Bài 2: Nền móng vững chắc cho hành trình phát triển bền vững
Ông Nguyễn Văn Mèo, ấp 56 xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM chăm sóc đàn bò sữa
Hiệu quả từ chính sách nhân văn
Trải qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, từ năm 2014 đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai đồng bộ, rộng rãi đến 100% các xã, phường, thị trấn trên cả nước. Nguồn vốn này không ngừng tăng trưởng, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho hàng triệu hộ gia đình khó khăn, đặc biệt là trong những giai đoạn đầy khó khăn như đại dịch Covid-19, hay sau những thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi).
Cùng với sự tăng trưởng của nguồn vốn, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và người dân về vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đã được nâng lên, xem đây là công cụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại tỉnh Long An, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 6.020 tỷ đồng, tăng 3.870 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18%. Quy mô tín dụng ngày càng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, giúp hơn 386.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn gần 11.700 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Long An giai đoạn 2011 - 2015 từ 7,37% xuống còn 2,98% và chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 còn 0,75% (tính đến hết năm 2023); giúp 133/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế trên địa bàn TPHCM. Cụ thể,
Tại TPHCM trong hơn 10 năm qua, tổng doanh số cho vay đạt hơn 24.400 tỷ đồng với trên 573.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 15.114 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 11.470 tỷ đồng, với 194.283 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh TPHCM cho biết, hiện đang thực hiện 8 chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TPHCM, trong đó có 4 chương trình được cho vay bằng nguồn vốn địa phương. Tại TPHCM, dư nợ tập trung chủ yếu vào 5 chương trình tín dụng lớn, chiếm trên 99%.
Trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm góp phần giúp trên 566.700 lượt lao động có việc làm, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất. Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường giúp hơn 120.800 hộ được vay vốn; tín dụng học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn giúp hơn 123.000 học sinh sinh viên được tiếp cận vốn và chương trình cho vay nhà ở xã hội giúp hơn 300 người có nhà ở ổn định… Là người hưởng chính sách, ông Nguyễn Văn Mèo, ấp 56 xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM đang vay chương trình giải quyết việc làm và học sinh sinh viên với tổng vốn vay 100 triệu đồng. Còn bà Trần Thị Nam ở quận 12, TPHCM cũng được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Nguồn vốn từ chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp ông Mèo và bà Nam vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. “Chính sách cho vay ưu đãi mang tính nhân văn rất cao, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người dân đang gặp khó khăn, giúp người dân tránh xa “tín dụng đen”, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Mèo bày tỏ.
Phòng giao dịch NHCSXH chi nhánh quận 12, TPHCM giải ngân cho người dân vay vốn tín dụng chính sách xã hội
Nhân viên NHCSXH chi nhánh TPHCM phổ biến chính sách đến người dân
Nâng chất lượng tín dụng chính sách
Từ thực tiễn triển khai chương trình tín dụng chính sách xã hội tại một số địa phương cho thấy Chỉ thị số 40 đánh dấu sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Bình Dương, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tại tỉnh Bình Dương chú trọng thực hiện. Tín dụng chính sách góp phần tích cực giúp 27.497 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 227.166 lao động; 9.844 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng, sửa chữa 158.324 công trình nước sạch, vệ sinh... Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố. Hoạt động cho vay được lồng ghép với việc chuyển giao kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, Thành ủy TPHCM, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn TPHCM đã nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách xã hội. Từ đó, cụ thể hóa trong nghị quyết của Đảng, có chủ trương, kế hoạch thực hiện. Việc triển khai Chỉ thị số 40 có sự phối hợp, tham mưu của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. TPHCM tiếp tục triển khai chương trình tín dụng chính sách xã hội gắn với chương trình mục tiêu giảm nghèo bằng các biện pháp bền vững như tạo sinh kế, việc làm, đào tạo tay nghề cho người dân. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng chương trình tín dụng sinh viên để mọi học sinh trên cả nước đến TPHCM học tập mà có nhu cầu đều tiếp cận được chương trình của TPHCM. Bên cạnh đó, nghiên cứu bố trí nguồn lực, ban hành các chính sách thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 tại TPHCM, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển, lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hiện cơ quan tham mưu đang trình cấp có thẩm quyền đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách theo hướng tăng mức độ ưu đãi và tăng khả năng tiếp cận của nhóm các đối tượng thụ hưởng phù hợp với đặc thù của vùng miền, phù hợp với đối tượng đặc thù của vùng, miền đóng vai trò rất quan trọng. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn vay phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, điều kiện phát triển, đặc điểm của từng vùng miền, chu kỳ sản xuất chăn nuôi. Chú trọng cung cấp tín dụng, chính sách xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác. Bên cạnh đó, nghiên cứu tiêu chí phân loại và quy trình xác định đối tượng địa bàn nghèo, đối tượng có thu nhập trung bình, ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030 làm căn cứ xây dựng chính sách xã hội, chính sách tín dụng ưu đãi và xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.
Sỹ Bình - Thanh Hương