Người Pháp đã thăm dò và khai thác vàng bạc ở Việt Nam như thế nào?

Người Pháp đã thăm dò và khai thác vàng bạc ở Việt Nam như thế nào?
2 giờ trướcBài gốc
Vận chuyển sản phẩm từ tàu cuốc của Công ty Mỏ vàng Bảo Lạc (nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp)
Quy định chung về thăm dò và khai thác khoáng sản ở Đông Dương
Khai thác mỏ là một nguồn thu quan trọng của Đông Dương. Trong những năm 1920, ngành mỏ đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau lúa gạo - vốn là sản phẩm chủ lực của thuộc địa này.
Do những khó khăn trong việc thăm dò khoáng sản ở một xứ nhiệt đới địa hình gồ ghề và có rừng bao phủ, chính quyền Đông Dương đã có những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thăm dò và khai thác mỏ.
Với sự cho phép của người đứng đầu chính quyền cấp kỳ, mọi pháp nhân và thể nhân chỉ cần khai báo với văn phòng quản lý mỏ là có quyền thăm dò trong phạm vi hình vuông cạnh 3km theo hướng Bắc Nam và Đông Tây, tâm hình vuông do người xin thăm dò đề xuất, lệ phí cấp phép thăm dò là 500 franc.
Người có giấy phép thăm dò được đệ đơn xin nhượng quyền khai thác mỏ trong thời hạn 3 năm. Nếu người đệ đơn đã hoàn thành các thủ tục cần thiết và nếu không có tranh chấp gì liên quan, vấn đề nhượng quyền sẽ được thông qua và chính thức hóa bằng nghị định của Toàn quyền. Lệ phí cấp nhượng quyền là 500 franc kèm theo phí thẩm cứu.
Tàu cuốc của Công ty Mỏ vàng Bảo Lạc (nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp)
Theo quy định tại nghị định ngày 26-12-1912, mỏ được nhượng quyền khai thác vĩnh viễn. Chủ sở hữu mỏ được phép khai thác các khoáng chất khác trong khu mỏ. Tuy nhiên, họ phải nộp một khoản lệ phí cố định tối đa là 6 franc/ha/năm và một khoản thuế khác tỷ lệ thuận với giá trị của khoáng sản; tỷ lệ này được quy định từ năm 1930 trở về trước là 2%.
Quy định về việc nhượng quyền khai thác mỏ từng vấp phải nhiều chỉ trích. Ở châu Âu, người xin nhượng quyền phải cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của mỏ cũng như nguồn lực tài chính cần thiết phục vụ hoạt động khai thác. Ngược lại, ở Đông Dương, chính quyền không có cơ sở để biết rõ mỏ đang được nhượng quyền có thực sự tồn tại hay không và việc này có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng.
Việc kiểm soát hoạt động thăm dò và khai thác mỏ ban đầu được giao cho các viên chức thuộc Nha Công chính. Ngày 5-2-1904, Sở Mỏ được chính thức thành lập, thực hiện hai nhiệm vụ chính là nghiên cứu địa chất và nghiên cứu các mỏ quặng. Đến năm 1938, Toàn quyền Đông Dương tạm thời toàn quyền quyết định việc cấp phép thăm dò mỏ trên toàn lãnh thổ thuộc địa.
Hoạt động thăm dò và khai thác vàng ở Việt Nam
Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều mỏ vàng và đã được người bản xứ khai thác từ lâu. Triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức khai thác nhiều mỏ vàng có trữ lượng lớn như Chiên Đàn (Quảng Nam), Hội Nguyên (Nghệ An), Tiên Kiều (Tuyên Quang), Phú Nội, Phú Bình, Phúc Phú (Cao Bằng), Gia Nguyên (Hưng Hóa). Sau khi chiếm Đông Dương, người Pháp đã tiến hành thăm dò trên quy mô lớn, đồng thời đầu tư vào máy móc, trang thiết bị để gia tăng sản lượng. Trong số các mỏ được nhượng quyền khai thác, đáng chú ý nhất là mỏ Bảo Lạc và Pác Lạng ở Bắc Kỳ cùng mỏ Bồng Miêu ở Trung Kỳ.
Nhà máy phát điện của Công ty Mỏ vàng Bảo Lạc (nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp)
Mỏ vàng Bảo Lạc, Cao Bằng
Đây là một vỉa phù sa nằm trên dòng của con sông Năng, con sông nhỏ vùng Thượng Bắc Kỳ cách Hà Nội khoảng 200km về phía Bắc theo đường chim bay. Mỏ này được biết đến từ năm 1912, nhưng chỉ khai thác có phương pháp từ năm 1922, thời kỳ Công ty Thiếc và Volfram Bắc Kỳ phụ trách việc thăm dò. Sau đó, Công ty Mỏ vàng Bảo Lạc được thành lập với số vốn 750.000 đồng Đông Dương.
Vàng chủ yếu được khai thác bằng tàu cuốc, hoạt động bằng nguồn điện từ nhà máy xây dựng cách đó 20km về phía Bắc. Tàu có thể xử lý khoảng 1.500m3 phù sa mỗi năm. Tuy nhiên, hoạt động của mỏ Bảo Lạc không đạt hiệu quả như mong đợi. Năm 1937, công ty báo cáo khoản thâm hụt 44.933 đồng Đông Dương, nâng tổng mức thâm hụt lên 993.415 đồng và buộc phải tuyên bố giải thể.
Nhà máy của Công ty Mỏ Pác Lạng (nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp)
Mỏ vàng Pác Lạng, Bắc Kạn
Phần lớn mỏ Pác Lạng là dạng mạch quặng. Vàng nằm trong các mạch thạch anh dẹt do bị đá phiến chồng lên. Thạch anh chứa vàng tự do hoặc pirit, tuy nhiên, phương pháp luyện kim cần tiếp tục điều chỉnh để đạt hiệu quả tối đa. Ngoài những mạch quặng này, Công ty Mỏ vàng Pác Lạng cũng khai thác những mỏ phù sa dạng bậc thang nằm phía trên dòng nước hiện nay (năm 1929) khoảng 30m. Những mỏ này được biết đến từ lâu và đã được thăm dò chủ yếu từ năm 1922. Công ty Mỏ vàng thành lập từ năm 1926 và đã xây dựng một nhà máy nghiền với bộ máy nghiền sử dụng động cơ khí đốt nghèo 40 mã lực.
Mỏ vàng Bồng Miêu, Quảng Nam
Bồng Miêu xưa có tên là Chiên Đàn, ngày nay nằm ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Thời Lê mạt, nhân dân Quảng Nam đã lập thành những thuộc kim hộ (hộ đãi vàng) chuyên đi đãi cát lấy vàng ở Chiên Đàn và nộp thuế cho nhà nước. Thời Nguyễn, mỏ vàng Bồng Miêu do nhà nước trực tiếp quản lý và độc quyền khai thác nhưng bị bỏ hoang vào khoảng những năm 50 của thế kỷ 19.
Năm 1894, sau khi đưa vào khai thác mỏ than Nông Sơn, gần Đà Nẵng, Công ty Nghiên cứu Quảng Nam đã được thành lập tại Paris. Đây là một nghiệp đoàn nhằm mục đích tìm kiếm và nghiên cứu các mỏ quặng có thể khai khẩn trong tỉnh.
Lần theo những dấu tích khai thác cũ của người Chăm và người Việt, nghiệp đoàn này đã lựa chọn các mỏ vàng ở Bồng Miêu và vào ngày 26-10-1896, nghiệp đoàn chuyển thành công ty khai thác, đặt tên là Công ty Mỏ Bồng Miêu, trụ sở chính tại Paris.
Công ty thành lập với vốn điều lệ 850.000 franc. Không lâu sau, con số này được nâng lên 950.000 franc. Nhiều khoản chi phí ngoài dự kiến và các thử nghiệm đắt đỏ khiến công ty nhanh chóng cạn vốn. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm lại cho thấy nhiều hứa hẹn. Vì vậy, ngày 26-1-1901, công ty chuyển đổi thành Công ty Mỏ Bồng Miêu mới với số vốn 256.000 franc.
Thời gian đầu, công ty đào nhiều đường hầm ở lưng chừng đồi, cao 1m60, rộng 1m30-1m80 để thăm dò và vận chuyển quặng. Chất nổ sử dụng trong khai thác mỏ là thuốc nổ dynamit. Quặng được chuyển về nhà máy bằng tuyến cáp dài 1.200m. Về đến nhà máy, quặng to được mang đi đập nhỏ còn quặng nhỏ cho thẳng vào máy nghiền.
Quặng được xử lý bằng phương pháp xyanua hóa, là phương pháp hiện đại theo kiểu châu Âu, chỉ được người Pháp thực hiện từ khi tiến hành khai thác ở Bồng Miêu với hiệu quả vượt trội hơn các phương pháp thủ công trước đây. Năm 1903, công ty thu được 17.830g vàng nguyên chất, 9.218g bạc; năm 1904, thu được 37.335g vàng nguyên chất và 17.218g bạc; năm 1905 thu được 74.290g vàng nguyên chất và 33.776g bạc. Năm 1903, toàn bộ vàng được xuất sang chính quốc. Riêng năm 1905 chỉ xuất khẩu 91,1%, phần còn lại phục vụ nhu cầu của người Pháp ở Đông Dương.
Đồng bạc hoa xòe của Pháp
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, mỏ vàng Bồng Miêu ngừng khai thác và đến năm 1926 được mua lại bởi Công ty Khai thác mỏ và nông nghiệp Đông Dương, chi nhánh của Công ty Mỏ Las Dos Estrella. Nhờ trang thiết bị hiện đại cũng như kinh nghiệm khai thác, xử lý kim loại quý tại các mỏ ở Mexico, công ty này đã có cơ hội biến Bồng Miêu thành một địa chỉ làm ăn vô cùng phát đạt ở thuộc địa.
Ngoài ra, còn có một số mỏ được khai thác theo phương pháp thủ công, chủ yếu nằm ở các tỉnh Bắc Kỳ như Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn và Tuyên Quang. Tuy nhiên, việc theo dõi và thống kê sản lượng của những mỏ này gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động thăm dò và khai thác bạc
Tương tự như mỏ vàng, mỏ bạc cũng sớm được triều đình nhà Nguyễn trực tiếp khai thác hoặc cho lãnh trưng thu tô. Theo thống kê trên Tạp chí Excursions et reconnaissances năm 1883, có các mỏ bạc Lư Thượng, Lư Hạ, An Khương, Ba Động (tỉnh Thanh Hóa), Tống Tinh, Phước Sơn, Ngân Sơn, Bông Ngân, Kieu Nuong, Cam Lac Dien, Khon Hien, Dieu Ngan, Nghia Hoa Thiet (tỉnh Thái Nguyên), Phu Thanh, Li Bo (tỉnh Hưng Hóa) và Nam Dang (tỉnh Tuyên Quang).
Đãi vàng ở Bồng Miêu (nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp)
Mỏ bạc Bông Ngân
Ban đầu, tiền tô là 700 lượng bạc mỗi năm. Do sản lượng của mỏ giảm nên vua Gia Long đã cho giảm tiền tô xuống 350 lượng vào năm 1802. 1 năm sau tiếp tục nâng lên 700 lượng. Tiền tô giảm liên tiếp trong các năm tiếp theo và xuống còn 200 lượng vào năm Gia Long thứ 8 (1809), 180 lượng vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) và 150 lượng vào năm Tự Đức thứ 4 (1851).
Mỏ bạc Ngân Sơn
Theo một báo cáo năm 1888, mỏ bạc Ngân Sơn gồm 3 mạch quặng nằm giữa cấu tạo đá vôi. Lối vào mỏ rất hẹp dẫn đến một phòng lớn, từ đó tỏa đi các đường hầm nhỏ. Các lớp chứa kim loại có chiều rộng 0,4-0,6cm. Dụng cụ khai thác là búa và đục. Mỗi ngày, một phu mỏ có thể bóc tách và khuân vác khoảng 10kg quặng từ hầm lên mặt đất.
Dưới triều Nguyễn, tiền tô hằng năm quy định ban đầu là 400 lượng bạc. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) tăng lên 450 lượng và đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) giảm xuống còn 370 lượng. Năm 1888, khi người Pháp đến nghiên cứu mỏ bạc Ngân Sơn đã phát hiện nhiều dấu tích cho thấy sự nhộn nhịp của hoạt động khai thác bạc từng diễn ra tại đây. Năm 1921, mỏ bạc Ngân Sơn được nhượng cho Công ty Kim loại và Mỏ quặng Đông Dương, trụ sở chính tại số 154 đại lộ Haussman, Paris với số vốn 16 triệu franc.
Theo một chuyên gia của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý, trước đây nhiều người vẫn tưởng Việt Nam không có các mỏ bạc thực sự. Thay vì thế, bạc thường được tìm thấy dưới dạng khoáng sản đi kèm trong các mỏ quặng khác như chì, kẽm, đồng, vàng, niken, cobalt… Nhưng các tài liệu lưu trữ của Pháp đã cho thấy điều ngược lại. Thời gian sẽ làm sáng tỏ thêm rất nhiều điều.
Bùi Hệ (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/nguoi-phap-da-tham-do-va-khai-thac-vang-bac-o-viet-nam-nhu-the-nao-721240.html