Người phụ nữ 25 tuổi phải nhập viện cấp cứu thừa nhận sai lầm khi đi làm đẹp nhiều phụ nữ Việt mắc phải

Người phụ nữ 25 tuổi phải nhập viện cấp cứu thừa nhận sai lầm khi đi làm đẹp nhiều phụ nữ Việt mắc phải
10 giờ trướcBài gốc
Nhiều chị em gặp họa khi đi làm đẹp
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ của bệnh viện liên tục tiếp nhận, xử trí nhiều ca bệnh đáng tiếc, nguy kịch do làm đẹp tại cơ sở thiếu bảo đảm an toàn.
Trong đó, điển hình là trường hợp bệnh nhân nữ (25 tuổi, ở Hà Nội) bị biến chứng nặng do làm mũi tại một cơ sở spa trên địa bàn. Khai thác tiền sử được biết, trong quá trình làm mũi, bệnh nhân được tiêm 3ml Lidocain hydroclorid 40mg/2ml (tổng liều: 60mg, tương đương 1,2mg/kg) và 1ml Acid Hyaluronic. Sau tiêm 15 phút, bệnh nhân đau đầu, buồn nôn, nôn ra thức ăn, cảm giác khó thở, không tê môi lưỡi, không đau bụng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân gặp biến chứng khi tiêm filler ở spa. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình trong tình trạng khó thở, chóng mặt kèm buồn nôn và nôn dịch ra thức ăn, mạch 45 lần/phút, huyết áp: 90/60mmHg, thâm tím vùng mũi lan lên mắt phải. Chẩn đoán phản vệ độ III sau tiêm filler, chưa loại trừ ngộ độc thuốc gây tê Lidocain.
Bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục đánh giá và xử trí. Tại đây, mắt phải bệnh nhân sưng nề tăng dần, lác ngoài, hạn chế vận nhãn các hướng, kết mạc cương tụ, viêm trợt, phù giác mạc cần theo dõi tổn thương dây thần kinh III phải, phù đĩa thị và theo dõi hoại tử da vùng mũi trán sau tiêm filler 41 tiếng.
Ngoài trường hợp trên, một bệnh nhân nữ 29 tuổi cũng phải nhập viện cấp cứu sau tiêm filler vùng mông 2 bên tại một cơ sở chăm sóc da. Theo đó, sau tiêm 6 giờ, bệnh nhân xuất hiện sưng nóng đỏ đau vùng mông tại các vị trí tiêm. Sờ dưới các vị trí tiêm có nhiều khối cứng chắc, khối lớn nhất có thước 10x8cm, sưng đau. Tình trạng đau không cải thiện, bệnh nhân được người nhà đưa đi viện điều trị.
Không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai, trước đó, tại rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước đã tiếp nhận và cấp cứu cho nhiều trường hợp gặp các biến chứng như mù mắt, biến dạng mặt do làm đẹp ở những spa "chui", những cơ sở làm đẹp không phép.
Ngay tháng 2/2025, một người phụ nữ 29 tuổi ở Hà Nội được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng mất thị lực hoàn toàn mắt trái, đau nhức vùng hốc mắt và nửa đầu bên trái, kèm theo yếu các cơ vận động của nhãn cầu và mí mắt.
Người nhà cho biết, bệnh nhân đã được người quen (không phải bác sĩ) tiêm filler làm đẹp tại nhà. Ngay sau đó, cô xuất hiện triệu chứng đau nhức dữ dội, mờ mắt và nhanh chóng mất thị lực.
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định người bệnh bị tắc hệ mạch mắt và động mạch trung tâm võng mạc, gây tổn thương nghiêm trọng dây thần kinh thị giác. Sau khi can thiệp, tình hình sức khỏe của người bệnh đã tạm ổn định. Tuy nhiên, mắt trái mất thị lực hoàn toàn.
Hay một trường hợp nữ bệnh nhân 44 tuổi được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do mệt mỏi, tức ngực, khó thở sau khi được tiêm thuốc tê (Lidocain) để tiêm filler mũi tại một cơ sở thẩm mỹ "chui".
Tại bệnh viện, các bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn thấy huyết áp tụt thấp, độ bão hòa oxy máu không đảm bảo. Ngay lập tức bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi phản vệ độ III với Lidocain và được xử trí đồng thời theo cả hai phác đồ phản vệ và ngộ độc với thuốc tê, sử dụng vận mạch adrenalin và nhũ tương lipid 20% cùng các biện pháp hồi sức cấp cứu khác.
Thận trọng tiền mất tật mang
Theo các chuyên gia, hiện nay, nhu cầu làm đẹp của người dân, đặc biệt là các chị em phụ nữ đang ngày càng gia tăng. Kéo theo đó là rất nhiều spa, thẩm mỹ viện được ra đời.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở có chất lượng chuyên môn cao, được thẩm định và cấp phép hành nghề, vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở mở "chui", người hành nghề không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn về y tế vẫn thực hiện các thủ thuật xâm lấn đối với khách hàng. Vì vậy, nguy cơ xảy ra các tai biến là rất cao.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có nhu cầu làm đẹp, chị em cần lựa chọn cơ sở uy tín, bác sĩ được đào tạo bài bản để thực hiện. Ảnh minh họa.
Trong đó, tiêm filler (chất làm đầy) là một trong những phương pháp làm đẹp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu thực hiện sai kỹ thuật. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tiêm filler không đúng cách có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng, hoại tử da, thậm chí đe dọa tính mạng.
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, người dân chỉ thực hiện tiêm filler tại các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ được cấp phép; người thực hiện phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về tạo hình thẩm mỹ. Không nên tự tiêm filler tại nhà hoặc thực hiện tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn, giấy phép hoạt động.
Theo PGS.TS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, một cơ sở y tế tư nhân được cấp phép thực hiện một số phẫu thuật thẩm mỹ gây tê ít nhất cũng phải là một Phòng khám phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, có niêm yết tên bao gồm chữ "Phòng khám phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ", niêm yết tên bác sĩ phụ trách và số giấy phép hành nghề, thời gian hoạt động trên biển hiệu.
Do đó, PGS.TS Phạm Thị Việt Dung cảnh báo, khi có nhu cầu thẩm mỹ, các chị em cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn cơ sở uy tín, bác sĩ được đào tạo bài bản, đảm bảo chất lượng, được cấp phép, tránh những hậu quả đáng tiếc, tiền mất, tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyễn Mai
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-25-tuoi-phai-nhap-vien-cap-cuu-thua-nhan-sai-lam-khi-di-lam-dep-nhieu-phu-nu-viet-mac-phai-172250516153304193.htm