Người 'ngoại đạo' cần lưu ý gì khi nhận nhượng quyền?

Người 'ngoại đạo' cần lưu ý gì khi nhận nhượng quyền?
3 ngày trướcBài gốc
Sau 2 tuần tìm hiểu về các mô hình nhượng quyền và dòng quay vòng tiền của các thương hiệu nhượng quyền như cà phê, quán phở, trung tâm Anh văn, thời trang, phòng game thì người viết nhận thấy, lĩnh vực F&B có chi phí nhượng quyền thấp và vòng quay của dòng tiền nhanh hơn so với các mô hình khác. Ảnh: TL.
Muôn vàn hình thức nhượng quyền
Anh Lê Thanh, mấy năm trước khi mua một căn shophouse ở Chung cư Hưng Ngân, Quận 12, TPHCM và quyết định mua nhượng quyền một thương hiệu cà phê. Nhưng sau một thời gian kinh doanh, anh Thanh quyết định tạm dừng cho thuê mặt bằng lầu 1 để làm tạp hóa.
"Khách hàng của chúng tôi là cư dân trong chung cư nên mỗi ngày từ 7h sáng đến 10 giờ đêm cũng tầm vài chục khách, tính ra thì tháng lời cũng được 15 triệu (chưa tính tiền thuê mặt bằng) nhưng gần như tất bật thời gian, không có ngày nghỉ", anh Thanh nói.
"Tôi đã tìm hiểu khá kỹ về các hình thức nhượng quyền và chọn F&B do khả năng quay vòng dòng tiền nhanh hơn các mô hình khác vì ăn uống là nhu cầu hằng ngày. Còn nhượng quyền trung tâm tiếng Anh hay thời trang đầu tư nhiều, chi phí marketing nhiều hơn mở một quán cà phê", anh Thanh trả lời câu hỏi vì sao chọn mua nhượng quyền quán cà phê mà không phải lĩnh vực khác.
Theo anh Thanh, ban đầu mở quán là để vợ quản lý nhưng sau đó công việc phát sinh, không có thời gian do vợ chồng anh có thêm em bé nên cuối cùng quyết định không bán cà phê nữa mà cho thuê mặt bằng, mỗi tháng có 10 triệu mà không phải thức khuya, dậy sớm như trước đây.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, hiện lĩnh vực F&B hiện đang có khá nhiều thương hiệu nhượng quyền, trong đó, nhiều nhất là cà như Trung Nguyên E-coffee, Viva Star Coffee, cà phê Monaco; gà rán Hàn Quốc; Chicken Plus; cơm thố Hội An… Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể tìm hiểu và nhượng quyền trung tâm tiếng anh, spa làm đẹp, thời trang hay phòng game....
Tại Việt Nam đang có xu hướng nhượng quyền 0 đồng, tức là phía các doanh nghiệp không thu phí thương hiệu, không thu phí quản lý, không hỗ trợ marketing… Với mô hình này, khách hàng trả một khoản tiền để được đối tác trang bị dụng cụ, thiết bị theo quy chuẩn mô hình nhượng quyền.
Ngoài cà phê mang đi (take away), những người có vốn ít muốn khởi nghiệp có thể chọn nhượng quyền bán gà rán đường phố, bánh mì… Ưu điểm của những mô hình này là vốn đầu tư thấp, được hỗ trợ công thức chế biến và tư vấn bán hàng nên phù hợp với những ai chưa có kinh nghiệm.
Lĩnh vực như thời trang, làm đẹp, phòng tập thể hình, phòng game đòi hỏi chi phí lớn, chỉ riêng phí nhượng quyền đã khoảng vài trăm triệu đồng.
Theo tìm hiểu của KTSG Online , nếu hỏi bên nhượng quyền cho xem báo cáo tài chính của những cửa hàng nhượng quyền thì thường bị lãng tránh theo một hướng khác hoặc nói doanh thu của cửa hàng nhượng quyền là tất tốt nhưng không có một tài liệu nào để chứng minh. Câu trả lời cho câu hỏi này kiểu như bên mua tự chịu trách nhiệm về doanh thu - lời lỗ hay dạng “anh có thể tự tìm hiểu/khảo sát ở các cửa hàng đã nhượng quyền”.
Nhiều người quyết định mua nhượng quyền thương mại vì họ thấy những câu chuyện thành công của những người nhượng quyền khác. Nhượng quyền thương mại cung cấp cho những doanh nhân một mô hình ổn định, đã được kiểm chứng để điều hành một doanh nghiệp thành công, theo investopedia.com.
“Trong suốt quá trình vận hành, công ty chỉ thu phí cung cấp nguyên vật liệu (sẽ không đặt mục tiêu đặt hàng cho khách hàng), còn phí nhượng quyền, quản lý, chia sẻ doanh thu bên bán nhượng quyền không hề can thiệp và thu phí do đây là nhượng quyền toàn phần. Chủ đầu tư sẽ nhận 100% doanh thu và tự chịu trách nhiệm cho việc kinh doanh của quán”, một nhân viên phụ trách về nhượng quyền thương hiệu cà phê T. cho biết.
Còn đối với nhượng quyền một thương hiệu kem đến từ Indonesia, bên tư vấn khuyên, anh có thể đến cửa hàng nhượng quyền (tại TPHCM) để trải nghiệm thực tế cho chính xác, "còn báo cáo tài chính bên em có thể gửi anh bán cả ngàn tỉ đồng cũng được mà”, đại diện tư vấn thương hiệu này lý giải.
Nguồn: investopedia.com
Trong quá trình tìm hiểu, người viết bài tiếp xúc với khá nhiều thương hiệu và thường khá mất thời gian để trao đổi, trả lời các câu hỏi, chụp hình ảnh mặt bằng để bên nhượng quyền khảo sát, đánh giá xem trong khu vực đó đã có cửa hàng nhượng quyền hay chưa nhằm tránh xung đột lợi ích…
Khi tiếp xúc với tư vấn, có những tư vấn có những lời khuyên chân thành là phải tìm hiểu kỹ, đặc biệt là phải có một người toàn thời gian để quản lý, xử lý công việc, còn nếu hai vợ chồng đi làm mà thuê nhân viên làm thì có thể không đạt hiệu quả kinh doanh mong muốn.
Cũng có bên tư vấn muốn khách hàng buổi sáng tìm hiểu thì chiều ký kết hợp đồng nhưng cũng có thương hiệu lại hỏi sâu về khả năng tài chính của bên mua như "bạn có thể chịu lỗ được bao lâu sau khi nhượng quyền?".
“Khi nhượng quyền, công ty ngoài việc hỗ trợ đào tạo nhân viên, xây dựng hệ thống vận hành cũng như các chương trình marketing cho cửa hàng nhưng không thể đảm bảo 100% là có lợi nhuận trong thời gian đầu. Người có nhu cầu nhận nhượng quyền cần chuẩn bị nguồn tài chính, còn không thì cân nhắc vì đây là cuộc chơi dài hơi”, Linh Nguyễn, chuyên viên tư vấn cho một thương hiệu thời trang nói với người viết.
Cần tìm hiểu kiểu về mô hình tài chính của bên nhượng quyền
Theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, nhượng quyền là bán thương hiệu và cách vận hành nhưng để nhượng quyền thì phải tạo ra một quy trình để những người chưa có kinh nghiệm vẫn có thể biết cách chế biến, vận hành. Thêm vào đó là có những hỗ trợ về thương hiệu, marketing vì bên nhượng quyền có thể họ chưa trang bị những kiến thức này.
Theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, những món ăn mang tính bản địa như phở, hủ tiếu, bánh mì… thì dễ làm nhượng quyền vì khả năng thành công cao.
Cũng theo chuyên gia này, bên bán chỉ nhượng quyền được khi mô hình của họ hiệu quả về mặt kinh tế, tức là được bài toán về kinh tế - kinh doanh lời lỗ. Tuy nhiên, đây là một trong những điều khoản mập mờ trong câu chuyện nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam hiện nay.
Khi báo cáo tài chính không rõ ràng nên nhiều thương hiệu nhượng quyền thất bại vì cả người mua và người bán không rõ ràng về mô hình tài chính. Bên cạnh đó, hiện đang có tình trạng dù mô hình tài chính đó chưa hiệu quả nhưng doanh nghiệp đã mang đi nhượng quyền. "Ở Việt Nam, nhượng quyền là một hình thức mới và nhiều người có suy nghĩ là nếu tôi cần tiền, cần vốn đầu tư xã hội thì tôi đi nhượng quyền. Tuy nhiên, đây là hai thứ khác nhau nhưng đang bị lẫn lộn" bà Vân cho biết.
Theo bà Phi Vân, trước khi nhượng quyền bên mua có thể yêu cầu bên bán cung cấp các báo cáo tài chính để xem hiệu quả hoạt động kinh doanh. "Nếu bên bán nhượng quyền nếu không chia sẻ thông tin tài chính hay dự toán lời lỗ thì điều đó cho thấy, bên bán nhượng quyền chưa có chuyên nghiệp. Do đó, nếu như bên mua gặp tình huống chưa chuyên nghiệp này thì tự mình làm bài toán dự toán này bằng việc khảo sát một cửa hàng nhượng quyền đã đi vào hoạt động" bà Phi Vân nói với KTSG Online.
Hùng Phong
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/nguoi-ngoai-dao-can-luu-y-gi-khi-nhan-nhuong-quyen/