Người mua nhà ở thực loay hoay trong bão giá

Người mua nhà ở thực loay hoay trong bão giá
19 giờ trướcBài gốc
Nhu cầu nhà ở luôn rất lớn. Ảnh: Việt Dũng.
Giá nhà tăng nhanh, thu nhập tăng chậm
Sau 5 năm làm việc tại TP.HCM và tích góp được 1 tỷ đồng, chị Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, nhân viên văn phòng, hiện thuê trọ ở phường Hiệp Bình) từng hy vọng có thể mua căn hộ đầu tiên cho gia đình tại một dự án ở vùng ven.
Đầu năm nay, chị được môi giới tư vấn về một dự án mới với giá khoảng 32 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT) tại khu vực TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương (cũ).
Tuy nhiên, đến đầu tháng 6, khi bắt đầu nhận giữ chỗ chính thức, giá công bố bất ngờ tăng lên 40 triệu đồng/m2 chưa bao gồm thuế, đẩy tổng giá căn hộ 52 m2 mà chị nhắm tới lên hơn 2,1 tỷ đồng.
“Khoản chênh hơn 400 triệu đồng khiến tôi không thể vay thêm được. Với thu nhập của 2 vợ chồng chưa đến 30 triệu đồng/tháng, gánh nặng trả nợ và rủi ro lãi suất khiến kế hoạch mua nhà phải tạm gác lại”, chị Hương chia sẻ.
Tương tự, anh Đình Văn (41 tuổi, nhân viên IT tại một doanh nghiệp trong khu công nghệ cao) cũng đang loay hoay với giấc mơ sở hữu nhà riêng. Nhắm đến những khu vực giáp ranh TP. Thủ Đức (cũ), nơi anh từng hy vọng có thể tìm được căn hộ trong tầm giá 2 tỷ đồng, nhưng thực tế khảo sát khiến anh thất vọng.
“Ban đầu họ nói giá khoảng 46 triệu đồng/m2, nhưng khi hỏi cụ thể thì mới biết đó là căn studio, diện tích rất nhỏ. Các căn hộ 2 phòng ngủ thì giá đều trên 60 triệu đồng/m2. Do đó, tôi đang cân nhắc có nên tiếp tục tìm hay dừng lại”, anh Văn kể.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Tùng (39 tuổi, kỹ thuật viên điện lạnh), vào TP.HCM từ năm 2014, hiện đang thuê trọ dù đã dành dụm được 850 triệu đồng. Anh từng định vay thêm khoảng 800 triệu đồng để mua một căn hộ nhỏ ở vùng ven TP.HCM hoặc Bình Dương (cũ), nhưng hơn một năm tìm kiếm vẫn chưa tìm được dự án phù hợp, bởi khu vực này hiện không còn dự án có giá dưới 35 triệu đồng/m2.
Chẳng hạn, dự án The Felix của chủ đầu tư C- Holdings đang mở bán, căn hộ 1 phòng ngủ có diện tích 46 m2 có giá 1,8 tỷ đồng (tương đương 39 triệu đồng/m2), căn 2-3 phòng ngủ có giá từ 2,5-3 tỷ đồng/căn.
“Làm nghề tự do, tôi khó chứng minh thu nhập để vay ngân hàng. Trong khi đó, nhà vừa túi tiền vô cùng khan hiếm, càng chần chừ thì giá càng tăng nhanh”, anh Tùng cho hay.
Việc người mua khó tiếp cận được nhà ở với khoản tiền tiết kiệm khoảng 1 tỷ đồng là một thực trạng phổ biến hiện nay.
Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, trong 5 năm qua, giá chung cư tại TP.HCM đã tăng trung bình 46-60%, hiện đạt khoảng 60 triệu đồng/m2. Trong năm qua, mức tăng giá căn hộ tại một số địa phương phía Nam cũng đáng chú ý: Long An (cũ) tăng 30%, Cần Thơ tăng 46%, Bình Dương (cũ) tăng 12%...
Trong khi đó, tốc độ tăng thu nhập của người lao động lại không theo kịp tốc độ tăng giá nhà. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt khoảng 7,7 triệu đồng/tháng, riêng khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/tháng, tăng 8,6% so với năm 2023.
Mức tăng lương tối thiểu cũng chỉ là 6%, trong khi giá nhà có thể tăng gấp đôi, thậm chí cao hơn chỉ trong 2-3 năm. Sự chênh lệch này đang trở thành rào cản lớn đối với phần lớn lao động phổ thông có nhu cầu mua nhà để ở. Trên thực tế, tỷ lệ hấp thụ căn hộ những tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 15-16%, cho dù nguồn cung mới không nhiều.
“Giá nhà đang bỏ xa thu nhập của người dân. Thị trường không còn nhiều sản phẩm phù hợp với người có thu nhập trung bình. Nếu không có chính sách hỗ trợ hoặc nguồn cung giá rẻ, việc sở hữu nhà sẽ ngày càng xa vời đối với đại đa số người dân đô thị”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở, CBRE Việt Nam nhấn mạnh.
Muốn có nhà, phải có “chiêu”
Theo ông Trần Thanh Hải - Trưởng Bộ phận Đầu tư, Công ty VinaLiving, các nhà đầu tư bất động sản thường không mong muốn thị trường phát triển quá nóng, lý do bởi khi giá bất động sản tăng quá cao sẽ rất khó để tăng tiếp trong tương lai. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các chủ đầu tư, mà còn làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người mua.
“Mục tiêu của các nhà phát triển bất động sản không chỉ dừng ở việc đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, mà còn mong muốn xây dựng một thị trường bền vững, có khả năng phát triển ổn định trong 10-20 năm tới”, ông Hải nói.
Dẫu vậy, thị trường đang chứng kiến sự lệch pha rõ rệt về cung - cầu, trong khi các doanh nghiệp tiếp tục tung ra các dự án trung - cao cấp, thì phần lớn người mua nhà lại không thể tiếp cận. Để giải bài toán an cư, nhiều chuyên gia cho rằng, người mua cần tính toán kỹ, thậm chí phải có “chiêu”.
Để cầm được sổ hồng trên tay là một hành trình rất dài. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Võ Thành Đạt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Land cho rằng, để có thể mua được nhà ở, người trẻ cần thay đổi tư duy, chấp nhận dịch chuyển ra xa, đến những nơi có hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi như tuyến đường Phạm Văn Đồng 12 làn xe nối vào sân bay Tân Sơn Nhất và vào trung tâm TP.HCM, hay đường Võ Nguyên Giáp nối với tuyến Metro số 1…
“Với hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện, người ở ngoại thành có thể sáng chạy xe ra ga Metro số 1 rồi di chuyển vào trung tâm TP.HCM chỉ trong 30 phút, rút ngắn đáng kể thời gian đi lại”, ông Đạt nói.
Tương tự, ông Trần Khánh Quang - chuyên gia đầu tư bất động sản cho hay, nếu đã có một khoản vốn mồi thì có thể đầu tư theo phương án “đi xa để trở về”.
Cụ thể, hiện tại, với khoảng 500 triệu đồng tiền tiết kiệm là có thể sở hữu một lô đất ở vùng ven TP.HCM như Đồng Nai hay Bình Phước. Nếu chọn được lô đất có vị trí đẹp, giá có thể tăng 30-40% trong vài năm, thậm chí nhân đôi hoặc nhân ba số tiền ban đầu nếu may mắn, sau đó có thể bán đi để mua các sản phẩm ở gần hơn.
“Điều quan trọng là người mua cần lựa chọn những sản phẩm có pháp lý rõ ràng, nằm gần khu dân cư và có giao thông thuận lợi. Những khu vực có tiềm năng phát triển hạ tầng như các tuyến đường lớn hoặc dự án giao thông quan trọng sẽ giúp gia tăng giá trị bất động sản”, ông Quang chia sẻ.
Ngoài vị trí, việc lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp cũng là một cách để người có thu nhập không cao sở hữu nhà. Bởi theo ông Nguyễn Đình Trường - Tổng giám đốc Công ty TT Capital, tài chính luôn là trở ngại lớn đối với người trẻ khi mua nhà bởi tích lũy còn hạn chế và thu nhập chưa cao.
Vay ngân hàng là một giải pháp, nhưng phương án trả nợ lại phụ thuộc thu nhập hay tài sản thế chấp. Do đó, người mua nhà nên lựa chọn các dự án có chính sách thanh toán tốt, không nên quá chú trọng vào lãi vay thấp.
“Lãi suất thấp được công bố là lãi suất ưu đãi trong thời gian ngắn, hết thời gian ưu đãi được thả nổi nên sẽ tăng cao và khi đó, người vay sẽ gặp khó trong thanh toán”, ông Tường phân tích.
Việt Dũng
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/nguoi-mua-nha-o-thuc-loay-hoay-trong-bao-gia-post372545.html