Theo thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp chấn thương tai nghiêm trọng sau khi ngoáy tai.
Bệnh nhân là một phụ nữ, nhập viện trong tình trạng chóng mặt dữ dội, buồn nôn, nôn ói nhiều và nghe kém tai trái. Trước đó 3 ngày, trong lúc ngoáy tai, bệnh nhân bị người khác vô tình va trúng và dẫn đến chảy máu tai trái ngay sau tai nạn.
Tại bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi rối loạn tiền đình, theo dõi thủng màng nhĩ. Tuy nhiên, do triệu chứng chóng mặt và buồn nôn không cải thiện, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM.
Qua thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết như nội soi, đo thính lực, CT scan xương thái dương, bác sĩ ghi nhận các tổn thương nặng nề ở tai trái. Hình ảnh CT cho thấy bệnh nhân bị vỡ xương thái dương, vỡ cửa sổ bầu dục, xương bàn đạp di lệch vào tiền đình và chuỗi xương con bị gián đoạn — đây là nguyên nhân gây mất thính lực và chóng mặt kéo dài.
Kết quả chụp CT-scan tai cho thấy vỡ xương thái dương ở hòm nhĩ [T] có vỡ cửa sổ bầu dục, xương bàn đạp di lệch vào tiền đình. Ảnh: BV Tai Mũi Họng TPHCM
Bệnh nhân được chẩn đoán: theo dõi viêm mê nhĩ trái, di lệch xương bàn đạp và gián đoạn chuỗi xương con sau chấn thương tai.
Bệnh nhân đã được ê-kíp bác sĩ khoa Tai – Tai thần kinh phẫu thuật, tiến hành mở hòm nhĩ, thám sát tổn thương và thay thế phần xương bị hỏng bằng một trụ dẫn chuyên dụng (prosthesis) giúp phục hồi khả năng nghe. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được điều trị và tình trạng chóng mặt đã dần cải thiện.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã tiếp nhận 11 trường hợp chấn thương tai do ngoáy tai, với các tổn thương thường gặp như: vỡ xương thái dương, thủng màng nhĩ, tổn thương chuỗi xương con, hệ thống tiền đình… Những tổn thương này nếu không được xử trí kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài như nghe kém, chóng mặt kéo dài, thậm chí điếc vĩnh viễn.
Các bác sĩ cảnh báo: ống tai không thẳng mà cong, việc tự ý ngoáy tai bằng vật nhọn hoặc tăm bông có thể làm tổn thương lớp da, niêm mạc, gây viêm ống tai ngoài. Nguy hiểm hơn, nếu xuyên vào sâu có thể làm thủng màng nhĩ, gãy xương tai, tổn thương tiền đình hoặc dây thần kinh số VII, dẫn đến các biến chứng nặng như chóng mặt, liệt mặt, mất thính lực không hồi phục.
Ráy tai là chất bảo vệ tự nhiên, không cần phải lấy thường xuyên. Khi có biểu hiện như ù tai, nghe kém, ngứa hoặc có mùi hôi trong tai, người dân nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng. Đặc biệt, khi có va chạm hoặc tổn thương sau ngoáy tai, cần đi khám ngay để được xử lý đúng cách, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng.
L.Vũ (th)