Lựa chọn mới cho ngành nông nghiệp?
Ngành nông nghiệp toàn cầu có quy mô khổng lồ và đang không ngừng phát triển. Theo số liệu mới nhất, thị trường này dự kiến sẽ đạt 5.520 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 3,45%. Riêng tại châu Phi, thị trường thực phẩm và nông nghiệp được dự báo sẽ đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, những người tham gia thị trường này, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp nhỏ, đang đối mặt với nhiều rào cản tài chính nghiêm trọng. Hệ thống ngân hàng truyền thống thu phí từ 3 - 6% cho mỗi giao dịch quốc tế, một con số không hề nhỏ khi biên lợi nhuận trong ngành nông nghiệp vốn đã rất mỏng. Thời gian thanh toán kéo dài cũng là vấn đề lớn khi một giao dịch quốc tế có thể mất đến 120 ngày để hoàn tất, buộc nhiều nông dân phải vay nợ lãi suất cao để duy trì hoạt động.
Không dừng lại ở đó, việc phải chuyển đổi qua đồng USD làm trung gian khiến nông dân mất thêm 3 - 10% giá trị giao dịch do chênh lệch tỷ giá. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ ở châu Phi có thể phải trả phí giao dịch cao gấp đôi so với các tập đoàn lớn, tạo ra sự bất bình đẳng lớn trong tiếp cận thị trường.
Stablecoin xuất hiện như một giải pháp đầy hứa hẹn cho những vấn đề trên. Bằng cách sử dụng công nghệ blockchain, stablecoin cho phép các giao dịch được thực hiện trực tiếp, không qua trung gian, với chi phí thấp hơn đáng kể và thời gian xử lý chỉ trong vài phút thay vì nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng stablecoin tại các thị trường đang phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Về mặt thanh toán xuyên biên giới, stablecoin đã chứng minh hiệu quả vượt trội.
"Trong 15 năm theo dõi thị trường crypto, tôi chưa từng thấy một công nghệ nào có tiềm năng chuyển đổi toàn diện cho các giao dịch quốc tế như stablecoin", ông Jeremy Allaire, CEO của Circle (công ty phát hành USDC) nhận định tại Hội nghị Blockchain Geneva tháng trước.
Stablecoin cho phép nông dân và thương nhân tiết kiệm 3 - 6% chi phí giao dịch và nhận tiền trong vòng vài phút thay vì phải chờ đợi hàng tuần. Điều này giúp họ có đủ vốn lưu động để duy trì hoạt động kinh doanh, mua nguyên liệu đầu vào đúng thời điểm và tối ưu hóa chu kỳ sản xuất.
Ngoài ra, tại các quốc gia có nền kinh tế bất ổn như Zimbabwe, Ethiopia hay Nigeria, stablecoin giúp nông dân tránh được rủi ro từ việc mất giá đột ngột của đồng nội tệ. Bằng cách định giá sản phẩm bằng stablecoin, họ có thể duy trì giá trị thực của hàng hóa và đảm bảo thu nhập ổn định.
Một lợi ích khác không kém phần quan trọng là khả năng chống gian lận và tăng cường minh bạch. Gian lận trong ngành thực phẩm toàn cầu gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Stablecoin kết hợp với công nghệ blockchain có thể giúp theo dõi nguồn gốc sản phẩm, giảm thiểu hàng giả và tăng cường niềm tin của người tiêu dùng vào chuỗi cung ứng thực phẩm.
Tập đoàn Parrogate có trụ sở tại Zimbabwe là một ví dụ điển hình về việc áp dụng thành công stablecoin. Bằng cách sử dụng blockchain để thanh toán cho các nhà cung cấp và đối tác thương mại, công ty đã cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Rào cản không dễ vượt qua
Thị trường stablecoin đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Tổng giá trị vốn hóa của các stablecoin đã vượt 160 tỷ USD vào đầu năm 2025, trong đó USDT (Tether), USDC và BUSD chiếm phần lớn thị phần.
Đối với ngành nông nghiệp, stablecoin đang trở thành công cụ tài chính thiết yếu tại các thị trường mới nổi. Báo cáo của Chainalysis cho thấy khối lượng giao dịch stablecoin tại châu Phi đã tăng 124% trong năm qua, với phần lớn hoạt động tập trung vào lĩnh vực thương mại nông sản.
Mặc dù tiềm năng rất lớn, việc áp dụng rộng rãi stablecoin trong nông nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Quy định pháp lý chưa rõ ràng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại châu Phi và Đông Nam Á, tạo ra sự không chắc chắn cho người dùng và hạn chế khả năng mở rộng quy mô. Nhiều nước vẫn có các biện pháp kiểm soát dòng vốn ra nước ngoài nghiêm ngặt, buộc nông dân và thương nhân phải tuân thủ các quy định địa phương phức tạp hoặc đối mặt với các vấn đề pháp lý.
Rào cản công nghệ và giáo dục cũng là thách thức lớn khi nhiều nông dân tại các vùng nông thôn vẫn thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng stablecoin. Khoảng cách số hóa này cần được giải quyết thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương.
Ngoài ra, mặc dù stablecoin có thể hoạt động trên các thiết bị di động cơ bản, việc thiếu kết nối internet ổn định tại nhiều vùng nông thôn vẫn là một trở ngại đáng kể cho việc phổ biến rộng rãi công nghệ này.
Tuy nhiên, các nỗ lực để giải quyết những thách thức này đang được triển khai. Tại châu Phi, các sáng kiến như Stellar Development Foundation và Celo đang hợp tác với các tổ chức địa phương để xây dựng hệ sinh thái thanh toán stablecoin phù hợp với nhu cầu của nông dân. Các chương trình giáo dục tài chính số cũng đang được triển khai để nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dùng.
Sự chấp nhận hàng loạt stablecoin sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng điều đó không có nghĩa là ngành công nghiệp này không tiến tới kỹ thuật số. Lợi ích của stablecoin rất hấp dẫn - giao dịch tức thì, phí thấp hơn và tiếp cận tài chính được nâng cao.
Qui Ánh