Người phụ nữ ôm con khóc cầu cứu trước bệnh viện yêu cầu dừng chuyển tiền hỗ trợ

Người phụ nữ ôm con khóc cầu cứu trước bệnh viện yêu cầu dừng chuyển tiền hỗ trợ
6 giờ trướcBài gốc
Mới đây, cộng động mạng chia sẻ clip người phụ nữ quê ở Đắk Lắk nói mình bị dàn cảnh móc túi mất 9,5 triệu đồng trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TP HCM). Sau đó, kêu gọi ủng hộ tiền.
Clip được cộng đồng mạng chia sẻ với nội dung người phụ nữ bị móc túi trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Kết quả trích xuất camera bệnh viện và các cơ sở kinh doanh xung quanh vào ngày 10-2 cho thấy thông tin người phụ nữ chia sẻ trên mạng xã hội là sai sự thật.
Theo bệnh viện, người phụ nữ này nhiều lần đưa con đến thăm khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, 2-3 lần mỗi tháng, với nhiều lý do bệnh khác nhau để đề nghị bác sĩ chỉ định xét nghiệm, chụp CT, dù bé không mắc bệnh gì.
Bệnh viện cảnh báo người dân không tiếp tục lan truyền đoạn video này cũng như chuyển tiền vào số tài khoản do người phụ nữ đã cung cấp.
Hiện Công an phường Bến Nghé đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan làm rõ.
Trong bài đăng mới nhất trên mạng xã hội Facebook, người phụ nữ cho biết đã nhận hơn 27 triệu đồng. Đồng thời cho biết ngoài mục đích khám bệnh cho con ra thì không rút một đồng nào để xài cho mục đích cá nhân.
Người phụ nữ cũng cho biết việc xin tiền khám cho con là sự thật, mất tiền cũng là sự thật. Ngoài ra yêu cầu mọi người đừng chuyển khoản nữa.
Chúng tôi đã liên hệ nhưng người này không phản hồi.
Bài viết của người phụ nữ trên trang cá nhân
Bạn đọc Báo Người Lao Động thắc mắc hành vi của người phụ nữ có vi phạm pháp luật ?Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, trước khi xác định hành vi vi phạm pháp luật của người phụ nữ, cơ quan điều tra cần làm rõ nhiều yếu tố quan trọng để xác định liệu có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ Luật Hình sự hay không.
Đầu tiên, cần thống kê số tiền người phụ nữ đã nhận được từ các nhà hảo tâm. Nếu tổng số tiền vượt quá 2 triệu đồng và không được sử dụng đúng mục đích như đã kêu gọi, mà thay vào đó bị chiếm đoạt cho mục đích cá nhân, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, cần xem xét liệu vụ việc này có được tổ chức một cách có hệ thống hay không. Nếu có sự cấu kết giữa nhiều người để dàn dựng câu chuyện nhằm trục lợi, đây có thể bị coi là phạm tội có tổ chức.
Bên cạnh đó, nếu người phụ nữ từng thực hiện hành vi này trước đây và có sự lặp lại nhiều lần với phương thức tương tự thì có thể bị xem là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, dẫn đến mức xử phạt nghiêm khắc hơn.
Theo điều 174 Bộ luật Hình sự, nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 đến dưới 50 triệu đồng, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp, mức án có thể tăng lên từ 2-7 năm tù giam.
Nếu số tiền chiếm đoạt chưa đủ 2 triệu đồng đồng, người phụ nữ vẫn phải chịu xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 2-3 triệu đồng và hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt.
Đồng thời, hành vi này được thực hiện trên mạng nhằm mục đích chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội thì mức phạt có thể lên đến 20 triệu đồng theo quy định tại điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP(được sửa đổi bởi khoản 37 điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP.
"Vụ việc trên là một lời nhắc nhở quan trọng về sự thận trọng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội. Trong thời đại công nghệ phát triển, những câu chuyện kêu gọi lòng trắc ẩn có thể lan truyền nhanh chóng nhưng không phải lúc nào cũng phản ánh sự thật" - luật sư Đào Thị Bích Liên lưu ý.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, kết quả trích xuất camera của bệnh viện và các cơ sở kinh doanh xung quanh bệnh viện vào ngày 10-2 cho thấy lúc 4 giờ 7 phút, người phụ nữ bế một em bé đi từ cổng số 4 vào Bệnh viện Nhi đồng 2.
Đến 6 giờ 18 phút, người này đi bộ sang đường ăn sáng rồi vào lại bệnh viện ở khu vực trước sảnh và ghế ngồi chờ khám, đến 6 giờ 49 phút thì đến khu vực sảnh, mở điện thoại livestream.
Cả hai tiếp tục trong sảnh bệnh viện cho đến 12 giờ 37 phút qua đường ăn trưa và đến 13 giờ 22 phút lại tiếp tục trở vào bệnh viện.
Đến 14 giờ 8 phút người phụ nữ cùng em bé ra cổng số 5 bắt xe ôm công nghệ rời đi.
Kết luận từ Công an phường Bến Nghé (quận 1) cho hay không có sự việc dàn cảnh móc túi trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 như lời kể.
Anh Vũ
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/nguoi-phu-nu-om-con-khoc-cau-cuu-truoc-benh-vien-yeu-cau-dung-chuyen-tien-ho-tro-196250212081940122.htm