H. cho biết: 'Khu dân cư nơi tôi sống và chỗ làm chưa ai mắc bệnh, nên tôi cứ nghĩ chỉ là sốt thông thường. Vì chủ quan tự điều trị, tôi không ngờ bệnh lại diễn biến nghiêm trọng hơn".
Người dân tẩm màn bằng hóa chất để phòng muỗi.
Anh Phạm Ngọc S. (40 tuổi), trú tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, nhập khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh để điều trị sốt xuất huyết Dengue. Trước đó, anh bị sốt cao liên tục suốt 5 ngày, kèm theo các triệu chứng như đau mỏi toàn thân, xuất huyết dưới da, đau đầu và buồn nôn. Dù đã tự uống thuốc hạ sốt tại nhà, tình trạng bệnh vẫn không cải thiện.
Sau khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán anh bị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo. Kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu 8G/l, chỉ số Hct 51,4%, siêu âm bụng phát hiện tràn dịch đa màng. Anh đã được điều trị tích cực 10 ngày tại viện và vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Anh S. chia sẻ: "Bình thường tôi hay chơi thể thao và rất khỏe mạnh, gia đình tưởng tôi chỉ bị cảm cúm, không ngờ lại nặng đến vậy," anh S. cho biết.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 25 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó nhiều trường hợp nặng dù bệnh nhân trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Các bác sĩ nhận định, người lớn khi mắc sốt xuất huyết thường có nguy cơ bệnh nặng hơn trẻ em và dễ gặp biến chứng như sốc, suy gan, hoặc suy thận, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền.
Một nguyên nhân khác là tâm lý chủ quan. Nhiều người cho rằng người lớn có sức đề kháng tốt hơn, khó mắc bệnh nặng như trẻ em nên thường bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ biến chứng mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Hình ảnh xuất huyết trên da ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viên Đa khoa TP Vinh.
Theo CDC Nghệ An, trong hai năm 2022 và 2023, tỉnh ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, cả hai đều trẻ tuổi và không có bệnh lý nền. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh ghi nhận 214 ca mắc, gồm 108 ca nội tại và 106 ca ngoại lai. Số ca mắc đã giảm đáng kể so với những năm trước và không có trường hợp tử vong nào do sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian muỗi vằn Aedes Aegypti. Bệnh thường xuất hiện và bùng phát thành dịch trong các tháng mùa mưa, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường kém. Sốt xuất huyết có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, điều trị khó khăn, tốn kém, thậm chí tử vong. Đáng chú ý, nhiều trường hợp không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây truyền bệnh.
Sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em cơ bản đều giống nhau về cơ chế, thường khởi phát ở thể nhẹ. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở tần suất và mức độ nặng của bệnh. Người lớn thường có tần suất sốt lâu, xuất huyết tiêu hóa nhiều và dễ gặp phải các biến chứng hơn so với trẻ em. Khi người lớn mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ để can thiệp kịp thời.
Tuyên truyền cho người dân về sốt xuất huyết ở huyện Diễn Châu.
ThS.BS Nguyễn Trọng Di, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Nghệ An) cho biết, "Sốt xuất huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai. Các đối tượng có nguy cơ cao trở nặng gồm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người lớn có bệnh nền như béo phì, cao huyết áp, suy thận... Tuy nhiên, ở người khỏe mạnh, không có bệnh lý nền, bệnh vẫn có thể diễn biến khó lường. Nếu chúng ta không điều trị tích cực và có thái độ chủ quan với những trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ, các bệnh nhân này có thể diễn biến xấu, chuyển sang thể sốc và bệnh trở nặng. Lúc này, việc điều trị phải hết sức tích cực và đặc biệt quan trọng, vì nếu bệnh tiến triển nặng, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân".
Bác sĩ Di nhận định, một số nguyên nhân khiến người lớn khỏe mạnh trở nặng khi mắc sốt xuất huyết bao gồm tâm lý chủ quan, tự ý uống thuốc hoặc truyền dịch tại nhà. Ngoài ra, đôi khi bệnh còn bị chẩn đoán nhầm với các triệu chứng sốt do virus khác, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết gây ra các triệu chứng lâm sàng, trong đó đầu tiên là sốt cao. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và đau vùng hốc mắt. Khi bệnh tiến triển nặng, có thể xuất hiện hiện tượng sốc sốt xuất huyết, và nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.
"Mặt khác, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng như sốt, đau người, mệt mỏi thường xuất hiện khi virus xâm nhập vào cơ thể và có thể nhầm lẫn với các bệnh virus khác. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng xuất huyết trên da sẽ rõ ràng hơn. Vì vậy, người dân cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và thực hiện các xét nghiệm như công thức máu và sinh hóa máu nhằm chẩn đoán chính xác bệnh.
Hiện nay, Việt Nam đã có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, và vaccine này đang được triển khai tại các điểm tiêm chủng dịch vụ. Tuy nhiên, trong chương trình tiêm chủng của nhà nước, vaccine chưa được triển khai tiêm miễn phí cho người dân. Do đó, công tác phòng chống dịch vẫn chủ yếu tập trung vào các biện pháp dự phòng" bác sĩ Di cho biết thêm.
Theo TS.BS Chu Trọng Trang, Giám đốc CDC Nghệ An, Nghệ An đã và đang thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch sốt xuất huyết nói riêng. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể chủ quan. Diễn biến thời tiết vẫn đang rất phức tạp, đây cũng là một yếu tố thuận lợi để muỗi Aedes Aegypti - tác nhân chính truyền bệnh phát triển.
Do đó, Các địa phương cần tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, thực hiện thu dọn vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng, bọ gậy" tại hộ gia đình, thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
Hoàng Trinh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nguoi-lon-mac-sot-xuat-huyet-co-bi-bien-chung-nguy-hiem-khong-169241120140236444.htm