Người Mỹ không tiếc tiền cho những chuyến đi mang lại trải nghiệm đáng nhớ. Ảnh minh họa: Katya Wolf/Pexels.
Theo thông tin từ blog The Currency của công ty Empower, một tập đoàn tài chính - hưu trí lớn có trụ sở tại Mỹ, những chuyến đi độc đáo hay trải nghiệm nhập vai có thể tiêu tốn không ít tiền, nhiều người Mỹ vẫn cho rằng đó là cái giá xứng đáng để đổi lấy những kỷ niệm không thể đo đếm.
Kết quả khảo sát chỉ ra có đến 88% người tham gia trả lời tin rằng niềm vui cuộc sống đến từ những trải nghiệm. Đặc biệt, 44% tin rằng những kỷ niệm kỳ nghỉ mà họ tạo ra là vô giá. Gần 3/4 du khách tìm kiếm những trải nghiệm thực tế tại địa phương.
Họ sẵn sàng chi mạnh tay cho các dịch vụ như du lịch, ẩm thực, hòa nhạc, lễ hội âm nhạc hoặc những trải nghiệm thực tế để tìm kiếm niềm vui. Xu hướng du lịch trải nghiệm để lưu giữ ký ức này đang thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch toàn cầu, hay còn gọi là "nền kinh tế trải nghiệm" với quy mô dự kiến đạt 2.100 tỷ USD vào năm 2032.
Ký ức giá trị hơn vật chất
Theo báo cáo của McKinsey, công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Mỹ, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên trải nghiệm hơn dành tiền để mua những món hàng đắt đỏ. Niềm hạnh phúc có thể là điều thúc đẩy họ không ngừng tìm kiếm những khoảnh khắc đáng nhớ tiếp theo.
Nghiên cứu từ Empower cho thấy 88% người Mỹ cảm thấy tình yêu cuộc sống bắt nguồn từ những trải nghiệm, và hơn một nửa (53%) cho rằng có khả năng chi trả cho những trải nghiệm quý giá bên những người thân là điều hạnh phúc nhất.
Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) cũng là một yếu tố đáng kể. Khoảng 51% người Mỹ cho biết họ trải qua cảm giác FOMO về tài chính và có xu hướng chi tiền cho các trải nghiệm như ăn uống bên ngoài (21%), du lịch (18%) hoặc tham dự các buổi hòa nhạc và sự kiện trực tiếp khác (15%). Đáng chú ý, 86% người thuộc thế hệ Z thừa nhận đã chi tiêu quá mức cho các hoạt động giải trí, chủ yếu vì không muốn bỏ lỡ điều gì.
Trong những năm gần đây, nhu cầu bị dồn nén do đại dịch có thể đã thổi bùng tâm lý sợ bỏ lỡ và mong muốn "bù đắp" cho khoảng thời gian đã mất. Sau thời gian dài giãn cách xã hội, người Mỹ đã mạnh tay chi cho các hoạt động như du lịch, ẩm thực ngoài trời và giải trí, với mức chi tiêu cho trải nghiệm tăng vọt 65% từ năm 2019 đến năm 2023.
Sau đại dịch, nhu cầu trải nghiệm của người Mỹ bùng nổ, với mức chi tiêu cho các hoạt động giải trí tăng 65% từ năm 2019-2023. Ảnh minh họa: Jon Nazca/Reuters.
Bùng nổ nhu cầu được xê dịch
Xu hướng ưu tiên trải nghiệm vẫn đang cho thấy sức hút bền bỉ, khi du lịch và các sự kiện ngoài trời được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2025.
Dự kiến sẽ có tới 5,2 tỷ lượt hành khách đi máy bay, tăng 6,7% so với năm 2024. Nhiều du khách lựa chọn những điểm đến gắn với các chương trình truyền hình nổi tiếng, địa điểm tổ chức hòa nhạc, lễ hội âm nhạc, hoặc các vùng núi và bờ biển.
Tập đoàn giải trí toàn cầu Live Nation dự đoán doanh số bán vé các sự kiện mùa hè này sẽ tăng vọt, với số lượng chương trình trực tiếp tại sân vận động tăng tới 60% so với cùng kỳ năm trước.
Sức hấp dẫn của du lịch ngày nay không chỉ nằm ở điểm đến, mà còn xuất phát từ nhu cầu giải tỏa cảm xúc và khẳng định dấu ấn cá nhân qua mỗi chuyến đi. Xu hướng này đang thúc đẩy nhiều du khách lựa chọn "du lịch chậm", hình thức dành nhiều thời gian để hòa mình vào đời sống và văn hóa bản địa. Theo báo cáo xu hướng năm 2025 của Hilton, gần 3/4 du khách hiện nay ưu tiên tìm kiếm những trải nghiệm địa phương chân thực.
Sức hút trải nghiệm không chỉ dừng lại ở các chuyến đi hay sự kiện lớn. Những hoạt động thường nhật như bowling, công viên giải trí, sở thú, công viên nước, hay các hình thức "giải trí giáo dục" (vừa tham quan vừa học hỏi) cùng các mô hình kết hợp ăn uống – giải trí cũng đang ngày càng thu hút khách du lịch.
Những khoảnh khắc mang giá trị cảm xúc không thể quy đổi thành tiền, nhưng nhìn vào xu hướng chi tiêu cho các lĩnh vực dịch vụ có thể thấy trải nghiệm ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu.
Theo nghiên cứu của Empower, người Mỹ dự kiến sẽ chi khoảng 10.600 USD cho các chuyến đi và kỳ nghỉ vào năm 2025; trung bình 284 USD mỗi tháng cho giải trí; dành hơn 1.500 USD cho các hoạt động du lịch kết hợp thể thao, bao gồm ít nhất 300 USD cho tiền vé; chi trung bình 777 USD mỗi tháng cho ăn uống tại các nhà hàng.
Khi khách hàng tiếp tục tìm kiếm những trải nghiệm nhập vai giúp họ cảm thấy được kết nối và sống trọn vẹn hơn, xu hướng ưu tiên trải nghiệm được dự báo sẽ còn tiếp diễn. Điều này cũng buộc các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ và dịch vụ, để mang đến những kỷ niệm khó quên cho khách hàng.
Tâm Đan