Người miệt mài tìm 'cái đẹp' của văn chương

Người miệt mài tìm 'cái đẹp' của văn chương
3 giờ trướcBài gốc
Theo lời hẹn trước, tôi đến gặp nhà nghiên cứu văn học Hà Quảng tại căn nhà của ông trên đường Đặng Dung (TP Hà Tĩnh). Không gian phía trong ngôi nhà yên ắng, tĩnh mịch như tính cách điềm tĩnh của chủ nhân vậy.
Nhà nghiên cứu Hà Quảng.
Nhà nghiên cứu Hà Quảng tên thật là Trần Ninh (SN 1942) nguyên quán tại Nghi Xuân. Bút danh Hà Quảng xuất phát từ mối lương duyên của bố ông, một thầy giáo Hà Tĩnh vào dạy học ở Quảng Bình và mẹ ông, cô gái xứ Quảng. Nhà lý luận, phê bình Hà Quảng từng tốt nghiệp cử nhân, sau đó là thạc sỹ khoa Ngữ văn - Trường Đại học Vinh và có hơn 30 năm làm nghề cầm phấn đứng trên bục giảng, đào tạo nhiều thế hệ học trò tại các trường THPT ở Hà Tĩnh và Cao đẳng Sư phạm Nghệ Tĩnh. Đến năm 1991, sau khi tách tỉnh, ông là cán bộ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, năm 2002 thì về hưu. Các thế hệ học trò của nhà nghiên cứu Hà Quảng có nhiều người thành đạt như: Giáo sư, tiến sỹ, nhà thơ Lê Quốc Hán; nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh... Với nhiều cống hiến cho ngành giáo dục, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Song song với những thành tựu trong sự nghiệp trồng người, ông được nhiều người biết đến với vai trò là nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, có nhiều tác phẩm, công trình giá trị đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp Trung ương. Đến với văn chương ở mảng sáng tác từ khi còn là một thầy giáo trẻ, ông đã có những bài thơ đầu tiên đăng trên các báo Nhân Dân, Văn Nghệ những năm 1966, 1967… Ông đã xuất bản 2 tập thơ “Hương quê” in chung với nhà thơ Xuân Hoài (1980), “Trường ca người lính” in chung với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Cảnh Nguyên (1989).
Ở tuổi 83, nhà nghiên cứu Hà Quảng vẫn miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa.
Tuy vậy, sự nghiệp văn chương lại dẫn ông vào một lối đi riêng ít người theo đuổi, đó là nghiên cứu lý luận, phê bình văn học. Nhà nghiên cứu Hà Quảng chia sẻ: “Tôi là người yêu và say mê văn chương từ nhỏ, chọn nghề cũng là nghề dạy văn, rồi làm thơ, viết văn… Tuy vậy, dù có ít nhiều thành công trong sáng tác thơ nhưng lĩnh vực tôi yêu thích vẫn là nghiên cứu lý luận và phê bình. Điều này xuất phát từ thuở còn sinh viên, tôi thường được các giảng viên tin tưởng chọn thuyết trình phụ cho các công trình nghiên cứu của các thầy cô.
Để có kiến thức, tôi đọc rất nhiều, nghiên cứu nhiều… từ đó hình thành nên lối tư duy khoa học, lô-gic trong khám phá, phân tích, phản biện văn chương. Sau này trong quá trình dạy học, tôi đã vận dụng kiến thức nghiên cứu vào giảng dạy rất hiệu quả. Chọn lĩnh vực lý luận, phê bình cũng là cách qua lăng kính của mình, tôi muốn lan tỏa cái hay, cái đẹp của văn chương. Qua đó làm sáng lên giá trị của tác giả, tác phẩm, giúp độc giả tiếp cận hiểu một cách cụ thể, giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm; hiểu về tác giả, dòng văn, thơ...”.
Một số công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học tiêu biểu của nhà nghiên cứu Hà Quảng.
Từ những bài lý luận, phê bình trên Tạp chí Văn học những năm 1980, công trình nghiên cứu đầu tiên như: “Văn chương, cảm nhận và phân tích” (xuất bản 1998), đến nay, nhà nghiên cứu Hà Quảng đã xuất bản gần 20 đầu sách về lĩnh vực phê bình, nghiên cứu văn học, văn hóa, giáo dục. Trong đó có nhiều công trình đạt giải thưởng cấp tỉnh và Trung ương như: “Đến với thơ đương đại” đạt Giải thưởng Hội đồng Lý luận phê bình quốc gia năm 2018; có 5 lần đạt Giải thưởng Nguyễn Du (3 giải A, 2 giải B) với các công trình như: “Thơ lục bát mới” (2000), “Thơ ca yêu nước và cách mạng Hồng Lam” (2002), “Nhành hoa bên suối” (2007), “Văn chương, một góc nhìn” (2009), “Nguyễn Du sao mai lấp lánh” (2010), “Nhà văn Hà Tĩnh đương đại” (2012), “Văn chương cảm nhận và suy ngẫm” (đọc thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, 2012)… Công trình mới nhất của ông được giới chuyên môn đánh giá cao là tập lý luận phê bình văn học “Dưới bóng sao khuê” (xuất bản 2024)…
Các công trình của nhà nghiên cứu Hà Quảng không chỉ làm rõ những giá trị văn chương của các tác giả cả nước từ trung đại đến hiện đại, mà còn giới thiệu, phân tích nhiều tác phẩm, tác giả của Hà Tĩnh. Từ những thế hệ đi trước có nhiều thành tựu như: nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, nhà văn Đức Ban… đến những tác giả trẻ triển vọng như: Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Hạnh Loan, Trần Tú Ngọc… Các công trình, bài viết của ông với sự phân tích sâu sắc, góc nhìn tinh tế và tư duy phản biện chặt chẽ, khoa học đã mang đến cho độc giả nhiều góc nhìn khách quan, các phát hiện giá trị về các tác giả, tác phẩm, trào lưu văn học trong mỗi giai đoạn khác nhau. Đồng thời, định hướng cho các nhà văn, nhà thơ, nhất là những người viết trẻ trong lập trường, nỗ lực sáng tạo các tác phẩm giá trị.
Nhà nghiên cứu Hà Quảng và vợ cùng trao đổi về cuốn sách ông vừa xuất bản.
Trong cuốn “Dưới bóng sao khuê” vừa xuất bản tháng 2/2024, nhà nghiên cứu Hà Quảng dành 2/3 dung lượng cuốn sách để giới thiệu các tác giả và tác phẩm tiêu biểu cả nước và trong tỉnh. Trong đó về tác giả, ông có những bài viết sâu sắc về nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, Thạch Quỳ, Lưu Quang Vũ, Thái Kim Đỉnh, Lê Quốc Hán, Nguyễn Thị Hạnh Loan…; về tác phẩm có: Trường ca “Trăng Tân Trào” của Hữu Thỉnh, “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của Tống Văn Hân, “Nhật ký người xem đồng hồ” của Nguyễn Quang Thiều…
Nhà nghiên cứu Hà Quảng đồng thời cũng là một trong những thành viên đầu tiên sáng lập nên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, năm 1969. Hiện, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chuyên ngành lý luận, phê bình. Dù nay đã 83 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài công việc nghiên cứu, mỗi ngày dành 8 tiếng để đọc, viết…. Trong căn phòng của ông cùng với hàng trăm cuốn sách là chiếc laptop với hàng chục bản thảo của nhiều cuốn sách đã và đang hoàn thành.
“Làm việc trí óc cũng là một hình thức thể dục cho cơ thể, bởi thần kinh có sự điều phối hài hòa. Đó cũng là lý do, đến tuổi này, dù không tránh được bệnh này, đau nọ nhưng tôi vẫn còn minh mẫn và làm việc được” - nhà nghiên cứu Hà Quảng chia sẻ. Ông cũng mong những bản thảo công trình đã hoàn thành tìm được “nhà tài trợ” để xuất bản, bởi đó là tâm huyết, sự “thai nghén” lao động nhiều năm trời.
Thiên Vỹ
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/nguoi-miet-mai-tim-cai-dep-cua-van-chuong-post286245.html