Quân đội Nga đã tiến hành cuộc thử nghiệm chiến đấu đầu tiên đối với tên lửa siêu vượt âm Oreshnik vào ngày 21/11 nhằm vào một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine tại thành phố Dnipro. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, hành động phóng Oreshnik là để đáp trả việc Mỹ và các đồng minh cho phép Ukraine sử dụng những tên lửa tầm xa được cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Theo ông Putin, tên lửa Oreshnik có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, và di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh. Ông khẳng định, các hệ thống phòng không hiện thời của phương Tây "không thể đánh chặn” Oreshnik.
Một vụ phóng tên lửa của Nga. Ảnh: Tass
Chia sẻ với tờ The Independent, ông Ron Hubbard, CEO của Atlas Survival Shelters, công ty sản xuất boongke chống bom và hầm trú ẩn chống bụi phóng xạ ở Texas, cho hay chỉ vài giờ sau cuộc tấn công của Nga, điện thoại của công ty đã reo liên tục.
Theo ông Hubbard, 4 khách hàng đã đặt hàng trong vòng 24 giờ sau cuộc tấn công của Nga bằng tên lửa Oreshnik vào Ukraine. Trong khi đó, nhiều khách hàng khác đã đặt hàng gia cố thêm cho các boongke mà họ đang sở hữu. Ông Hubbard cho hay, thông thường ông chỉ bán được một boongke mỗi ngày.
Cũng theo ông, mức giá bán boongke là từ 20.000 USD lên tới hàng triệu USD. Trung bình khách hàng chi 500.000 USD cho một hầm trú ẩn.
Trước khi Nga phóng tên lửa Oreshnik, ông Hubbard cho biết lệnh phong tỏa do Covid-19, và các cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, Israel - Hamas cũng đã khiến doanh số bán boongke tăng lên.
Theo nghiên cứu thị trường được tờ The Independent trích dẫn, thị trường hầm trú bom và bụi phóng xạ của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 137 triệu USD vào năm 2023 lên 175 triệu vào năm 2030. Nguyên nhân thúc đẩy người mua là do "mối đe dọa ngày càng gia tăng của các cuộc tấn công hạt nhân, khủng bố, hoặc bất ổn dân sự".
Ông Hubbard nói thêm, các hầm trú ẩn của công ty ông có thể chịu được "mọi thứ từ lốc xoáy, bão, cho đến bụi phóng xạ hạt nhân, đại dịch, và cả núi lửa phun trào". Tuy nhiên, rất khó có khả năng bất kỳ hầm trú ẩn thương mại nào có thể tồn tại sau một cuộc tấn công bằng tên lửa siêu vượt âm.
Mặc dù sức mạnh hủy diệt của Oreshnik có thể là nguyên nhân khiến nhiều người quan tâm hơn tới hầm trú ẩn, nhưng tên lửa này có thể sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại các mục tiêu ở Mỹ, ngay cả trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện. Là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), Oreshnik có tầm bắn từ 3.000 - 5.500km, và chỉ đưa các khu vực của Bờ Tây nước Mỹ vào tầm tấn công.
Minh Thu