Người dân mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo khảo sát hàng tháng của Đại học Michigan, 1/4 số người Mỹ được hỏi cho biết đây là thời điểm tốt để mua sắm lớn vì họ dự đoán giá sẽ tăng vào năm tới. Khảo sát gần đây của CreditCards.com đối với 2.000 người cho thấy 1/3 trong số họ đang mua sắm nhiều hơn vì lo ngại thuế quan.
Một số nhà kinh tế học cảnh báo rằng việc người dân chi tiêu như thể lạm phát sắp xảy ra có thể sẽ đẩy giá lên cao hơn. Bộ Lao động cho biết trong tháng 11/2024 chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với tháng trước. Sự gia tăng này một phần là do người tiêu dùng đổ xô mua sắm hàng hóa lâu bền sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết áp thuế đối với hàng hóa từ các nước, trong đó có Canada, Mexico và Trung Quốc.
Ông Robert Barbera, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Tài chính tại Đại học Johns Hopkins, nhận định người tiêu dùng có thể đang đẩy nhanh kế hoạch mua sắm của mình. Họ nghĩ rằng nếu định mua một chiếc TV trong 12 tháng tới, họ có lẽ nên mua trong 12 tuần tới.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất mức thuế 10% đến 20% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu và 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm thâm hụt thương mại. Sau cuộc bầu cử, ông tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico và đe dọa áp dụng mức thuế 100% đối với các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng thuế quan, ngay cả khi giúp thúc đẩy sản xuất, cũng có thể dẫn đến giá cả tăng cao.
Để đón đầu việc giá cả tăng, một số người tiêu dùng đang đẩy mạnh chi tiêu. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng mua sắm ồ ạt do lo ngại lạm phát có thể đẩy giá lên cao.
Ông Harrison Hong, Giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia, cho rằng nếu lượng mua đủ lớn và tình trạng thiếu hụt đủ lớn, nhà bán lẻ sẽ phải tăng giá.
Ông Hong dẫn chứng lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải loại basmati của Ấn Độ năm 2007 khiến người Mỹ khi đó đã tích trữ gạo, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt. Các sản phẩm và cửa hàng có mức độ tích trữ cao nhất đã chứng kiến mức tăng giá lớn hơn một vài tháng sau đó.
Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics, cho biết thêm kỳ vọng lạm phát rất quan trọng đối với lạm phát trong tương lai. Vì vậy, có thể các nhà bán lẻ và nhà sản xuất đang chuẩn bị cho mức thuế quan cao hơn bằng cách tăng giá ngay bây giờ, vì dự đoán giá nhập khẩu sẽ cao hơn.
Các doanh nghiệp Mỹ, vốn đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 3.200 tỷ USD năm 2022, đang lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất. Một số doanh nghiệp đang tích trữ hàng nhập khẩu để đón đầu, trong khi các doanh nghiệp khác đang khuyến khích người tiêu dùng mua ngay trước khi giá tăng.
Trà My (TTXVN)