Người nhà nước bị dôi dư có thể làm gì?

Người nhà nước bị dôi dư có thể làm gì?
10 giờ trướcBài gốc
Thương mại điện tử phát triển mạnh cũng là cơ hội, hướng đi mới cho nhiều người khởi nghiệp. Trong ảnh: Chị Đinh Thị Thúy Trang, chủ thương hiệu thời trang Karoll (Hải Dương), một người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, cũng từng là viên chức. Ảnh: TUẤN ANH
Khi hợp nhất tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, một số lượng không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức sẽ dôi dư. Tại Hải Dương, số lượng người dôi dư được dự báo là hàng nghìn.
Vậy những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư này có thể làm gì sau khi rời hệ thống chính trị?
Để trả lời câu hỏi này, cần xét về đối tượng, độ tuổi và hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Với những cán bộ, công chức, viên chức đã xấp xỉ đến tuổi nghỉ hưu hay đang làm song song 2 công việc vừa trong Nhà nước, vừa ở khu vực tư nhân thì thuận hơn và có thể đã rõ, họ sẽ nghỉ hưu trước tuổi, dành thời gian cho gia đình hoặc chỉ tập trung vào phát triển công việc bên ngoài.
Với những lao động còn trẻ tuổi, trung tuổi, thu nhập trước giờ chỉ dựa vào lương Nhà nước, có gia đình, con cái đang mong chờ thì có đáng lo không nếu bị tinh giản? Lo chứ, nhưng không lo quá!
Thực tế, từ trước đến nay, đã có nhiều người từng là người Nhà nước, thành công ở khu vực tư, nhiều doanh nhân thành đạt mà trước đó chỉ là những công chức, viên chức bình thường. Bởi vậy, khi ra khỏi khu vực công, cán bộ, công chức, viên chức nên nhìn vào những lợi thế riêng có của mình và mạnh dạn phấn đấu.
Thời gian làm việc, sinh hoạt ở khu vực công chắc hẳn đã tạo cho họ những kinh nghiệm, trải nghiệm, kiến thức đáng quý. Đó chính là hành trang họ có thể mang theo khi ra ngoài. Có thể nói đến sự kỷ luật, chỉn chu trong công việc. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức là người được đào tạo bài bản, có học thức, trình độ chuyên môn cao và sâu.
Qua quá trình công tác ở các cơ quan, đơn vị, họ càng được bồi đắp thêm hiểu biết về pháp luật, chủ trương, định hướng phát triển của xã hội, đất nước. Đặc biệt, họ sẽ có cách nhìn nhận vấn đề toàn diện, thấu đáo hơn khi trải nghiệm ở cả hai môi trường công và tư.
Từ đó, sẽ rút ra những giải pháp cho cá nhân, doanh nghiệp. Những người đồng nghiệp, mối quan hệ khi còn công tác cũng là tài sản quý giá...
Anh Lê Đình Thành, Phó Bí thư Đoàn xã Hưng Long (Ninh Giang) sẽ tập trung vào công việc kinh doanh vận tải khi không còn hoạt động không chuyên trách cấp xã. Ảnh: VĂN TUẤN
Đó là những lợi thế từ chính mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Thực tiễn cũng đang có nhiều lợi thế khách quan với họ.
Thời gian qua, kinh tế tư nhân ở nước ta phát triển mạnh mẽ với khoảng 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế...
Hải Dương hiện có trên 20.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. 4 tháng đầu năm 2025, trong khi một số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động, toàn tỉnh vẫn có 723 doanh nghiệp mới thành lập, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước.
Một số chủ doanh nghiệp sẵn sàng và luôn săn đón tuyển dụng, mời những người từng làm việc trong môi trường nhà nước làm lao động, chuyên gia, cố vấn...
Người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc được hưởng chế độ hỗ trợ bằng tiền có thể khởi nghiệp kinh doanh. Những trường hợp còn lại có thể tiếp tục làm công việc với chuyên môn của mình ở doanh nghiệp lớn, nhỏ nào đó.
Nhiều người sẽ không ngại học một ngành nghề, kiến thức mới và bắt đầu con đường mới. Đó có thể là một doanh nghiệp mới, cũng có thể chỉ là một người bán hàng online mới, một người sáng tạo nội dung số mới... Những cánh cửa vẫn luôn hấp dẫn và tiềm năng, chỉ cần có ý chí và mong muốn mở nó ra.
Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, được kỳ vọng phát huy mạnh mẽ vai trò của kinh tế tư nhân.
Tại các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hải Dương năm 2025, Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng đều có nội dung về hỗ trợ, tạo điều kiện, giới thiệu, chuyển đổi việc làm với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi tinh gọn bộ máy.
Với những thuận lợi, tiềm năng này, cán bộ, công chức, viên chức ở Hải Dương không cần quá lo lắng khi dôi dư hay chuyển đổi nghề nghiệp. Thay vào đó, cần tự tin với tâm thế chủ động thích ứng, sẵn sàng thay đổi, cầu thị và học tập suốt đời.
Cùng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dôi dư không chỉ bằng tiền khi nghỉ việc mà còn là hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng mới, giới thiệu việc làm, nơi tiếp nhận cụ thể...
Việc chọn ai dôi dư, ai tinh giản cũng cần cân nhắc thật kỹ bởi chỉ lần này thôi, khi họ đã đi rồi sẽ rất khó tuyển lại được nữa.
PHONG TUYẾT
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/nguoi-nha-nuoc-bi-doi-du-co-the-lam-gi-411953.html