Suốt 2 năm qua, chị T. (43 tuổi, ngụ Vĩnh Long) thường xuyên cảm thấy nuốt nghẹn, dù là thức ăn đặc hay lỏng. Cơn đầy bụng kéo dài, kèm theo tình trạng nôn ói ra thức ăn cũ khiến chị mệt mỏi và sút cân. Dù đã khám và điều trị tại nhiều cơ sở y tế, thậm chí thực hiện nong thực quản, tuy nhiên triệu chứng vẫn không thuyên giảm.
Gần đây, cơn đau và khó chịu vùng ngực ngày càng tăng, chị đã quyết định đến BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long khám và kiểm tra đánh giá lại.
Sau khi được nội soi dạ dày – thực quản các bác sĩ ghi nhận chị mắc co thắt tâm vị – một bệnh lý rối loạn vận động thực quản, khiến thức ăn khó di chuyển xuống dạ dày.
Sau khi nội soi dạ dày – thực quản, các bác sĩ ghi nhận chị mắc co thắt tâm vị. Ảnh: BVCC
Ngay sau chẩn đoán, các bác sĩ khoa Ngoại Tổng Quát đã tiến hành hội chẩn và thống nhất chỉ định phẫu thuật cắt cơ vòng dưới thực quản (phẫu thuật Heller) – phương pháp điều trị triệt để tình trạng co thắt tâm vị.
BS.CKII. Lê Tòng Bá – Phó trưởng khoa Ngoại Tổng quát, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho biết: “Đây là một trong những kỹ thuật đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm, bởi cấu trúc vùng tâm vị rất mỏng manh. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây thủng thực quản, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng”.
Ca phẫu thuật được tiến hành bằng phương pháp nội soi, thông qua 5 trocar nhỏ ở bụng. Quá trình bộc lộ và bóc tách thực quản diễn ra cẩn trọng. Sau khi mở cơ thực quản dài khoảng 4cm lên trên cơ thắt tâm vị, các bác sĩ tiếp tục mở rộng xuống dưới 2cm vào cơ dạ dày, rồi khâu tạo van chống trào ngược theo phương pháp Dorr – giúp hạn chế biến chứng trào ngược sau mổ. Cuộc mổ diễn ra suôn sẻ trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Chỉ sau vài ngày phẫu thuật, chị T. đã ăn được cháo loãng, không còn cảm giác nuốt nghẹn và hiện đã được xuất viện. Các bác sĩ cũng đã hướng dẫn chế độ ăn phù hợp và lịch tái khám để theo dõi lâu dài.
Co thắt tâm vị là bệnh lý hiếm gặp, do cơ vòng thực quản dưới không giãn nở đúng cách, gây tắc nghẽn đường đi của thức ăn từ thực quản xuống dạ dày. Triệu chứng thường gặp gồm: Nuốt nghẹn (cả lỏng lẫn đặc); Ợ hơi, đầy bụng; Nôn ói thức ăn chưa tiêu; Đau tức ngực sau ăn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nặng như giãn thực quản, sụt cân, hoặc tăng nguy cơ ung thư thực quản.
M.H (th)