Người nghèo vươn lên, dân tộc vươn mình (Bài 1)

Người nghèo vươn lên, dân tộc vươn mình (Bài 1)
8 giờ trướcBài gốc
Bài 1: Vươn lên nhờ tín dụng chính sách xã hội
Tiếp sức người dân vượt khó
Giữa tháng 11-2024, sau 3 năm được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, gia đình ông Nguyễn Văn Phơ, ngụ ấp Xóm Thuốc, xã An Phú, huyện Củ Chi, TPHCM, đang từng bước vươn lên với ngôi nhà khang trang hơn, thu nhập ổn định hơn rất nhiều so với trước. Dẫn khách đi thăm đàn bò thịt 12 con chuẩn bị đến thời gian xuất chuồng và vườn rau sạch hơn 2.000m2 ngay bên cạnh, ông Nguyễn Văn Phơ chia sẻ đó là những nguồn thu nhập chính của gia đình ông những năm qua. Cũng nhờ nguồn thu nhập ổn định này, gia đình ông đã vươn lên thành hộ không nghèo của địa phương.
Mở khóa nước hệ thống phun tưới tự động cho vườn rau sạch hơn 2.000m2 đang độ thu hoạch, ông Phơ kể, trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Cuộc sống vốn đang khó khăn, trải qua đại dịch Covid-19, kinh tế càng trở nên chật vật hơn, ông Phơ phải bươn chải để kiếm tiền lo cho gia đình vừa tìm cách nuôi giấc mơ thoát nghèo. Năm 2021, ngọn đuốc hy vọng được thắp lên khi ông Phơ được Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Củ Chi giải ngân cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ giảm nghèo và 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế. Được tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, ông Phơ đầu tư mua bò giống, nâng cấp chuồng trại, hệ thống tưới tiêu để chăn nuôi và trồng rau sạch. Không chỉ được vay vốn, ông Phơ còn được hỗ trợ kinh phí tham gia khóa đào tạo kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và trồng rau sạch. Nhờ đó, đàn bò giống của ông Phơ ngày càng tăng lên và khỏe mạnh, còn vườn rau sạch cũng mang lại thu nhập ổn định. Đầu tháng 10-2024, gia đình ông chính thức được công nhận là hộ vượt chuẩn cận nghèo. “Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thật sự rất quý giá với người nghèo, giúp chúng tôi đổi đời, thoát nghèo bền vững”, ông Phơ chia sẻ.
Bà Hứa Thị Lê, ấp 56 xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM chăm sóc vườn hoa mai
Cũng từng rơi vào cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19, gia đình bà Hứa Thị Lê, ấp 56 xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM tưởng chừng phải bỏ vườn hoa mai gần 100 gốc vì sau 2 năm chống chọi với đại dịch, kinh tế suy kiệt, bà Lê không còn kinh phí mua phân bón, thuốc để chăm sóc vườn mai. Lúc này con bà Lê cũng đối diện với nguy cơ nghỉ học giữa chừng do không có tiền trang trải các chi phí. Cuối năm 2021, gia đình khi được NHCSXH huyện Hóc Môn tạo điều kiện cho vay hai nguồn vốn ưu đãi gồm vốn giải quyết việc làm và vốn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, vườn hoa mai, cây cảnh của gia đình bà Lê được “giải cứu” và con bà tiếp tục được đến trường để viết tiếp ước mơ.
Nhìn vườn hoa mai gần 100 gốc đang chuẩn bị vào mùa phục vụ Tết Ất Tỵ 2025, bà Lê không giấu được niềm vui khi năm nay gia đình sẽ có cái tết sum vầy. Nhớ lại thời điểm khó khăn 3 năm trước, bà Lê chia sẻ, lúc đó nhìn vườn mai đang chết dần, bà có ý định đi vay “nóng” để lấy tiền trang trải. May mắn bà được NHCSXH huyện Hóc Môn cho vay vốn kịp thời nên không vướng vào “tín dụng đen”. “Được vay một lúc hai nguồn vốn ưu đãi giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Mong chính sách ý nghĩa này tiếp tục được mở rộng để có thêm nhiều trường hợp khó khăn được tạo điều kiện vươn lên trong cuộc sống”, bà Hứa Thị Lê bày tỏ.
Vườn rau sạch của gia đình ông Nguyễn Văn Phơ, ngụ ấp Xóm Thuốc, xã An Phú, huyện Củ Chi, TPHCM
Đảm bảo an sinh xã hội
Trên thực tế những chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai thông qua NHCSXH thời gian qua đã phát huy hiệu quả, đem lại cơ hội thoát nghèo bền vững cho người dân. Ông Phan Quỳnh Hoa, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hóc Môn, TPHCM cho biết, hiện nay đang triển khai 8 chương trình tín dụng chính sách xã hội. Những năm qua, NHCSXH huyện Hóc Môn, TPHCM đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tại huyện Củ Chi, TPHCM, chương trình tín dụng chính sách xã hội cũng đã giúp phát triển, duy trì nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt là từng bước hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, TPHCM cho biết, giai đoạn từ năm 2020 đến hết tháng 6-2024, NHCSXH huyện Củ Chi đã tích cực chuyển tải nguồn vốn ưu đãi kịp thời đến với các đối tượng chính sách với số tiền hơn 1.237 tỷ đồng, cho 26.989 lượt hộ được vay vốn. Từ đó đã góp phần giúp 4.503 lượt hộ thoát nghèo; 13.249 lượt lao động được vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 15.868 công trình nước sạch, công trình vệ sinh được xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa; 1.130 lượt học sinh sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập, không phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Củ Chi, TPHCM giải ngân cho người dân vay vốn
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc NHCSXH chi nhánh TPHCM cho biết, hoạt động của NHCSXH chi nhánh TPHCM tiếp tục được ổn định và phát triển, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được Trung ương và TPHCM giao. Đến hết tháng 9/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 12.257 tỷ đồng, tăng hơn 1.018 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương hơn 4.597 tỷ đồng; nguồn vốn tại địa phương ủy thác để cho vay các chương trình tín dụng chính sách là hơn 7.660 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng nguồn vốn. Đến hết tháng 9-2024, doanh số cho vay đạt hơn 3.793 tỷ đồng (tăng hơn 1.128 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023), với trên 56.100 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Giám đốc NHCSXH chi nhánh TPHCM cho biết, đến hết tháng 9-2024, mạng lưới tín dụng chính sách xã hội tại TPHCM được triển khai rộng khắp các phường, xã, thị trấn với 4.874 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho hơn 7.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 44.000 lao động. Đồng thời, giúp hơn 1.500 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giúp trên 5.800 hộ vay vay vốn cải tạo và xây dựng mới hơn 11.700 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn 5 huyện ngoại thành. Bên cạnh đó, hỗ trợ 81 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để làm ăn, tái hòa nhập với cộng đồng.
Những tháng cuối năm, NHCSXH chi nhánh TPHCM phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo, tham mưu tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trọng tâm là tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ghi dự toán bổ sung nguồn vốn cho vay năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030; bổ sung thêm đối tượng được vay vốn từ chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo của thành phố là những hộ có mức sống trung bình, học sinh sinh viên diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, và các chương trình khác…
Sỹ Bình – Thanh Hương
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/nguoi-ngheo-vuon-len-dan-toc-vuon-minh-bai-1-158920.html