“Gia đình tôi, cả bên nội và bên ngoại có 12 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có ông nội và bố tôi. Truyền thống của gia đình tôi là chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng”, bà Rơ Châm H'Yéo bắt đầu câu chuyện với chất giọng hào sảng của người Gia Rai.
Năm 1966, khi mới 16 tuổi, chưa biết chữ, chưa nói sõi tiếng Kinh, Rơ Châm H'Yéo xung phong vào du kích để trả nợ nước, thù nhà. Chỉ sau đó một năm, Rơ Châm H'Yéo nhập ngũ, chiến đấu trong đội hình Huyện đội Khu 4 (nay thuộc huyện Ia Grai và một phần của hai huyện Chư Păh, Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Với lòng gan dạ, tinh thần chiến đấu dũng cảm, bà được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm giữ các chức vụ tiểu đội phó, tiểu đội trưởng, trung đội phó, trung đội trưởng, đại đội trưởng và Huyện đội phó Huyện đội Khu 4 khi còn rất trẻ.
Bà Rơ Châm H'Yéo.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên (Mặt trận B3) phối hợp với LLVT và nhân dân Khu 4 tiến công quân sự kết hợp khởi nghĩa quần chúng. Từ đêm 30 đến sáng mồng Một Tết Mậu Thân, ở hầu hết các xã của Khu 4, lực lượng của ta đã nổi dậy khởi nghĩa phá ấp, giành quyền làm chủ. “Trong trận đánh đêm 30 Tết, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt, sử dụng 3 khối bộc phá, đột nhập, phá hủy trận địa pháo của địch và tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phá được 3 khẩu pháo của chúng, tạo điều kiện cho quân ta đánh chiếm các mục tiêu thuận lợi. Sau trận đánh đó, tôi được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và một năm sau (năm 1969) được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam”, bà H'Yéo nhớ lại.
“Còn danh hiệu “Kiện tướng gùi đạn”, bà được Mặt trận B3 trao tặng khi nào?”. Câu hỏi của tôi đã khơi đúng mạch cảm xúc của bà H'Yéo. Bà hào hứng kể: “Đó là năm 1970, tôi được Tư lệnh Mặt trận B3 tặng bằng khen “Kiện tướng gùi đạn”, từ đó, anh em trong đơn vị và bộ đội Mặt trận B3 gọi tôi bằng danh hiệu này. Vào những năm đó, bộ đội địa phương chúng tôi vừa tác chiến vừa phải đi gùi đạn từ các kho, trạm của Mặt trận B3. Nếu như anh chị em trong đơn vị chỉ gùi được 3 quả đạn pháo DKB thì tôi gùi đến 18 quả, gấp 6 lần mọi người”.
“Nhưng đó chưa phải là tất cả, hôm nay, điều mà tôi muốn kể là lần tuyên thệ khi được kết nạp Đảng. Lúc đó, đơn vị tôi đang trên đường hành quân đánh địch ở ấp chiến lược thì được lệnh dừng lại làm lễ kết nạp Đảng cho 3 đồng chí, trong đó có tôi. Mặc dù chưa biết chữ nhưng trước Đảng kỳ, Lời tuyên thệ của tôi xuất phát từ trái tim mình: "Trung thành tuyệt đối với nhân dân; trung thành tuyệt đối với Đảng; trung thành tuyệt đối với Quân đội". Tôi vẫn luôn khắc ghi và thực hiện triệt để lời tuyên thệ đó cho đến hôm nay. Trong chiến đấu, tôi luôn dành cho mình một viên đạn cuối cùng, sẵn sàng hy sinh chứ tuyệt đối không để quân địch bắt. Khi biết được suy nghĩ đó của tôi, một cán bộ Mặt trận B3 đã tặng tôi một quả lựu đạn và nói "quả này dành cho mình trong lúc nguy cấp". Tôi đã giữ nó bên mình trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng quê hương. May mắn là tôi chưa bao giờ phải sử dụng đến nó và khi đất nước hòa bình, tôi đã trao trả lại cho Huyện đội”, bà H'Yéo xúc động chia sẻ.
Sau ngày miền Nam giải phóng, khi đang mang quân hàm Trung úy và giữ chức Huyện đội phó, bà Rơ Châm H'Yéo được cấp trên cử làm cán bộ trong hệ thống chính trị của địa phương. Kể từ đó, bà kinh qua nhiều chức vụ, như: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh và nay là Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Gia Lai. Ở cương vị nào bà cũng thực hiện đúng lời tuyên thệ trước Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, đầu tàu gương mẫu, sống trung thực, liêm khiết, giản dị và cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp chung của Đảng, của nhân dân.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN