Người phụ nữ dân tộc Dao gặp Bác

Người phụ nữ dân tộc Dao gặp Bác
7 giờ trướcBài gốc
Bà Dương Thị Khách (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) và các đại biểu miền núi chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn tại Phủ Chủ tịch ngày 15/10/1964 (Ảnh tư liệu, tác giả bài viết chụp lại)
Bà Dương Thị Khách sinh năm 1919, nhà ở xóm Khau Hương, xã Bác Ái (nay thuộc xã Đề Thám) huyện Tràng Định. Khau Hương là một xóm nhỏ ở vùng cao xa xôi, hẻo lánh của Tràng Định, cách thị trấn Thất Khê khoảng 18 km. Bây giờ đường ra thị trấn rất dễ dàng nhờ con đường tỉnh 226 rộng rãi, phẳng lì chạy thông từ thị trấn Bình Gia sang Thất Khê (Tràng Định), nhưng những năm 1960, nơi đây là vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Tràng Định, giao thông cách trở. Mỗi khi ra phố chợ Thất Khê người dân ở đây đều đi bộ. Người dân xã Bác Ái có 100% là dân tộc Dao Lù gang (Lô gang), dân cư thưa thớt, chủ yếu sống bằng canh tác nương rẫy. Năm 1999 dân số của Bác Ái mới có 734 người, đến cuối năm 2019 - trước khi sáp nhập vào xã Đề Thám và xã Kim Đồng (huyện Tràng Định) tổng dân số của xã là 1.099 người.
Qua câu chuyện với bà Lý Dương Liễu, nguyên cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lạng Sơn trú tại khối Cửa Bắc, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn (con gái bà Dương Thị Khách) chúng tôi được biết, vào cuối năm 1960, khi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đang diễn ra sôi nổi ở miền Bắc, Chi bộ xã Bác Ái được thành lập, cùng với đó là sự ra đời của các tổ chức đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Bà Dương Thị Khách là người được cử làm Hội trưởng đầu tiên của Hội Phụ nữ xã Bác Ái. Bà là một trong số rất ít phụ nữ Dao ở xã lúc đó biết nói tiếng Kinh. Điều đó đã tạo thuận lợi cho bà trong suốt quá trình công tác hội. Gần 20 năm hoạt động phong trào, bà đã không quản ngại khó khăn, hăng hái vận động chị em phụ nữ trong xã thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và tham gia các hoạt động phong trào do hội phụ nữ các cấp phát động. Với cương vị là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, bà tích cực tham mưu về công tác phụ nữ; chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho chị em phụ nữ trong xã. Với những thành tích xuất sắc trong công tác, nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà đã được Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết ký quyết định trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” (ngày 1/10/1999). Đây là phần thưởng xứng đáng ghi nhận những thành tích, cống hiến của bà trong xây dựng tổ chức hội, vì bình đẳng giới và sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam.
Bà Dương Thị Khách đã mất năm 2012, hưởng thọ 93 tuổi. Sinh thời bà là người rất sôi nổi, hoạt bát nhưng lại ít khi kể về công việc của mình. Nhưng có một chuyện bà thường kể cho con cháu mình nghe, đó là chuyện bà được mời về Thủ đô gặp Bác Hồ trong đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số vào tháng 10/1964. Lúc đó, giao thông liên lạc khó khăn, bà đã đi bộ từ nhà ra thị trấn Thất Khê và được xe của Ủy ban Hành chính tỉnh đưa về Hà Nội. Những ngày ở Thủ đô bà cùng các đại biểu lần đầu được đến tham quan khu nhà sàn - nơi ở và làm việc của Bác; được gặp Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch, được Bác mời cơm thân mật… Bức ảnh “Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn với các đại biểu miền núi ngày 15/10/1964” trong cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với các dân tộc Việt Nam” được chụp tại Phủ Chủ tịch chính trong lần gặp gỡ đó. Những ngày sau, bà và đoàn đã được đưa đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số nơi có phong trào sản xuất tiêu biểu ở tỉnh Hải Dương, Hải Phòng như: hợp tác xã sản xuất muối biển ở Đồ Sơn… Nhiều năm sau, bà vẫn giữ được những tấm ảnh kỷ niệm quý về chuyến đi đó. Tuy nhiên, thời kỳ chiến tranh Biên giới năm 1979, các bức ảnh đó cùng nhiều giấy tờ của gia đình đã bị thất lạc. Nhờ có thông tin trong cuốn sách ảnh của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc mà bà Lý Dương Liễu đã tìm được bức ảnh kỷ niệm quý giá của mẹ mình.
Cuộc gặp gỡ của bà Dương Thị Khách với Bác Hồ kính yêu ngày 15/10/1964 đã trở thành niềm vinh dự tự hào, là nguồn động viên lớn lao đối với bà và toàn thể gia đình trong suốt quá trình học tập, công tác. Thấm nhuần những lời căn dặn của Bác, khi trở về địa phương, bà tiếp tục hăng say công tác, tích cực tham gia vào phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy ở vùng sâu, vùng xa rất nhiều khó khăn, gia đình thuần nông nhưng ba người con của bà đều được ra thị trấn Thất Khê học cấp 2, cấp 3 và tiếp tục học lên bậc đại học, một người học trường Sư phạm Thái Nguyên để trở về xây dựng quê hương; một người là kỹ sư nông nghiệp, giáo viên; một người là cán bộ văn hóa... Trong đó có một người con gái học chuyên ngành sinh vật ở Nga, khi về nước công tác ở Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, đến năm 1979 mới chuyển vào miền Nam công tác.
Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn thường gửi thư thăm hỏi, đi thăm và đón tiếp đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước tại Phủ Chủ tịch. Bà Dương Thị Khách – người phụ nữ dân tộc Dao ở vùng cao Tràng Định xa xôi là một trong số những cá nhân của Lạng Sơn đã có vinh dự được gặp Bác. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Lạng Sơn nói riêng. Đó cũng là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, bình đẳng, tiến bộ mà Bác luôn hướng tới trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình.
CHU QUẾ NGÂN
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/nguoi-phu-nu-dan-toc-dao-trang-dinh-duoc-gap-bac-ho-5046925.html