Người nhiễm HIV nên tập thể dục thế nào?

Người nhiễm HIV nên tập thể dục thế nào?
6 giờ trướcBài gốc
1. Tập thể dục có lợi ích gì với người nhiễm HIV?
Tập thể dục không chỉ mang lại sức khỏe tốt cho người nhiễm HIV, mà còn giúp chống lại một số tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Với thói quen duy trì tập luyện ở cường độ phù hợp, người nhiễm HIV có thể: Tăng mức năng lượng giúp người nhiễm HIV ít cảm thấy mệt mỏi hơn, kích thích cảm giác thèm ăn, nhờ đó người nhiễm HIV ăn ngon miệng hơn và tăng cân, cải thiện chất lượng giấc ngủ...
Ngoài ra, tập thể dục còn giúp:
Cải thiện khối lượng cũng như sức mạnh cơ bắp, cải thiện sức bền tim phổi
Tăng cường sức khỏe xương (giảm nguy cơ loãng xương).
Giảm cholesterol LDL và triglyceride, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Giảm mỡ thừa.
Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu...
Tập thể dục đều đặn mang lại nhiều lợi ích tích cực cho người nhiễm HIV.
2. Bài tập nào tốt cho người nhiễm HIV?
Không có hình thức tập luyện nào chống chỉ định với người nhiễm HIV. Bất kỳ những chuyển động cơ thể nào giúp cơ bắp hoạt động và tiêu tốn năng lượng đều tốt cho sức khỏe, ví dụ như đi bộ nhanh, chạy, đạp xe, khiêu vũ, nhảy dây, bơi lội, yoga, khí công, tập tạ...
Trước khi bắt đầu tập luyện, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình, đặc biệt là khi ở tuổi cao. Bác sĩ cũng có thể tư vấn về hình thức tập luyện và cường độ phù hợp với mỗi người.
Không nên ép bản thân tập luyện quá sức bởi nó có thể khiến bạn đau cơ, mệt mỏi và tăng nguy cơ chấn thương. Khi tập luyện, hãy chú ý đến hình thức và tư thế tập.
3. Làm thế nào để duy trì động lực tập luyện đều đặn?
Trong trường hợp sức khỏe ổn định, người nhiễm HIV nên duy trì hoạt động thể chất thường xuyên để nâng cao sức khỏe. Một số mẹo dưới đây có thể giúp duy trì động lực tập luyện mà bạn có thể tham khảo:
- Làm mới chương trình tập luyện mỗi ngày: Bạn có thể kết hợp nhiều hình thức tập luyện khác nhau để tránh cảm giác nhàm chán. Hoặc nếu bạn chọn đi bộ, có thể khám phá các cung đường khác nhau mỗi ngày để tạo ra động lực, khích lệ bản thân.
- Tập ngay trong nhà mình: Có thể tập luyện ngay trong nhà, đặc biệt là trong những ngày thời tiết bất lợi. Bạn có thể tập yoga, tập kháng lực, chạy bộ trên máy chạy bộ trong nhà...
- Tham gia các phòng tập luyện và lớp cộng đồng: Tham gia các lớp cộng đồng hoặc phòng tập sẽ giúp bạn kết nối với những người khác, nhờ đó giúp nâng cao tinh thần thể dục thể thao.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Bạn hỏi - Chuyên gia trả lời: Tất tần tật về HIV/AIDS I SKĐS
BSCKI Ngô Đức Nhuân
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nguoi-nhiem-hiv-nen-tap-the-duc-the-nao-16924101416111207.htm