Người phụ nữ thổi đinh tút nơi đại ngàn

Người phụ nữ thổi đinh tút nơi đại ngàn
2 giờ trướcBài gốc
Mí Lát (thứ hai từ phải qua) tham gia biểu diễn tại một chương trình nghệ thuật của huyện. Ảnh: PHẠM THÙY
Trước nguy cơ văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một do sự thờ ơ của lớp trẻ, Mí Lát luôn cố gắng giữ gìn và mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống nói chung, loại nhạc cụ của đồng bào DTTS này nói riêng được lưu giữ, phát triển cho mai sau, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân bản địa.
Tiếng lòng giữa đại ngàn
Đinh tút là một loại sáo được làm bằng ống nứa hoặc trúc khi thổi phát ra âm thanh. Mỗi khi tiếng sáo đinh tút thổi lên hòa cùng tiếng trống và cồng chiêng, âm thanh ấy lan tỏa, bay bổng trên các triền đồi tạo nên một không gian huyền ảo.
Mỗi khi có khách đến thăm và hỏi về đinh tút, Mí Lát vui lắm. Tại chương trình giao lưu nghệ thuật văn hóa cồng chiêng, dân ca, nhạc cụ dân tộc và ra mắt đội văn nghệ truyền thống buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh), bà nhiệt tình trả lời mọi thắc mắc và nhu cầu cần biết của khách về nhạc cụ này.
“Giữa đại ngàn, khi tiếng đinh tút vang lên sẽ xua tan những nỗi buồn. Tiếng đinh tút lúc nhẹ nhàng, trầm lắng, lúc thánh thót như thôi thúc mời gọi mọi người tạm gác mọi lo toan của cuộc sống đời thường để cầu mong an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và no đủ, mọi người thương yêu và đùm bọc nhau”, Mí Lát tâm đắc.
Mí Lát đã trải qua 67 mùa rẫy, nhưng mỗi khi bà thổi đinh tút, âm thanh phát ra từ loại nhạc cụ truyền thống này còn rất trong trẻo, giai điệu ngọt ngào được nhiều người yêu thích, nhất là khi âm thanh này hòa cùng tiếng cồng chiêng. Theo Mí Lát, càng thổi lâu thì âm thanh của đinh tút càng cao vút, vọng vang, len vào trong từng tầng cây, hốc đá làm cho không khí lao động thêm hăng say.
“Tôi thấy lo nếu như một ngày mình như chiếc là vàng trước gió, nhất là khi cái tai không còn thính, cái giọng không còn trong mà bọn trẻ không chịu kế thừa, không chịu theo học để giữ âm thanh của đại ngàn. Bây giờ còn giữ được thì mình cứ giữ và khuyến khích lớp trẻ học được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu”, Mí Lát trải lòng.
Ông Ksor Y Lêng, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Sông Hinh cho biết: Trong đồng bào dân tộc Ê Đê ở Sông Hinh, những người có thể thổi đinh tút như Mí Lát rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, địa phương rất trân quý và luôn động viên bà nỗ lực lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Trước những nguy cơ mai một, ngành Văn hóa huyện đã tuyên truyền, vận động già làng, người có uy tín, các nghệ nhân, người trực tiếp nắm giữ, thực hành di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống và thanh thiếu niên tham gia vào các CLB, đội văn nghệ truyền thống của từng xã.
Phòng VH-TT cũng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể; truyền dạy các loại nhạc cụ dân tộc mới có cải tiến và truyền dạy kỹ năng dàn dựng tổ chức các chương trình văn nghệ truyền thống.
Theo ông Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới và phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân, là những nhiệm vụ trọng tâm mà Huyện ủy, UBND huyện đang triển khai thực hiện.
Đặc biệt, những người tâm huyết với các loại nhạc cụ dân tộc như Mí Lát giúp cho công tác xây dựng, thành lập các đội văn nghệ truyền thống và CLB sinh hoạt văn hóa, dân gian thuộc nhà văn hóa - khu thể thao thôn, buôn trên địa bàn huyện ngày càng được nhân rộng và tăng cơ hội lưu giữ những vốn quý của cha ông để lại.
Người uy tín của buôn làng
Không chỉ tích cực gìn giữ và truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ, Mí Lát còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong buôn phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng khu dân cư lành mạnh. Bằng uy tín của mình, Mí Lát đã vận động, thuyết phục nhiều người trong buôn như Mí Nhét, Mí Hùng… làm theo những điều hay lẽ phải để có cuộc sống tốt hơn.
Mí Lát (thứ ba từ phải qua) truyền dạy cách thổi đinh tút cho nữ thanh niên của xã Ea Bar, huyện Sông Hinh. Ảnh: PHẠM THÙY
Mí Nhét xúc động kể: Gia đình đã nghèo nhưng chồng tôi không chịu và cũng không cho thực hiện các biện pháp tránh thai nên chưa đến 40 tuổi, tôi đã sinh 11 đứa con. Khi biết vợ chồng tôi có ý định sinh đứa con thứ 12, Mí Lát đã đến tận nhà khuyên giải, vận động. Mí nói không được sinh nữa, nếu cứ sinh mà không có điều kiện nuôi con thì cái nghèo nó cứ theo mãi. Vợ chồng tôi nghe theo và được mí hướng dẫn cách vay vốn, mượn vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Câu chuyện của Mí Hùng còn bi đát hơn, khi đứa con trai của bà nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, chơi cá độ, gây nợ nần hàng trăm triệu đồng, lại còn châm lửa đốt nhà vì Mí Hùng không chịu đưa tiền cho con tiêu xài. Trước tình cảnh đó, Mí Lát là người đứng ra cưu mang Mí Hùng. “Trong lúc tôi gặp khó khăn, Mí Lát vẫn luôn bên cạnh hỗ trợ, cưu mang. Nhờ đó mà tôi vượt qua nỗi sợ hãi, tiếp tục gầy dựng cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình”, Mí Hùng bày tỏ.
Bà Hờ Hoan, công chức Văn hóa - Xã hội xã Ea Bar cho biết: Các già làng, người có uy tín như Mí Lát giữ vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công tác của địa phương, nhất là công tác giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Họ luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con dòng họ nơi mình sinh sống thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Với lối sống giản dị gần gũi, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống và mong muốn được cống hiến cho xã hội, Mí Lát ban ngày đi rẫy kết hợp vận động bà con trong buôn phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh. Ban đêm hay những ngày nông nhàn, hết mùa rẫy, bà vận động mọi người cùng luyện tập văn nghệ, tập thổi đinh tút cho các cháu thanh thiếu niên.
“Các CLB, đội văn nghệ và những nghệ nhân không những giúp bảo tồn, giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS ở huyện Sông Hinh mà còn tạo ra một sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân địa phương. Những người như Mí Lát chính là cầu nối trong các hoạt động văn hóa và phát triển kinh tế của Sông Hinh”, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Sông Hinh Ksor Y Lêng cho biết thêm.
Già làng, người có uy tín luôn giữ vị trí đặc biệt, ảnh hưởng lớn trong đồng bào DTTS. Điểm chung ở họ là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm; phần lớn là những hạt nhân trong phát triển KT-XH ở địa phương. Do đó, huyện luôn quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với họ; đẩy mạnh nêu gương các điển hình tiên tiến, tạo phong trào thi đua rộng khắp, sôi nổi.
Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nay Y Blung
PHONG NHÃ
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/94/322418/nguoi-phu-nu-thoi-dinh-tut-noi-dai-ngan.html