Người nông dân đa nghề

Người nông dân đa nghề
5 giờ trướcBài gốc
Nghề mộc mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Khanh
Khi chúng tôi ghé nhà, xưởng mộc của ông Khanh đang rộn rã tiếng máy khoan, máy cắt. Mấy người thợ miệt mài làm việc cho kịp các đơn hàng trước Tết. “Ông nội tôi, cha tôi đều theo nghề mộc. Họ rất giỏi về đồ gỗ theo phong cách xưa, nhưng dù theo cha đi làm mộc khắp các làng xã, tôi cũng dành thêm 3 năm đi học nghề bên ngoài, để tiếp thu thêm cái mới. Đến bây giờ sau 30 năm làm nghề, tôi vẫn không ngừng học hỏi mỗi ngày”, ông Khanh chia sẻ.
Xưởng mộc của gia đình ông Khanh chủ yếu đóng bàn, ghế, giường, tủ, cửa, cầu thang… Sản phẩm được tiêu thụ khắp các quận, huyện trong thành phố. Ông Khanh nói, xưởng mộc của gia đình tuy có quy mô không lớn, nhưng cũng giải quyết được việc làm cho từ 2-6 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Dù là ông chủ xưởng mộc, nhưng khi mùa vụ đến, ông Khanh lại bỏ đục, đẽo xuống để ra đồng cày cấy.
“Vợ chồng tôi làm 6 mẫu ruộng; mỗi năm làm 2 vụ. Đất ruộng thì nhiều mà lao động trong nhà không có, nên tôi mạnh dạn đầu tư 250 triệu đồng để mua máy cày xới đất. Vừa cày ruộng nhà, vừa tranh thủ cày thuê đất cho bà con ở địa phương, tăng thêm thu nhập cho gia đình”, ông Khanh cho hay.
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên việc làm ruộng bây giờ không còn vất vả như xưa. 6 mẫu ruộng trong nhà đều do ông Khanh làm chính. Từ cày ruộng, bơm thuốc, gặt lúa, cuộn rơm đều có máy móc hỗ trợ, vừa tiết kiệm được công sức lao động vừa giảm được chi phí sản xuất. Nhờ vậy, thu nhập từ 2 vụ lúa, sau khi trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng ông Khanh thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng.
Khi thấy các hộ dân ở địa phương làm nấm rơm ngày càng nhiều, bà con phải thuê nhân công ra ruộng chở rơm về với giá thành khá đắt, nên năm 2021 ông Khanh đầu tư 365 triệu đồng để mua máy cuốn rơm, vừa phục vụ gia đình, vừa đáp ứng nhu cầu của bà con địa phương. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch lúa, ông Khanh lại chở rơm về chất đầy trong kho. Đó là nguồn nguyên liệu để vợ chồng ông tăng gia làm nấm.
“Vợ chồng tôi làm 3 vòm nấm rơm. Những lúc được giá, nấm rơm có khi lên đến 240 nghìn đồng/kg. Dù thức khuya dậy sớm, nhưng chỉ cần nhìn thấy những thành quả lao động là mệt nhọc tan biến hết”, người đàn ông “đa nghề” nở nụ cười tươi. Ông cho biết, dù làm nấm nhiều năm, tích lũy nhiều kinh nghiệm, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Mỗi một công đoạn đều phải chỉn chu, từ ủ rơm, đạp rơm, vô khuôn, đổ meo, tưới nước, canh nhiệt độ…, luôn cần độ chính xác cao. Chỉ cần một mắt xích không hoàn thiện, xem như công sức đổ sông đổ biển.
Trước câu hỏi, một lúc làm nhiều việc như thế, sao kham nổi, ông Khanh lại cười mộc mạc: “Miễn là biết phân bổ thời gian hợp lý, làm việc khoa học thì hiệu quả vẫn thấy mà cũng thảnh thơi”. Nhờ chăm chỉ, lại biết cách làm ăn, mà vợ chồng ông Khanh không chỉ xây dựng nhà cửa khang trang, tiện nghi; nuôi con cái ăn học; mà còn có tiền để đầu tư cho con đi lao động ở nước ngoài.
Ông Hồ Viết Thuyên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lương đánh giá, ông Khanh là tấm gương nông dân điển hình về lao động sản xuất, chung tay tích cực trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.
Bài, ảnh: Hà Lê - Quỳnh Anh
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/kinh-te/nguoi-nong-dan-da-nghe-150534.html