Theo Bloomberg, các quốc gia Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait đã nhận được các yêu cầu về khả năng cung cấp thêm sản lượng trong những tháng tới.
Ấn Độ và Trung Quốc đang tìm kiếm các giải pháp thay thế sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Viễn cảnh về các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran đang làm trầm trọng thêm rủi ro về nguồn cung.
Trong khi đó, khả năng sản xuất dự phòng dồi dào của các nhà sản xuất OPEC+ khác đã giúp hạn chế sự gia tăng của giá dầu sau khi dầu Brent tăng vọt lên mức là 81 USD/thùng hôm 13/1.
Trong vài năm qua, OPEC+ đã duy trì cắt giảm sản lượng để ngăn chặn tình trạng thặng dư và hỗ trợ giá. Trong những tháng tới, liên minh sẽ cân nhắc xem có nên tiến hành các kế hoạch khôi phục dần một số sản lượng đó hay không. Những tổn thất đủ lớn ở Nga và Iran có thể giúp quyết định đó dễ dàng hơn nhiều.
Tuy nhiên, việc tăng bất kỳ sản lượng nào trước tháng 4 hoặc tăng đáng kể hơn sau đó để bù đắp cho những tổn thất của Nga có thể là một nhiệm vụ khó khăn đối với liên minh, gây căng thẳng cho sự đoàn kết của liên minh.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu các quốc gia Trung Đông có cần tăng sản lượng hay không và ở mức độ nào.
Mặt khác, các nhà máy lọc dầu quốc doanh ở Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển hàng đầu của Nga - tin rằng tác động từ lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ có thể chỉ là tạm thời, vì Nga đang tìm cách giải quyết và chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp tới thường có lập trường mềm mỏng hơn đối với Nga.
Một số nhà giao dịch dầu thô cho biết họ tin tưởng rằng các kế hoạch hiện tại của OPEC+ nhằm khôi phục sản lượng trong suốt năm nay sẽ đủ để duy trì sự cân bằng của thị trường và bù đắp tổn thất của Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa trong năm nay vì nhu cầu tăng trưởng yếu ớt dễ dàng được bù đắp bởi nguồn cung mới từ khắp châu Mỹ, ngay cả khi OPEC+ giữ nguyên sản lượng.
Trong mọi trường hợp, việc cắt giảm sản lượng của Nga có thể khiến quốc gia này tuân thủ hơn các cam kết của mình với OPEC+. Vì Nga nằm trong số các thành viên đã bơm vượt hạn ngạch đã thỏa thuận trong suốt năm ngoái và không thực hiện các biện pháp cắt giảm thêm được cam kết để bù đắp cho việc sản xuất quá mức.
OPEC+ sẽ có cơ hội đánh giá tình hình thị trường tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 3/2 sắp tới trước khi hoàn thiện quyết định về việc khôi phục sản lượng theo lịch trình vào đầu tháng 3.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài